.

Di tích trong lòng dân: Sống mãi với thời gian

Cập nhật: 16:20, 16/05/2019 (GMT+7)

(ABO) Ngôi nhà nhỏ nằm trong con đường làng thông thoáng của ấp 3A, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) của Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Lễ vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh với căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong chính ngôi nhà ấy chứa đựng bao nhiêu ký ức của một thời chiến đấu kiên cường của những người chiến sĩ cộng sản và tấm lòng vì nước của những người nông dân thuần phác.

NGƯỜI MẸ VÙNG VEN

Đạo Thạnh là xã vùng ven của TP. Mỹ Tho trong kháng chiến chống Mỹ. Tháng 12-1967, cơ quan Thành ủy Mỹ Tho dời về đóng ở nơi này để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Đây là địa bàn đứng chân hoạt động của lực lượng cách mạng, nơi chỉ cách trung tâm tỉnh lị bởi dòng sông Bảo Định. Do vậy, Đạo Thạnh thường xuyên hứng chịu bom đạn, pháo kích và sự bố ráp rất ác liệt của giặc, đặc biệt là sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Trong tình thế khó khăn đó, nhưng người dân nơi đây vẫn một lòng theo Đảng. Đặc biệt, ngôi nhà của Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Lễ là căn cứ nuôi giấu cán bộ chủ chốt của Thành ủy Mỹ Tho. Từ căn cứ này, những chỉ đạo kháng chiến của Thành ủy được họp và phát đi đến các cơ sở nội thành, chỉ đạo lực lượng vũ trang "bám thắt lưng địch mà đánh" và cũng chính tại nơi đây, các vị lãnh đạo cách mạng Khu 8, Trung ương Cục lưu lại chỉ đạo các chiến dịch có ý nghĩa bước ngoặt về quân sự.

Ông bà Nguyễn Văn Toan, Nguyễn Thị Sen bên trảng xê có căn hầm bí mật vừa được công nhận là khu di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ông, bà Nguyễn Văn Toan, Nguyễn Thị Sen bên trảng xê có căn hầm bí mật vừa được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp tỉnh.

Để tránh đạn, pháo của giặc, gia đình nào ở Đạo Thạnh thời ấy cũng có cái trảng xê để trú ẩn. Điều đặc biệt là trong trảng xê của nhà Mẹ Lễ còn có một ngăn riêng, đó là căn hầm bí mật dùng làm nơi cất giấu tài liệu, vũ khí của cán bộ Thành ủy và che giấu cán bộ cách mạng, cán bộ Thành ủy đứng chân hoạt động cho đến ngày thống nhất đất nước.

Theo ông Nguyễn Văn Toan, con trai của Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Lễ, căn hầm được tổ chức xây dựng lần đầu vào năm 1967. Hầm được làm bằng đất. Những cán bộ chủ chốt của Thành ủy như chú Nguyễn Thanh Hà (Mười Hà) Bí thư Thành ủy; chú Tám Hưng, chú Sáu Tường, cô Hai Hưởng, chú Tư Triều, chú Ba Thế … đều về ở đây. Ngoài căn hầm bí mật trong trảng xê, trên mảnh vườn của gia đình ông, liếp vườn nào cũng có một, hai cái hầm bí mật khác làm bằng lu chôn dưới đất. Lúc bình thường thì các cô, chú ăn ở, sinh hoạt trong nhà, khi có động thì ẩn trong các hầm bí mật.

Ông Nguyễn Văn Toan giới thiệu hầm bí mật làm bằng lu đặt trong vườn vừa được phục dựng.
Ông Nguyễn Văn Toan giới thiệu hầm bí mật làm bằng lu đặt trong vườn vừa được phục dựng.

