Nam bộ kháng chiến: Một trang sử oanh liệt, vẻ vang
Ngày này cách đây 74 năm - ngày 23-9-1945, với dã tâm muốn đô hộ nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công TP. Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Nam bộ sục sôi căm thù đã nhất tề đứng lên, xông pha ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam bộ kháng chiến.
Trận phá xe quân Pháp ở xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo) vào tháng 7-1947 của Tiểu đoàn 305 Mỹ Tho. Ảnh: Tư liệu |
TRANG SỬ VẺ VANG
Mùa Thu năm 1945 ghi trong trang sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, với sự kiện trọng đại của dân tộc: Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Lần đầu tiên một nước thuộc địa đã vùng lên giành lại độc lập cho dân tộc mình.
Chỉ 3 tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 23-9-1945, 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở TP. Sài Gòn. Chúng mưu toan chiếm Nam bộ làm bàn đạp chiếm cả Việt Nam và Đông Dương. Theo Lời kêu gọi của Bác Hồ: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, quân và dân Nam bộ đã thể hiện đúng tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng cho độc lập, tự do. Tiếng súng mở đầu cho Ngày Nam bộ kháng chiến 23-9-1945 ở TP. Sài Gòn đã chấn động cả nước, làm nên một tinh thần Nam bộ kháng chiến bất diệt. Từ gậy tầm vông, giáo mác, từ những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân Nam bộ đã kiên cường chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù. Kết quả, ngay trong những ngày đầu tái xâm lược nước ta, quân Pháp đã liên tục bị tấn công và bị bao vây chặt trong thành phố.
Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng đồng bào cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ náo nức tham gia phong trào Nam tiến với khí thế hăng say chưa từng có. Với ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, quân và dân Nam bộ nói riêng, cả nước nói chung đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng ta đề ra. Chính vì lẽ đó, tháng 2-1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”.
2 năm sau, ngày 23-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi đồng bào và chiến sĩ Nam bộ, miền Nam Trung bộ nhân kỷ niệm Ngày Nam bộ kháng chiến. Bức tâm thư của Bác là lời tri ân và khẳng định: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập nhất định thành công!
ĐẾN HỘI NGHỊ XỨ ỦY NAM BỘ
Với khí thế cách mạng sôi nổi và phấn khởi, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Việt Minh và nhân dân TX. Mỹ Tho vinh dự tổ chức lễ đón tiếp các đồng chí đảng viên trung kiên của Đảng từ ngục tù Côn Đảo trở về, trong đó có các đồng chí lãnh tụ của Đảng: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ… tại Trường College de Mytho với sự xúc động và niềm vui vô hạn. Một sự kiện quan trọng khác trong thời điểm này là Hội nghị Xứ ủy Nam bộ vào ngày 25-9-1945, gồm đại diện Đảng bộ các tỉnh Nam bộ tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Thể (gần cầu Vĩ, xã Mỹ Phong, quận Chợ Gạo, nay thuộc TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Dương Khuy, Nguyễn Văn Tiếp cũng có mặt, đặc biệt là đồng chí Hoàng Quốc Việt, Phái viên của Trung ương Đảng đến dự phổ biến chủ trương của Đảng. Hội nghị đã phân tích, đánh giá tình hình, nhất là âm mưu, thủ đoạn hoạt động của thực dân Pháp sau khi chúng nổ súng đánh chiếm Sài Gòn ngày 23-9-1945, mở đầu cho cuộc xâm lược của chúng lần thứ 2 ở Nam bộ.
Ngay từ những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã thành lập Ủy ban kháng chiến, lãnh đạo quần chúng nhân dân tiếp tục phát triển Lực lượng vũ trang từ tỉnh đến làng. Sau thời gian chưa đầy 1 tháng, hầu hết các làng của 2 tỉnh đều tổ chức được từ 1 đến 2 tiểu đội, có làng đến 1 phân đội lực lượng tự vệ chiến đấu. Tỉnh thành lập bộ đội tập trung đóng tại thị xã.
Ngày 15-10-1945, để chấm dứt tình trạng tồn tại 2 Xứ ủy (Tiền phong và Giải phóng), các đảng viên chủ chốt của 2 Xứ ủy và các đảng viên từ nhà tù Côn Đảo trở về quyết định tổ chức Hội nghị Xứ ủy ở nhà ông Nguyễn Tử Vân, xóm cầu Vĩ, xã Mỹ Phong. Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Xứ ủy, tỉnh Mỹ Tho tiến hành chấn chỉnh và kiện toàn bộ máy từ tỉnh xuống huyện. Đồng chí Nguyễn Văn Trọng từ Côn Đảo về được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Tiếp làm Chủ tịch Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến do đồng chí Nguyễn Văn Trì làm Chủ tịch. Ở tỉnh Gò Công, đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến tỉnh. Tỉnh Mỹ Tho đã liên tiếp mở các lớp huấn luyện để bồi dưỡng một số kiến thức quân sự cho cán bộ chỉ huy các địa phương. Nhiều làng như Vĩnh Kim, Tân Lý Tây mở trường huấn luyện quân sự cho lực lượng quân dân cách mạng của làng mình và các làng xung quanh. Ủy ban hành chính Nam bộ cử đồng chí Trần Ngọc Kiên về mở lớp bồi dưỡng cán bộ chính trị tại Vĩnh Kim. Binh công xưởng do đồng chí Giáo Lộ phụ trách cũng được thành lập, máy móc lấy từ hãng xáng Mỹ Tho và thuốc đạn lấy từ đồn Rạch Cốc (Chợ Lớn). Tuy ta gặp nhiều khó khăn, nhưng binh công xưởng của ta đã sản xuất được lựu đạn, rờ sạc đạn. Xã Thạnh Trị (tỉnh Gò Công) cũng có 1 tổ sản xuất lựu đạn cán chày, do đồng chí Hai Danh và Hai Lẹ phụ trách. Không khí chuẩn bị kháng chiến trong nhân dân hết sức khẩn trương, sôi sục…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân miền Nam nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đã lập nên những chiến công chói lọi. Trải qua những ngày tháng lịch sử khó khăn, gian khổ, tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân 2 miền Nam - Bắc quyết tâm giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà đã toàn thắng, Bắc - Nam đã sum họp một nhà.
74 năm đã qua kể từ Ngày Nam bộ kháng chiến 23-9-1945, trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam luôn tự hào về truyền thống chiến đấu kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh, quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngày nay, ý chí ấy, quyết tâm ấy luôn là sức mạnh để nhân dân ta chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.
HỒNG LÊ (tổng hợp)