.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN KIM TUYẾN, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TIỀN GIANG:

Góp ý 8 nội dung của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Cập nhật: 20:14, 28/05/2019 (GMT+7)

(ABO) Sáng 24-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đóng góp một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về quyền của người nộp thuế (Điều 16): Nhằm đảm bảo đầy đủ quyền của người nộp thuế, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, bổ sung vào Điều 16 một khoản quy định nội dung về quyền người nộp thuế là “được đề nghị xem xét gia hạn nộp thuế, miễn giảm, khoan nợ, xóa nợ thuế”.

Thứ hai, về hồ sơ đăng ký thuế lần đầu (Điều 31): Quy định về hồ sơ đăng ký thuế đối với hộ gia đình, cá nhân gồm có “Giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu”. Tuy nhiên, do đây là các bản gốc giấy tờ tùy thân nên không thể giao nộp cho cơ quan Thuế, do đó đề nghị Ban Soạn thảo điều chỉnh lại theo hướng chỉ cần nộp bản sao phù hợp của các giấy tờ nói trên để phù hợp với thực tế.

A 1

Thứ ba, về nguyên tắc khai thuế và tính thuế (Điều 42): Trên thực tế, nhiều hoạt động kinh doanh không thể xác định chính xác số thuế phải nộp. Ví dụ như, hoạt động bán lẻ cho người tiêu dùng mà người mua không cần hóa đơn hoặc bán hàng nhập khẩu thì giá tính thuế nhập khẩu cũng chưa được ấn định đúng với giá trị thật của hàng hóa. Đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, mở rộng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế với người nộp thuế cho cơ quan Thuế ở địa phương.

Thứ tư, về khôi phục mã số thuế (Điều 40): Thực tế có nhiều trường hợp tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã đăng ký thuế với cơ quan Thuế tại địa phương, sau đó tự ý rời đi và cơ quan Thuế cũng đã ban hành Thông báo người nộp thuế đã không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đó. Thế nhưng, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quay về để tiếp tục hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, bổ sung điểm c vào khoản 2, Điều 40 nội dung quy định về tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đề nghị cơ quan Thuế khôi phục mã số thuế khi cơ quan Thuế đã có thông báo người nộp thuế đã không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh.

Thứ năm, về ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế (Điều 50): Nội dung điểm b, khoản 2, điều này quy định căn cứ ấn định thuế trong trường hợp tại địa phương của cơ sở kinh doanh không có thông tin về ngành nghề, mặt hàng, quy mô của cơ sở kinh doanh thì so sánh số thuế phải nộp với địa phương khác. Đề nghị bổ sung quy định khi so sánh với các địa phương khác phải có tính tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội.

Thứ sáu, về hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (Điều 86): Để tránh tình trạng thông đồng trốn thuế, việc thực hiện xóa nợ tiền thuế, tiền nộp, tiền phạt được thực hiện sau khi triển khai các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, bổ sung vào điều này nội dung quy định các tài liệu chứng minh đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế được quy định tại khoản 1, Điều 125 của Luật này.

Thứ bảy, về thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (Điều 87): Nội dung khoản 5 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo kết quả xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho Hội đồng nhân dân tỉnh vào kỳ họp đầu năm. Để phù hợp với quy định tổ chức kỳ họp của Hội đồng nhân dân được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “Trong năm”, điều chỉnh cụm từ “kỳ họp đầu năm” thành “kỳ họp gần nhất”. Như vậy, khoản 5, điều này được thể hiện lại như sau:

“5. Trong năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo tình hình kết quả xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho Hội đồng nhân dân vào kỳ họp gần nhất. Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp tình hình xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt để Chính phủ báo cáo Quốc hội khi tổng quyết toán ngân sách nhà nước.”

Thứ tám, về bảo mật thông tin của người nộp thuế (Điều 99): Trong phần liệt kê, các cơ quan có thể yêu cầu cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin người nộp thuế, có nêu cơ quan Kiểm toán nhà nước. Do đó, đề nghị bổ sung quy định hoạt động kiểm toán vào khoản 2, điều này như sau: “Để phục vụ hoạt động tố tụng, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong trường hợp được yêu cầu bằng văn bản, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin của người nộp thuế” để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ và thống nhất nội dung.

MINH NHỰT (tổng hợp)

 

.
.
.