.

Nhân dân tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công đón mừng Ngày Quốc khánh 2-9-1945

Cập nhật: 16:17, 19/08/2019 (GMT+7)
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch  Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 8-1945 cả dân tộc Việt Nam nhất tề vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong cả nước.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam mới có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã đập tan ách thống trị gần một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, phát xít tàn bạo; chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến lỗi thời; thiết lập nền dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) là kết quả của quá trình vận động cách mạng kiên trì do Đảng bộ tổ chức và lãnh đạo. Quá trình đó diễn ra suốt 15 năm chiến đấu bền bỉ qua các cao trào cách mạng: 1930 - 1931, 1936 - 1939, cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940, cao trào chống phát xít Nhật cứu nước 1941 - 1945.

15 năm đó, phong trào cách mạng có lúc phát triển, có lúc tạm thời lắng xuống, có lúc hệ thống tổ chức của Đảng bộ bị phá vỡ, chỉ còn một ít cơ sở đảng hoạt động trong tình huống cực kỳ khó khăn, nhưng do nắm vững đường lối của Đảng, Đảng bộ kiên trì tuyên truyền, vận động, giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, khôi phục cơ sở đảng để làm hạt nhân lãnh đạo phong trào.

Chính vì vậy, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cao trào chống phát xít Nhật cứu nước ở tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công phát triển mạnh mẽ và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Đánh giá ý nghĩa lịch sử của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” (1).
 

Sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, tình hình ở  2 tỉnh hết sức phức tạp. Ở thị xã (TX) Mỹ Tho, trong khi chờ quân đội đồng minh đến giải giáp, hơn 300 quân Nhật câu kết với quân Pháp và các tổ chức, đảng phái phản động âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng.

Lợi dụng thuyền buôn ở Gò Công, bọn gián điệp Pháp nhiều lần xâm nhập vào các xã ven sông Tiền, sông Soài Rạp và vùng căn cứ cách mạng tiến hành thăm dò lực lượng cách mạng.

Mặt khác, một số tổ chức, đảng phái phản động chống phá chính quyền cách mạng. Ở các huyện Châu Thành, Cai Lậy, các phần tử đội lốt giáo phái Tây Ninh ngấm ngầm chống phá, đưa ra khẩu hiệu “Ủng hộ Cường Để”, tung tin Cường Để sắp trở về nhằm gây hoang mang trong quần chúng.

Hằng ngày, chúng ngang nhiên tập dượt, phô trương lực lượng, tiến hành các vụ bắt cóc cán bộ cách mạng. Nhân cơ hội đó, các nhóm lưu manh cũng hoạt động phá hoại, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội diễn biến thêm phức tạp.

Trong khi đó, nền kinh tế 2 tỉnh gần như bị kiệt quệ bởi sau nhiều năm chịu sự khai thác của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Đời sống đa số nhân dân nghèo khổ, bần cùng, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, các mặt hàng chủ yếu cho đời sống khan hiếm trầm trọng; nạn mù chữ tràn lan, mạng lưới y tế không phục vụ được nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Trong lúc nhân dân tỉnh Mỹ Tho đang ra sức sản xuất để ổn định cuộc sống thì các phần tử phản động tập hợp thành nhóm nổi lên cướp phá tài sản của nhân dân ở một số vùng nông thôn, như nhóm “Long hổ Hội” trắng trợn cướp bóc của cải của nhân dân ở các xã từ Mỹ Lợi đến Đốc Binh Kiều (quận Cái Bè), làm cho quần chúng luôn bất an trong sản xuất và sinh hoạt.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Thực hiện chỉ thị của Ủy ban nhân dân (UBND) lâm thời Nam bộ, Tỉnh ủy, UBND, Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công tổ chức cuộc mít tinh long trọng tại TX. Mỹ Tho và TX. Gò Công để mừng ngày độc lập của nước Việt Nam mới.

Mặc dù lễ thành lập nước tổ chức vào đầu buổi chiều ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, nhưng từ mờ sáng đã có hàng ngàn người dân đến sân lễ với bầu không khí trang nghiêm và tự hào của người dân được sống trong một nước độc lập, tự do. Qua Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, nhân dân lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và long trọng tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy…”. Một rừng cờ đỏ sao vàng được giương cao, quần chúng hoan hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”.

Nhân dân 2 tỉnh còn được nghe các đồng chí trong UBND cách mạng tỉnh phát biểu về ý nghĩa của ngày lịch sử trọng đại này. Sau đó, đoàn người dự mít tinh tiến hành tuần hành khắp đường phố TX. Mỹ Tho và TX. Gò Công trước khi trở về nhà trong niềm hân hoan, phấn khởi của một công dân tự do sống trên đất nước độc lập.

Phát huy thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân 2 tỉnh tiếp tục cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ, suốt 30 năm vượt qua khó khăn, thử thách, giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ hung bạo, hoàn thành sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc và gần 20 năm chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, cùng cả nước bước vào thời kỳ mới, xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Vượt lên vô vàn khó khăn, thách thức gay gắt sau chiến tranh, tiến hành xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã giành nhiều thành tựu to lớn, đời sống nhân dân được cải thiện; bộ mặt nông thôn không ngừng đổi thay; dân chủ, công bằng được mở rộng trong xã hội; hệ thống chính trị, khối đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường; chính trị, xã hội ổn định; an ninh, quốc phòng được giữ vững và tăng cường…

Nhìn lại thành tựu của 74 năm qua ở Tiền Giang, chúng ta tự hào về nhân dân ta - nhân dân anh hùng, cần cù, nhân ái, đoàn kết; tự hào về Đảng ta - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam luôn vững tay chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh đến bến bờ vinh quang; tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, tư tưởng và cuộc đời vẹn toàn của Người mãi mãi là ngọn đuốc soi đường, là kho báu vô giá của dân tộc ta cho hôm nay và mai sau.

Sự cộng hưởng vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh, sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta chính là những nhân tố cơ bản, cốt lõi làm nên sức mạnh vô địch của nhân dân ta trong thời đại mới - thời đại thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.                   

     LÊ VĂN TÝ

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia,
Hà Nội, 1995, t.6, tr.159.

.
.
.