.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải: Góp ý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên

Cập nhật: 17:02, 12/11/2019 (GMT+7)

(ABO) Chiều 11-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Luật Lực lượng dự bị động viên.

Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đóng góp 4 vấn đề để Ban soạn thảo nghiên cứu, cụ thể như sau:

Một là, về thẩm quyền lập kế hoạch (Điều 8)

Đề nghị cần định danh rõ các loại kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên theo các cấp có thẩm quyền. Vì ở khoản 1 Điều này có đề cập đến kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên rất cụ thể, nhưng khoản 2 và khoản 3 chỉ đề cập đến kế hoạch chung chung, chưa rõ ràng, từ đó làm cho sự chủ động của các cơ quan lập kế hoạch chưa được tự chủ cao.

 Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có thể chia thành các loại kế hoạch như sau: Kế hoạch nhà nước, kế hoạch cấp Bộ và tương đương, kế hoạch cấp Cục và tương đương, kế hoạch cấp quân khu và tương đương, kế hoạch cấp tỉnh, kế hoạch cấp huyện. Có như vậy mới thấy rõ được trách nhiệm và thẩm quyền lập kế hoạch của các cơ quan, nếu ghi chung chung như khoản 2 và khoản 3 của dự thảo thì chưa rõ trách nhiệm của từng cơ quan lập kế hoạch.

Hai là, về đăng ký và quản lý quân nhân dự bị (Điều 12)

Đề nghị bổ sung vào Điều 12 một khoản có nội dung quy định như sau: “Đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cấp quyết định xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền bàn giao hồ sơ của hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện giao quân”. Với các lý do như sau:

- Điều 45 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, khoản 6 Điều 10 Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ quy định: Hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân về nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập trong thời hạn 15 ngày làm việc phải đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị.

- Khoản 3, Điều 10 Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ quy định: Cục trưởng và chức vụ tương đương, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định xuất ngũ đối với từng hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền; tổ chức lễ tiễn hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ tại ngũ và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giao quân.

Theo quy định trên thì hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân về nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập trong thời hạn 15 ngày làm việc phải đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị. Nhưng thực tế các đơn vị cơ quan Công an chưa thực hiện thường xuyên việc chuyển giao hồ sơ, mà giao cho cá nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ xuất ngũ tự mang về nhà nên địa phương giao quân rất khó quản lý và đăng ký được đối tượng này.

 Do đó, đề nghị bổ sung nội dung quy định nêu trên nhằm yêu cầu các đơn vị nhận quân của các địa phương phải trực tiếp bàn giao hạ sĩ quan, chiến sĩ xuất ngũ về địa phương giao quân theo quy định.

Ba là, về huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quân nhân dự bị, đơn vị dự bị động viên (Điều 22)

Tại khoản 2 Điều 22 dự thảo Luật quy định: “Việc gọi quân nhân dự bị huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu thực hiện theo quy định Luật Sĩ quan Quân đội nhân viên Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự”.

 Đề nghị nội dung này cần cụ thể hơn đối với trách nhiệm của cá nhân là quân nhân dự bị khi đi khỏi nơi cư trú tại địa phương cũng phải thông báo với địa phương để kịp thời quản lý và thông báo đến quân nhân dự bị khi có lệnh huy động tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và bổ sung biện pháp chế tài đối với quân nhân dự bị khi đi khỏi nơi cư trú nhưng không thông báo chính quyền địa phương. Việc này gây khó khăn cho việc tập trung huấn luyện, nhất là các quân dự bị được cơ cấu vào các tổ chức, biên chế quan trọng không thể thiếu khi huấn luyện.

Bốn là, về xây dựng lực lượng dự bị động viên (Mục 2, Chương II)

Đây là nội dung mà địa phương thường xuyên bị vướng và khó thực hiện trong thời gian qua, vì một số doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp tư nhân) gây khó khăn cho quân nhân dự bị công tác, làm việc trong các doanh nghiệp, công ty tư nhân, công ty có vốn đầu tư nước ngoài (gọi chung là doanh nghiệp), được sắp xếp biên chế vào các đơn vị dự bị động viên, khi có lệnh gọi tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên và sau khi hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên quân nhân dự bị trở về doanh nghiệp để tiếp tục làm việc thì bị mất rất nhiều quyền lợi hoặc bị điều chuyển sang công tác khác với nhiều lý do khác nhau, gây khó khăn khi có lệnh tập trung huấn luyện, kiểm tra, sẵn sàng động viên.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản hay một Điều quy định “trách nhiệm của các doanh nghiệp, công ty tư nhân, công ty có vốn đầu tư nước ngoài” vào trong Mục 2, Chương II dự thảo Luật để đảm bảo quyền lợi cho quân dự bị khi tập trung huấn luyện cũng như ràng buộc trách nhiện của các doanh nghiệp./.

MINH NHỰT (tổng hợp)

.
.
.