Bế mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Do cơ quan trình chưa chuẩn bị kịp nên đã phải rút năm nội dung ra khỏi Phiên họp thứ 32, vì vậy, phiên họp tháng Tư tới phải xem xét rất nhiều nội dung và tiến hành trong thời gian khá dài.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Chiều 13-3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên họp này, Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh năm dự án luật, một dự thảo nghị quyết để kịp gửi xin ý kiến Đại biểu Quốc hội đúng quy định hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2019 tới; đồng thời hoàn thiện dự thảo bốn nghị quyết để ký ban hành.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vừa qua do cơ quan trình chưa chuẩn bị kịp nên đã phải rút năm nội dung ra khỏi Phiên họp thứ 32. Vì vậy, phiên họp tháng Tư tới phải xem xét rất nhiều nội dung và tiến hành trong thời gian khá dài (dự kiến từ ngày 10-19/4).
Trong khi đó, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra trong 1,5 ngày, chỉ cách thời điểm khai mạc phiên họp tháng Tư chưa đến một tuần. Do đó, việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý một số dự án luật là rất gấp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động, khẩn trương chuẩn bị nội dung thuộc trách nhiệm, không để tình trạng chậm gửi tài liệu hoặc đề nghị chuyển sang phiên họp tháng Năm tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (gọi chung là nợ đọng thuế).
Thực hiện quy định của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ Trung ương đến địa phương, cơ quan quản lý thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế. Theo đó, số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ năm 2011-2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm.
Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh, từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 7%. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31-12-2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31-12-2016...
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng việc xóa nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp là công việc thường xuyên và cần xem xét thận trọng, nghiêm túc, công bằng, công khai và đúng pháp luật; tránh tình trạng lạm dụng, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để trốn thuế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến tại Kỳ họp thứ 7; đề nghị Chính phủ căn cứ tình hình thực tế và quy định của Luật Quản lý thuế (sửa đổi), tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này để rà soát, hoàn thiện lại dự thảo nghị quyết, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Trước khi bế mạc Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/be-mac-phien-hop-thu-32-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi/557527.vnp)