Tập trung lãnh đạo phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Trong năm qua, các chỉ tiêu của Huyện ủy Cái Bè đề ra đều thực hiện đạt và vượt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng cao, quốc phòng và an ninh được giữ vững…
Những kết quả đó đã khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng bộ huyện, của Ban Thường vụ Huyện ủy đã có những giải pháp thiết thực, sát với thực tế của địa phương, nhất là việc tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 10 ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh, chú trọng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Người dân xã Mỹ Trung làm đường xây dựng nông thôn mới. |
NHỮNG TIỀM NĂNG VÀ LỢI THẾ
Thời gian qua, Huyện ủy Cái Bè đã xác định rõ khâu đột phá của huyện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Huyện ủy đề ra hằng năm.
Qua đó, kinh tế không ngừng phát triển, tổng giá trị sản xuất năm 2018 đạt 19.205 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2017; đặc biệt là khu vực nông - lâm - ngư nghiệp đạt 9.100 tỷ đồng, đạt 100% Nghị quyết, tăng 5,84% so với năm 2017.
Thu nhập bình quân đầu người 47 triệu đồng/năm, đạt 104,4% Nghị quyết năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5.200 tỷ đồng, đạt 104% Nghị quyết; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,04%...
Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đã được quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng bộ và nhân dân, từ đó tạo sự thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo đó, Huyện ủy, UBND huyện đã quy hoạch các đô thị, dân cư, các dự án phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch ở những nơi có điều kiện phát triển.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiềm năng và lợi thế của huyện là cây lúa và vườn cây ăn trái, một vùng đất luôn được thiên nhiên ưu đãi, bốn mùa nước ngọt quanh năm, thêm vào đó người dân nơi đây có nhiều kinh nghiệm trồng lúa và vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như sầu riêng, mít, xoài, bưởi, cam, quýt…; hiện giống lúa chất lượng cao chiếm diện tích trên 75%, năng suất bình quân 6,6 tấn/ha, hầu hết sản lượng sau khi thu hoạch được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng bao tiêu, nông dân an tâm sản xuất, thu nhập của người trồng lúa bình quân đạt 51,3 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, mô hình trồng lúa sạch của doanh nghiệp Phước Lộc cho hiệu quả kinh tế cao, đang có xu hướng phát triển rộng, còn có 20 mô hình mới trồng lúa kết hợp với trồng hoa trên diện tích 200 ha ở 2 xã Mỹ Hội và Mỹ Tân bước đầu cũng cho hiệu quả khả quan, nông dân rất phấn khởi.
Về vườn cây ăn trái của huyện, hiện có diện tích 16.350 ha, sản lượng trên 300.000 tấn/năm, thu nhập bình quân 98,2 triệu đồng/ha, chủ yếu là sầu riêng, mít Thái, bưởi, cam, quýt...
Điểm nổi bật hiện nay ở huyện Cái Bè là ngày càng có nhiều hộ chuyên canh vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: Xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, mít Thái…, họ biết áp dụng kỹ thuật cao trong việc chọn giống, cách chăm sóc và đầu tư đúng mức nên thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng/ha/hộ rất phổ biến.
ĐẦU TƯ HẠ TẦNG, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trong năm qua, huyện đã đầu tư gần 80 tỷ đồng để xây dựng các công trình trên địa bàn huyện.
Việc đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn được lãnh đạo các cấp chú trọng, đã hoàn thành hầu hết các công trình theo kế hoạch.
Cụ thể, trong năm 2018 đã hoàn thành 47/59 công trình, còn lại 2 công trình đang thi công.
Ngoài ra, từ các nguồn vốn khoảng 100 tỷ đồng của Trung ương và của tỉnh đầu tư xây dựng các công trình lớn như: Trường Trung học cơ sở (THCS) Phan Văn Ba, cầu dân sinh Thiên Hộ, các cầu trên đường dọc sông Tiền, Trường Mầm non An Cư, Trường THCS Hòa Hưng, mở rộng đường Nguyễn Chí Công và đường Trương Công Định, láng nhựa đường dọc sông Tiền… đã tạo nên diện mạo mới cho Cái Bè hôm nay.
Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Cái Bè luôn được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành và người dân địa phương.
Bởi lẽ, trong quá trình triển khai thực hiện, với nhiều biện pháp sinh động, thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, nên việc vận động người dân tham gia xây dựng NTM được thuận lợi, họ sẵn sàng hiến đất làm đường giao thông, làm cầu.
Trong năm 2018, huyện đã tiến hành ra mắt 4 xã đạt chuẩn NTM là Tân Hưng, Mỹ Đức Đông, An Cư và Mỹ Lợi A, đạt 133% Nghị quyết; nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện Cái Bè hiện nay lên 10/24 xã. Các xã còn lại đang xây dựng theo lộ trình, hầu hết đạt trên 10 tiêu chí, trong đó có 2 xã đạt 15 tiêu chí (Hậu Mỹ Bắc B và Hòa Hưng), 1 xã đạt 14 tiêu chí (Mỹ Tân), 2 xã đạt 13 tiêu chí (Hậu Thành và Mỹ Lương)…
PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ SẮP TỚI
Ban Thường vụ Huyện ủy Cái Bè đã đề ra nhiều giải pháp sát với thực tiễn, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với xây dựng NTM theo lộ trình đề ra.
Tiếp tục triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đặc biệt là, thực hiện tốt việc liên kết trong sản xuất, phát huy hiệu quả mô hình Cánh đồng lớn và các mô hình sản xuất sinh thái, mô hình theo quy trình VietGAP, GlobalGAP…; nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn…
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cái Bè Trần Thanh Nguyên cho biết thêm, phương hướng nhiệm vụ sắp tới sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế, nhất là Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, Nghị quyết Đại hội XI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) của Đảng bộ huyện; phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng trên địa bàn huyện, tiếp tục hình thành các hướng đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành của huyện thực hiện các giải pháp để phát triển nông nghiệp toàn diện.
Cơ bản giữ nguyên diện tích cây trồng, chủ yếu nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa, sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.
Chú trọng chuyển đổi giống lúa có chất lượng cao; nghiên cứu mở rộng diện tích các loại cây ăn trái chủ lực của huyện đạt tiêu chuẩn VietGAP, vùng trồng vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc phục vụ xuất khẩu; đồng thời, khuyến khích nông dân trồng các loại cây phù hợp với thị trường tiêu thụ, mở rộng diện tích màu, nhất là luân canh lúa - màu, đưa cây màu xuống chân ruộng để nâng thu nhập cho nông dân…
LÊ HUỲNH