"Làm cho Hà Nội thành một thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn vinh"
Ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị Quân đội nhân dân đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Thủ đô Hà Nội. Trong rừng cờ hoa với niềm vui hân hoan, 20 vạn nhân dân Thủ đô náo nức đón đoàn quân chiến thắng sau 9 năm kháng chiến trường kỳ.
Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 không chỉ ghi dấu một chặng đường phát triển của Thủ đô Hà Nội, mà còn là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Niềm vui của người dân khi chào đón đoàn quân chiến thắng trên phố Đinh Tiên Hoàng, Thủ đô Hà Nội. |
CHUẨN BỊ TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ
Đầu tháng 1-1954, tại một phiên họp của Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề thực hiện đình chiến, tăng cường cán bộ ngoại giao và tổ chức tiếp quản Thủ đô, Hội đồng đã chuẩn y việc tổ chức lại một số cơ quan tại Hà Nội, khôi phục Di tích lịch sử chùa Một Cột và quyết định tổ chức một cuộc duyệt binh lớn, mít tinh lớn đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô.
Theo tinh thần của Hiệp định đình chiến, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Để chuẩn bị cho ngày về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, từ Thủ đô Việt Bắc gió ngàn, ngày 5-9-1954, tại huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ.
Sau khi nêu đặc điểm tình hình mới và giải đáp một số thắc mắc, Người căn dặn mọi người khi “Về xuôi phải gương mẫu trong mọi việc, tùy theo hoàn cảnh của mình mà gần gũi, giúp đỡ nhân dân. Gương mẫu trong lời nói, việc làm sao cho người ta thấy rõ mình là con người kháng chiến”.
65 năm sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, với sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, diện mạo mới của Hà Nội ngày càng khởi sắc. Một Hà Nội xanh, ngày càng sạch, đẹp, văn minh, thanh lịch vươn lên sau chiến tranh đã mở rộng, phát triển to lớn, năng động nhưng vẫn giữ vững nét truyền thống, trở thành tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực. Những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và cộng đồng đã tạo nên một Hà Nội được vinh danh “Thành phố vì hòa bình” - điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. |
Trước ngày 10-10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa căn dặn các đơn vị bộ đội chuẩn bị vào Hà Nội phải chú trọng thực hiện 4 điều nên tránh và 6 điều phải làm để làm tròn nhiệm vụ cao quý của Quân đội nhân dân Việt Nam, để xứng danh là “Bộ đội Cụ Hồ”.
Cụ thể, “Phải ghi nhớ và làm đúng những điều Bác dặn sau: - Chớ tự kiêu, tự mãn - Chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện - Chớ để lộ bí mật - Chớ xa xỉ, tham ô lãng phí - Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân - Phải khiêm tốn, nghiêm chỉnh -
Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sĩ cách mạng - Phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính - Phải làm đúng 10 điều kỷ luật - Phải luôn luôn cảnh giác và phải thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng”.
Đây là những vấn đề thuộc về công tác tư tưởng, cần phải được thấu triệt để không chỉ nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, mà còn thiết thực góp phần làm cho tình quân - dân bền vững, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được nhân lên.
Tiếp đó, trong Lời kêu gọi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng, Người kêu gọi Chính phủ và nhân dân Hà Nội phải vượt qua những khó khăn, những hy sinh trong hoàn cảnh mới để cùng nhau cố gắng khôi phục, củng cố, phát triển đời sống vật chất, đời sống tinh thần của Thủ đô “ngàn năm văn hiến”.
Nhân dân Thủ đô hãy giữ gìn an ninh, duy trì, khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế, tài chính, khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa, thực hiện tự do dân chủ, kêu gọi ngoại kiều yên tâm làm ăn... để Thủ đô ngày một hồi sinh và phát triển.
Với tất cả tinh thần và trách nhiệm, mỗi người dân Hà Nội cần nhận thức đúng vị trí và trách nhiệm của mình đối với Thủ đô, vì: “Nói chung, Hà Nội là thủ đô của cả nước ta. Nói riêng, Hà Nội là thành phố của tất cả những người dân Hà Nội…
Nói tóm lại: Mỗi một người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì, đều cần phải cố gắng làm trọn nhiệm vụ của mình”, để “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
NHỚ VỀ NGÀY LỊCH SỬ NĂM 1954
5 giờ ngày 10-10-1954, nhân dân Thủ đô Hà Nội quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự, theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố... kéo tới những con đường chờ đón đoàn quân sẽ diễu hành qua.
Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu. 8 giờ, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những cán bộ, chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, do Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị, Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu.
Các cán bộ, chiến sĩ diễu binh qua các phố Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang..., đến 9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông Thủ đô Hà Nội. 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá, đi qua Bạch Mai, phố Huế, diễu binh qua Hồ Gươm, rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu Đồn Thủy (Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay) và khu Đấu Xảo (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị ngày nay).
9 giờ 30 phút, Đoàn Cơ giới và Pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Huế, đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc, tiến vào thành lúc 10 giờ 45 phút. Các đơn vị bộ đội đi đến đâu, gương mặt thành phố biến đổi đến đó.
Cờ Tổ quốc tung bay dưới nắng thu. Nhân dân ùa ra hai bên đường phất cờ, tung mũ, reo mừng, ca hát, tặng hoa bộ đội. Cổng chào, băng, khẩu hiệu rực rỡ các đường phố, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên các số nhà. 15 giờ, còi trên nóc Nhà hát Thành phố Hà Nội nổi lên một hồi dài. Hàng trăm ngàn người dân Hà Nội dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội.
Sau Lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Mở đầu Lời kêu gọi, Người viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào...
Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn vinh”…
Ngày 10-10-1954 đã trở thành một dấu ấn thật khó quên.
HỒNG LÊ (tổng hợp)