Các con tham gia cách mạng, Mẹ Lễ và chồng bàn nhau di tản một bộ phận sang bờ Tây sông Bảo Định làm nghề buôn bán cau, vừa kiếm kế sinh nhai, vừa kiếm thêm chút đỉnh để nuôi các con lớn đang chiến đấu trong đội quân cách mạng; đồng thời, làm nhiệm vụ “ổ lót”, tổ chức thêm hầm bí mật cho cán bộ Thành ủy trú ngụ khi địa bàn bên kia sông bị động dài ngày.

Cứ như thế, Mẹ cùng chồng tần tảo sớm hôm cho đến ngày hòa bình. Trong niềm vui giải phóng, người mẹ vùng ven ấy thắt lòng giấu niềm riêng vì 4 trong số 5 người con (trong đó có 3 người con là liệt sĩ) của mình đã không được về hưởng niềm hạnh phúc độc lập tự do. Và cô con gái út luôn là niềm thổn thức trong trái tim người Mẹ.

VÀ CÔ CON GÁI KIÊN TRUNG

Liệt sĩ Nguyễn Thị Vình là con gái út của Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Lễ. Cô hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 16.

Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Vình (Ảnh do gia đình cung cấp)
Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Vình (ảnh do gia đình cung cấp).

Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Sen, chị dâu thứ ba của liệt sĩ Nguyễn Thị Vình: "Út Vình xinh gái, hiền lành và sáng dạ lắm. Học giỏi nhưng chiến tranh, 14 tuổi cô Út nó nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ làm việc nuôi các anh đi kháng chiến và làm giao liên cho Thành ủy. Hàng ngày, thông qua việc đi giao cau cho các vựa, cô Út làm nhiệm vụ nghe ngóng tình hình địch, liên lạc, giao thư từ, công văn cho các cơ sở nội thành. Nhiệm vụ nào cô cũng chu toàn, không hề có chút sơ suất nên được các cô, chú Thành ủy tin tưởng tuyệt đối”.

Bà Nguyễn Thị Sen bùi ngùi nhớ lại: "Cô Út mất trước mặt tôi! Hôm đó là ngày 14-2 âm lịch năm Kỷ Dậu (1969), các chú Thành ủy định tổ chức họp và Út Vình được giao nhiệm vụ cảnh giới trước cổng nhà. Cô cầm cái gàu ra tưới mận hồng đào, thiệt ra là để ra ám hiệu, hễ gàu đưa lên tát trên cao là có biến. Khoảng 9 giờ sáng, các chú có mặt đầy đủ và tưởng êm nên mới tổ chức họp. Út Vình vẫn ở ngoài ngõ canh chừng.

Khoảng hơn 11 giờ, cô Út giơ gàu tát nước trên trời rồi hốt hoảng la lên: “Lính tới mấy chú ơi”. Đâu có ai ngờ lính hề (lính đặc nhiệm Mỹ) từ dưới kinh lên, nên lúc cô Út nhìn thấy thì chúng đã sát bên rồi. Lúc đó, cô Út nhanh trí quăng gàu chạy về hướng mặt trời lặn để đánh lạc hướng địch. Loạt đạn nổ ran, cô Út trúng đạn nhưng vẫn chạy để mấy chú trong nhà có thời gian rút. Rồi loạt đạn thứ hai cô mới quay lại chạy vô nhà. Đạn bắn như trấu vãi.., cô Út chạy đến trước cửa trảng xê và tắt thở. Lúc đó tôi vừa kịp bế con trai lớn vào trảng xê, thấy nắp hầm mở nên kịp đóng lại trước khi địch ập vô nên hầm bí mật không bị lộ. Các chú dự họp rút được an toàn”.

Chiến tranh đã trôi qua hơn 40 năm, những di tích như Hầm bí mật ở xã Đạo Thạnh và sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Nguyễn Thị Vình là điều nhắc nhớ cho thế hệ hôm nay về sự đấu tranh gian khổ của cha anh để có ngày độc lập; và thế hệ trẻ hôm nay phải sống và cống hiến như thế nào cho đất nước phồn vinh.

THỦY HÀ

.
.
.