.

Thắng lợi vẻ vang trong lịch sử ngoại giao Việt Nam

Cập nhật: 09:26, 26/01/2019 (GMT+7)

Cách đây 46 năm, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam) được ký kết ngày 27-1-1973. Đây là kết quả của một quá trình đàm phán được coi là dài ngày nhất, khó khăn, phức tạp nhất, nhưng cũng là một trong những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.

Sau Hiệp định Paris, tại sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) đã diễn ra cuộc đón tiếp cảm động các cán bộ, chiến sĩ cách mạng chiến thắng trở về.
Sau Hiệp định Paris, tại sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) đã diễn ra cuộc đón tiếp cảm động các cán bộ, chiến sĩ cách mạng chiến thắng trở về.

Quá trình đàm phán

Cuộc đàm phán Paris kéo dài 5 năm, từ ngày 15-3-1968 đến 27-1-1973. Giai đoạn đàm phán dưới thời Tổng thống Mỹ Johnson diễn ra từ ngày 15-3-1968 đến 31-10-1968. Kết thúc giai đoạn này, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom và chấp nhận để Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) tham gia Hội nghị Paris.

Tháng 1-1969, Nixon nhậm chức Tổng thống Mỹ. Đến ngày 18-1-1969, Hội nghị 4 bên họp phiên đầu tiên dưới hình thức bàn tròn, Đoàn đại biểu của MTDTGPMNVN xếp ngang hàng với các đoàn đại biểu khác. Trên bàn đàm phán, cuộc đấu trí diễn ra quyết liệt giữa các bên đàm phán, đặc biệt là giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và trợ lý Tổng thống Mỹ Henri Kissinger.

 Hội nghị Paris về Việt Nam họp từ ngày 13-5-1968 đến 27-1-1973, sau 4 năm 9 tháng với 202 phiên họp công khai, 24 phiên họp riêng. Ngày 27-1-1973, văn bản chính thức Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được đại diện 4 bên ký kết (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa). Ngày 29-3-1973, các lực lượng quân sự Mỹ đã phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Ngày 12-12-1972, cuộc đàm phán phải tạm dừng. Đêm 18-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ném bom hủy diệt Hà Nội và Hải Phòng bằng máy bay B52. Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm được ví là “trận Điện Biên Phủ trên không” kết thúc bằng việc 38 “pháo đài bay B52” và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ nổ tung ngay trên bầu trời Hà Nội. Đây là đòn quyết định nhất buộc Tổng thống Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cho phía Mỹ gặp Đoàn đại biểu Việt Nam tại Paris để ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh.

Ngày 23-1-1973, cố vấn Lê Đức Thọ cùng trợ lý Tổng thống Mỹ Henri Kissinger đã ký tắt văn bản Hiệp định. Ngày 27-1-1973 đã diễn ra lễ ký chính thức Hiệp định tại Paris, buộc Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi miền Nam; đồng thời, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nội dung chủ yếu của Hiệp định Paris là: Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử  thật sự tự do và dân chủ.

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ. Hiệp định Paris còn là bằng chứng tất yếu của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

Đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định

Ngay sau ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn thể nhân dân cả nước “tăng cường đoàn kết, luôn đề cao cảnh giác, ra sức phấn đấu để củng cố những thắng lợi đã giành được, giữ vững hòa bình lâu dài, hoàn thành độc lập, dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc…”.

Song song đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 ra Chỉ thị 15, nêu rõ: Khi có Hiệp định, Lực lượng vũ trang phải cùng nhân dân với các lực lượng chính trị ở địa phương đẩy mạnh cao trào chính trị ở 3 vùng, dưới khẩu hiệu “Hòa bình, độc lập, dân chủ, cơm áo, hòa hợp dân tộc”, buộc địch phải thi hành Hiệp định, đập tan mọi âm mưu phá hoại của địch; làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền; cảnh giác đập tan mọi mưu đồ khiêu khích của địch, đẩy mạnh xây dựng mọi mặt của ta.

Năm 1973, để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới, Khu ủy Khu 8 chỉ đạo TP. Mỹ Tho sáp nhập vào tỉnh Mỹ Tho, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Mỹ Tho. Quân và dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công đã giành được quyền chủ động trên toàn chiến trường.

Lực lượng vũ trang, chính trị đang đứng chân và làm chủ hầu hết các vùng nông thôn và các vùng ven lộ 4, TP. Mỹ Tho, thị xã, thị trấn. Lực lượng quân - dân chính - Đảng phát triển mạnh. Đầu năm 1973, tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công có hơn 7.000 đảng viên và 30.000 người trong các tổ chức cách mạng.

Tại chiến trường Mỹ Tho, ngay trong ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, chính quyền Sài Gòn triển khai đồng loạt các biện pháp để thực hiện kế hoạch lấn đất, giành dân, khống chế không cho đồng bào ta tụ tập từ 5 - 7 người trở lên. Chúng ra lệnh, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc bắt bỏ tù.

Chúng ra lệnh giới nghiêm trong binh lính, cấm trại 100% và ra 12 điều luật phát xít để ngăn chặn sự đào ngũ của binh sĩ, sĩ quan và tập trung binh lực đi lấn đất, giành dân, chiếm giữ các vùng căn cứ giải phóng bằng cách hành quân đến đâu chúng cắm cờ đến đó; đồng thời, đóng xen kẽ thêm đồn bót ở khu đông dân nhằm khống chế mọi hoạt động tiếp tế của quần chúng với lực lượng cách mạng.

Địch tập trung đánh phá nhiều nhất ở chiến trường Mỹ Tho thuộc các xã: Long Tiên, Nhị Quý (huyện Cai Lậy Nam); Tân Hội, Nhị Mỹ (huyện Cai Lậy Bắc); các xã ven TP. Mỹ Tho và các xã Vĩnh Hựu, Thạnh Nhựt, Đồng Sơn (huyện Hòa Đồng)…

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho và Gò Công, quân và dân 2 tỉnh đã đồng loạt cắm hàng chục ngàn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng trên ¾ diện tích của tỉnh Mỹ Tho và một số ấp của tỉnh Gò Công. Ở TP. Mỹ Tho, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng cắm dọc theo sông Bảo Định, khu vực xung quanh chùa Vĩnh Tràng, tuyến lộ Nguyễn Huỳnh Đức.

Quần chúng ở vùng nông thôn giải phóng, vùng tranh chấp được các đoàn thể huy động tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, hội họp để tuyên truyền và học tập Hiệp định Paris, nhằm trang bị cho quần chúng kiến thức về pháp lý của Hiệp định, để quần chúng có cơ sở đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định.

Khi lệnh ngừng bắn được ban hành, không khí cách mạng trong quần chúng càng thêm sôi sục. Quần chúng ở vùng giải phóng đã tổ chức từng đoàn đi thăm viếng chiến sĩ, thương binh, gia đình cách mạng, gia đình liệt sĩ; đồng thời, vận động nhân dân đóng góp gạo, thịt, bánh, thuốc trị bệnh… ủng hộ bộ đội, cán bộ ăn tết để mừng thắng lợi Hiệp định. Qua đó, quần chúng còn vận động những gia đình có người thân đi lính kêu gọi chồng, con, em họ trở về với gia đình.

Ở vùng địch tạm chiếm, quần chúng đấu tranh với bọn tề điệp đòi trở về quê cũ làm ăn, sinh sống. Phong trào quần chúng diễn ra ngày càng sôi nổi, thu hút lượng người tham gia ngày càng đông, trong đó nhiều quần chúng ở vùng yếu cũng tìm mọi cách tham gia hưởng ứng phong trào. 

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.