.
KỶ NIỆM 72 NĂM CHIẾN THẮNG GIỒNG DỨA (25-4-1947 - 25-4-2019)

Chiến thắng làm chấn động dư luận trong và ngoài nước

Cập nhật: 10:53, 25/04/2019 (GMT+7)

Cách đây 72 năm, trên mảnh đất Giồng Dứa (nay là ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Khu bộ trưởng Khu 8 Trần Văn Trà đã trực tiếp chỉ huy Chi đội 17, Đại đội xung phong, dân quân và quần chúng nhân dân tỉnh Mỹ Tho phục kích tiêu diệt đoàn “công-voa” của Pháp.

Đây là một trong những trận thắng đầu tiên của quân và dân Nam bộ sau khi Pháp trở lại xâm lược nước ta, tạo khí thế để Lực lượng vũ trang tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công phát huy mạnh mẽ  tinh thần chiến đấu, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1945 - 1954.

Đầu năm 1947, Tỉnh ủy Mỹ Tho và Gò Công chủ trương kiện toàn bộ máy chỉ huy quân sự từ tỉnh xuống quận, xã. Lúc này, các quận chưa tổ chức được lực lượng tập trung, nhưng tự vệ chiến đấu quân đã phát triển thành đại đội dân quân, xã có trung đội dân quân làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ xóm làng.

Đi đôi với việc duy trì và đẩy mạnh chiến tranh du kích, Tỉnh ủy Mỹ Tho và Gò Công chỉ đạo các quận nghiên cứu, điều tra quy luật hoạt động của địch, tổ chức đánh thắng một số trận đầu nhằm thúc đẩy phong trào đánh giặc cứu nước.

Sau 10 phút nổ súng, ta phá hủy 14 xe, diệt gần 80 tên địch (trong đó có tên Đại tá Trocard, chỉ huy tình báo Pháp), bắt 7 tên (trong đó có tên kỹ sư Le Fouse, tên đốc phủ Bích và Trương Vĩnh Khánh - Bộ trưởng ngụy quyền). Bên ta hy sinh đồng chí Nguyễn Doãn Bảy, Đại đội trưởng Đại đội xung phong.

Ngày 8-3-1947, Tỉnh đội Gò Công được thành lập và đóng căn cứ tại Long Thạnh. Ngày 10-3-1947, phát hiện lực lượng Tỉnh đội Gò Công, địch tổ chức cuộc càn lớn, chia làm 4 cánh bao vây Long Thạnh nhằm tiêu diệt lực lượng này.

Trên đường hành quân, địch bắt gần 300 đồng bào đi theo để làm bia đỡ đạn cho chúng. Tỉnh ủy và Tỉnh đội Gò Công lãnh đạo Trung đội 9 cùng du kích địa phương phục kích chặn đánh, tiêu diệt hàng trăm tên địch, giữ vững được căn cứ cách mạng, giữ được phong trào quần chúng. Trận chống càn thắng lợi, quần chúng rất phấn khởi, tề và lính trong đồn hoang mang, dao động.

Đêm và ngày 12-3-1947, địch bắt 30 đồng chí của ta đang bị chúng giam tại Vĩnh Lợi đi thủ tiêu; mặt khác, chúng sang tỉnh Bến Tre bắt cha đồng chí Nguyễn Văn Sĩ (đồng chí Sĩ là Trung đội trưởng Trung đội 9, chỉ huy trận chống càn ở Long Thạnh) ra xử bắn nhằm uy hiếp tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta. Chính hành động trả thù của địch càng gây lòng căm thù địch sâu sắc và sự quyết tâm tham gia kháng chiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

Nắm được quy luật của địch vào ngày 25 hằng tháng từ Sài Gòn tổ chức đoàn “công-voa” theo lộ 4 tiếp tế cho các tỉnh miền Tây Nam bộ, Bộ Chỉ huy Chiến khu 8 quyết định tổ chức đánh tiêu diệt đoàn “công-voa” vào ngày 25-3-1947, nhưng do chuẩn bị chiến trường chưa kịp nên đến ngày 25-4 mới thực hiện.

Trận địa phục kích đánh giao thông được tổ chức tại Giồng Dứa, làng Tam Hiệp (nay là ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành) dài 10 km, từ ngã ba Trung Lương đến cầu Long Định, cách TX. Mỹ Tho 10 km về hướng Tây Bắc.

