.

Mặt trận cần "lên tiếng" mạnh hơn, nhanh hơn

Cập nhật: 21:08, 18/09/2019 (GMT+7)
Chiều 18-9, các đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 đã thảo luận về báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2014-2019).
 
a
Các đại biểu tham dự đại hội
 
Báo cáo cho thấy, trong nhiệm kỳ, Đoàn Chủ tịch đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 38.140 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc mỗi kỳ họp Quốc hội đã đề cập toàn diện, kịp thời những lĩnh vực, vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; qua đó bày tỏ quan điểm, chính kiến của Mặt trận, được dư luận, cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao.
 
Đồng thời, việc đôn đốc, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân được Đoàn Chủ tịch quan tâm, nên trong nhiệm kỳ qua, trách nhiệm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân theo quy định của pháp luật. Trung bình mỗi năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia góp ý kiến khoảng 80 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng các văn bản góp ý ngày càng được nâng lên.
 
Báo cáo cũng nêu rõ những yếu kém, trong đó, việc bày tỏ thái độ, chính kiến của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực trước một số vấn đề cấp bách, vấn đề mới phát sinh đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân có lúc, có việc chưa kịp thời. Việc tham gia xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chăm lo, bảo vệ, đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng hiệu quả ở một số nội dung, lĩnh vực còn chưa cao.
 
a
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, đại biểu mặt trận các cấp chưa thực sự phát huy được quyền làm chủ của nhân dân
Một số kiến nghị, phản ánh trong giám sát và phản biện xã hội chưa sâu sắc, chưa đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời, phản hồi các kiến nghị hậu giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân mặc dù đã được quan tâm hơn, song có lúc, có nơi, có việc còn thiếu quyết liệt. Việc hướng dẫn các địa phương cũng như các tổ chức thành viên vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả như mong muốn…
 
ĐB Đặng Văn Khoa (TPHCM) cũng đề nghị sự “lên tiếng” của mặt trận trước những vụ việc nóng của người dân cần kịp thời, mạnh mẽ hơn, vì đó chính là thước đo xem mặt trận đang ở đâu trong lòng nhân dân. ĐB Bùi Xuân Đức, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đồng tình, sự lên tiếng, có mặt của mặt trận ở những điểm nóng còn chậm trễ, chưa thể hiện được sức mạnh của mặt trận. Công tác giám sát, phản biện của Mặt trận cũng đang chủ yếu theo kế hoạch, trong khi đó rất cần nhưng cuộc giám sát, phản biện những điểm nóng, vụ việc nóng diễn ra trong cuộc sống, liên quan đến cuộc sống của người dân. Điểm yếu này của Mặt trận cần được khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
 
Ở khía cạnh khác, ĐB Lê Kế Lâm (TPHCM) cho rằng trong báo cáo kiểm điểm hoàn toàn thiếu vắng vấn đề biển đảo, trong khi đó là vấn đề mà đông đảo người dân hiện nay đang quan tâm. “Chủ quyền biển đảo chúng ta đang bị xâm phạm, vấn đề nào mà người dân đang quan tâm thì báo cáo của mặt trận không thể không đề cập”, ĐB Lê Kế Lâm nói.
 
GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, đại biểu mặt trận các cấp chưa thực sự phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Nhiều vụ việc của dân không được phản ánh, đơn thư của dân bị chuyển đi lòng vòng, đất đai "bờ xôi ruộng mật" của dân bị mất, bồi thường ít, dân kêu ca nhưng ít được quan tâm… Cần có quy định để đơn thư, khiếu nại, phản ánh của dân phải được giải quyết sớm, đúng thẩm quyền.
 
(Theo sggp.org.vn)
 
.
.
.