"Công việc đối với con người" đầu tiên là đối với thương binh, liệt sĩ
Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những “trước hết nói về Đảng”, mà còn nhấn mạnh “đầu tiên là công việc đối với con người”, Người đã dành sự trân trọng mỗi sự đóng góp của những người “đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình” (1) và Người mong “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh” (2), để họ không chỉ được ổn định cuộc sống lâu dài, không là “gánh nặng” cho xã hội, mà còn tiếp tục góp sức cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Đoàn viên, thanh niên thắp nến tri ân trên phần mộ các Anh hùng liệt sĩ . Ảnh: Tuấn LÂm |
Sống giữa đất nước được hoàn toàn độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc hôm nay, mỗi người chúng ta càng phải khắc ghi những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do.
Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta” (3).
Thực hiện Di chúc của Người, với trách nhiệm nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước, Lực lượng vũ trang và nhân dân ta luôn quan tâm làm rất nhiều việc để cuộc sống của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng ngày càng được đầy đủ và tốt đẹp hơn.
Trong những năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành và nhiều lần sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Mới đây nhất là Pháp lệnh 01 ngày 22-12-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 pháp lệnh có liên quan, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2019.
Pháp lệnh sửa đổi lần này nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, đáp ứng những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn; đồng thời, tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.
Và ngày 1-7-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58 quy định mức trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, có hiệu lực kể từ ngày 15-8-2019.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đến nay cả nước đã xác nhận và thực hiện chế độ đối với trên 9 triệu người có công với cách mạng, trong đó có 1,4 triệu người hưởng trợ cấp hằng tháng với kinh phí hằng năm gần 30.000 tỷ đồng; hằng năm Chủ tịch nước dành gần 1.000 tỷ đồng để tặng các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và nhân dân dịp lễ, tết.
Cùng với việc bảo đảm chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên, nhiều chính sách hỗ trợ khác đối với gia đình chính sách và người có công với cách mạng cũng đã được ban hành và thực hiện, như: Chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi trong chính sách giáo dục và đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; vay vốn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng…
Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, nhằm phát huy mọi nguồn lực trong xã hội.
Với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, sự nỗ lực vươn lên của bản thân thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công, đến nay cả nước có 97% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; 98% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú; nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó.
Ngoài ra, cả nước có hàng ngàn công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống như: Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền Liệt sĩ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc…
Thiết thực kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủy quyền Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng với tổng kinh phí hơn 332,5 tỷ đồng. Mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành 2 loại: 400.000 đồng và 200.000 đồng.
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, mức quà 400.000 đồng tặng quà cho các đối tượng sau: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và những cá nhân đã có quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trước ngày 28-7-2019 nhưng chưa hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng; thân nhân của 2 liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Mức quà 200.000 đồng tặng cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đại diện thân nhân liệt sĩ; người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân).
Để thực hiện tốt hơn nữa những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, làm cho thương binh, gia đình liệt sĩ được “Yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội”, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn dân ta tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đó là tình cảm, trách nhiệm và cũng là bổn phận của toàn xã hội.
NGUYỄN VĂN THANH
(1, 2). Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
NXB Trẻ, năm 2007 tr. 51, 52.
(3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2011, tr. 401.