Lực lượng tham gia trận đánh gồm một bộ phận quân và dân tỉnh Mỹ Tho, học viên khóa 2 Trường Quân chính Khu 8 (được tổ chức thành Đại đội xung phong) phối hợp cùng Chi đội 17, được trang bị 1 trọng liên 12,7 ly, 4 đại liên 7,7 ly, súng trường, tiểu liên và 3 quả mìn, phục kích chủ yếu phía Bắc lộ.

Nắm chắc được quy luật của địch và nắm rõ đoàn xe quan trọng của Chính phủ bù nhìn Lê Văn Hoạch từ Sài Gòn đi miền Tây nên Khu tổ chức và do Khu trưởng Trần Văn Trà, Tham mưu trưởng Nguyễn Văn Quạn và Chi đội trưởng Phan Đình Lân chỉ huy trực tiếp trận đánh.

Để chặn viện, đồng chí Trần Văn Trà cho Đại đội 2 (Chi đội 17) bố trí tại ấp Trung, xã Long Định chặn địch từ quận Cai Lậy xuống, do đồng chí Nguyễn Văn Quạn, Tham mưu trưởng Khu 8 trực tiếp chỉ huy.

Đại đội 3 (Chi đội 17) tăng cường 1 trung đội dân quân Mỹ Tho do đồng chí Phan Đình Lân, Chi đội trưởng Chi đội 17 trực tiếp chỉ huy, chặn viện từ Trung Lương lên. Đặc biệt, trong trận này có anh nông dân tự nguyện đi theo để thổi tù và làm hiệu lệnh cho bộ đội xung phong.

10 giờ ngày 25-4, đoàn xe của Chính phủ Lê Văn Hoạch đi chung đoàn “công voa” quân sự từ Sài Gòn xuống miền Tây. Chiếc xe jeep đi đầu chở tên Trocard vừa đến chỗ khúc quanh thì gặp một chiến sĩ ta giả nông dân đẩy chiếc xe bò chở đầy đá ra giữa lộ để cản đầu xe lại.

Cùng lúc, tiếng tù và thổi lên, lập tức toàn trận địa nổ súng xung phong. Bị đánh quá bất ngờ, nhưng địch vẫn chống trả quyết liệt. Sức tấn công dũng mãnh của ta đè bẹp sức kháng cự của địch. Sau 10 phút nổ súng, ta đã diệt gọn đoàn xe 14 chiếc và đánh lui lực lượng chi viện từ Mỹ Tho, thu toàn bộ chiến lợi phẩm tiếp tế cho miền Tây của địch.

Ta diệt gọn toàn bộ đơn vị Pháp đi bảo vệ, trong đó có Đại tá Trocard, bắt sống nhiều tù binh… Ta đưa các tù binh về Đồng Tháp Mười cho gặp đại diện Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ, quyền Chủ tịch Phạm Ngọc Thuần giải thích chính nghĩa của ta rồi thả về Sài Gòn.

Thắng lợi trận Giồng Dứa của quân và dân ta làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Chính phủ Pháp ra lệnh để quốc tang 7 ngày những chiến binh tử trận và tăng cường sử dụng xe cơ giới đi hộ tống những chuyến chuyên chở hàng của chúng về sau. Pháp phải thường xuyên dùng quân cơ giới đi hộ tống chuyên chở lúa gạo, không dám rút bớt quân để tăng viện, đối phó với chiến trường Trung và Bắc bộ.

Phát huy thắng lợi của trận Giồng Dứa, ngày 4-5-1947, Đại đội 1 (Chi đội 17) đứng chân tại đập Ông Tải, xã Hậu Mỹ (nay là xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè) để bảo vệ cuộc hội nghị của Bộ Tư lệnh Chiến khu 8, đã chặn đánh quyết liệt quân địch đi càn, diệt một số tên, buộc chúng phải rút quân. Sau đó, Đại đội 1 (Chi đội 17) chuyển vô rạch Kỳ Đà, đóng 2 bên bờ sông để thu hút địch.

Ngày 6-5, địch tổ chức hành quân càn vào, toàn đại đội nổ súng diệt khoảng 40 tên. Sau đó, Đại đội 3 (Chi đội 17) tổ chức tiếp trận đánh giao thông trên lộ Đông Hòa - Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, hỗ trợ cho Đại đội Dân quân tỉnh và dân quân các xã, phát động quần chúng đào đứt từng đoạn trên lộ, từ huyện Cái Bè đến Châu Thành, phá đường ray xe lửa, cắt đứt giao thông địch dài ngày. Thấy ta hoạt động mạnh, địch không dám ra khỏi đồn đi càn, chỉ cho pháo bắn dọc theo lộ. 

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.