.

Ông Phạm Minh Chính: "Phải chống cho được chạy chức, chạy quyền"

Cập nhật: 21:04, 04/03/2019 (GMT+7)

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định sẽ không dùng những người "chạy" chức và ai tiếp tay cho "chạy" thì phải kỷ luật.

as
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Ảnh: Võ Hải

Tại hội nghị trực tuyến ngành Tổ chức xây dựng Đảng chiều 4-3, ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh việc "phải chống cho được tiêu cực, chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ".

Quán triệt tinh thần "nói một lần để tất cả cán bộ trong Ngành nắm được", ông Chính nêu rõ các cá nhân, đơn vị không cần phải băn khoăn tìm người này, người kia trong những cơ quan có chức năng tham mưu công tác tổ chức cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Ban công tác đại biểu của Quốc hội) để tác động.

"Chúng tôi có trách nhiệm quán xuyến cái này. Anh nào chạy thì không dùng, mà tiếp tay cho chạy thì phải kỷ luật", ông nói và nhấn mạnh công tác cán bộ phải "lành mạnh, khách quan, trung thực để tìm ra được đội ngũ lãnh đạo trong sáng, tinh thông, gương mẫu".

Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cũng yêu cầu phải tránh chủ nghĩa cá nhân trong công tác cán bộ. "Đã đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện, đúng quy trình thì cứ yên tâm, không phải tranh thủ, tác động ai, mà cũng không ai giải quyết được", ông Chính nói.

Trong tháng 2-2019, toàn Ngành đã tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung, kiện toàn, điều động, bổ nhiệm... đối với hàng nghìn lượt cán bộ, trong đó có 48 trường hợp diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

"Ban Tổ chức Trung ương đã khảo sát và làm việc về công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tại Đà Nẵng, TPHCM, Tuyên Quang, Tây Ninh... và một số bộ, ngành Trung ương", Chánh văn phòng Ban Hoàng Trọng Hưng cho hay.

Trước đó tại hội nghị toàn quốc của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tháng 1-2018, lần đầu tiên Ban Tổ chức Trung ương đã công bố dự thảo chuyên đề về kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ để lấy ý kiến đóng góp của đại biểu.

Mục tiêu Ban hướng tới là bốn không, gồm: "Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy". Cơ quan này đưa ra sáu nhóm giải pháp, trong đó trước mắt tập trung vào "không thể chạy và không dám chạy".

Sáu nhóm giải pháp gồm: Khắc phục tình trạng "thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh"; Thi tuyển cạnh tranh chọn người thực tài; Cấp uỷ phải kiểm soát được tài sản và thu nhập của cán bộ; Xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức công vụ; Xoá bỏ đặc quyền, đặc lợi; Tăng cường giám sát của người dân.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.