.

Đại biểu Lê Quang Trí: Đóng góp ý kiến với dự án Luật Kiến trúc

Cập nhật: 15:50, 23/05/2019 (GMT+7)

Chiều 21-5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc.

 

Phát biểu ý kiến thảo luận, Đại biểu Lê Quang Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, đóng góp một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, cụ thể là:

Một là về Hội đồng tư vấn về kiến trúc (Điều 16): Thống nhất với quy định về Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập và Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Tuy nhiên, Chính phủ cần quy định chi tiết về nhiệm vụ, trách nhiệm, thành phần tham gia hội động này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 khoản có nội dung là giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Hai là về quản lý lưu trữ tài liệu (Điều 18): Khoản 1 Điều này quy định: “Tài liệu, hồ sơ thiết kế về kiến trúc được quản lý, lưu giữ tại cơ quan quản lý nhà nước về kiến trúc, chủ đầu tư, chủ sở hữu”. Việc quy định như trên là chưa phù hợp với việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác lưu trữ, cũng như chưa nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại khoản này như sau: “Cơ quan quản lý nhà nước về kiến trúc, chủ đầu tư, chủ sở hữu có trách nhiệm lưu trữ tài liệu, hồ sơ thiết kế về kiến trúc.”

Ba là về điều kiện hành nghề kiến trúc (Điều 21): Khoản 2 Điều này quy định: “Cá nhân không có chứng chỉ hành nghề kiến trúc không được đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc, chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc”. Nội dung này trùng lắp với quy định tại khoản 1 Điều này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ nội dung quy định này tại khoản 2.

Bốn là về quản lý thông tin hành nghề kiến trúc (Điều 24): Đề nghị sử dụng cụm từ “ngày làm việc” thay thế cho từ “ngày” tại khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật để thể hiện chính xác, rõ ràng về thời hạn, cũng để phù hợp với quy định về kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy, khoản 1 Điều 24 được thể hiện lại như sau:

“1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đăng tải công khai thông tin trên trang thông tin điện tử do mình quản lý về cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, tổ chức hành nghề kiến trúc có trụ sở hoạt động tại địa phương; gửi thông tin đến Bộ Xây dựng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp chứng chỉ đối với cá nhân hoặc nhận được thông báo đối với tổ chức hành nghề kiến trúc để tích hợp trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.”

Năm là về sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc (Điều 26): Thống nhất với quy định: “Tổ chức xã hội nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc” tham gia sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Tuy nhiên, nếu các tổ chức này không đủ năng lực thì việc đánh giá, sát hạch sẽ không khách quan, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đội ngũ kiến trúc sư.

Bên cạnh đó, các yêu cầu tại khoản 3 Điều này là chưa đầy đủ vì không có quy định về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhân sự của các tổ chức này.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung điểm d khoản 3 Điều này với nội dung là “Đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với tổ chức tham gia sát hạch” và giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện này trong khoản 4 của Điều này.

Sáu là về điều kiện cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc (Điều 28): Khoản 2 Điều này quy định: “Bảo đảm phát triển nghề nghiệp liên tục” là điều kiện gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ nội dung thế nào là phát triển nghề nghiệp liên tục, cơ quan nào chứng nhận nội dung này?

MINH NHỰT (tổng hợp)

.
.
.