.
KỶ NIỆM 102 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 10 NGA (7-11-1917 - 7-11-2019)

"Mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới"

Cập nhật: 10:40, 06/11/2019 (GMT+7)

Vào ngày 7-11-1917, cách đây 102 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích Nga, đứng đầu là Lênin vĩ đại, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nhất loạt khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập nên Nhà nước Xô viết - nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới trong lịch sử nhân loại: Thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên phạm vi toàn thế giới.

Ngay trong đêm 7-11-1917, Đại hội các Xô viết được triệu tập, thành lập chính quyền Xô viết do Lênin đứng đầu.
Ngay trong đêm 7-11-1917, Đại hội các Xô viết được triệu tập, thành lập chính quyền Xô viết do Lênin đứng đầu.

“THỜI ĐẠI THỐNG TRỊ CỦA GIAI CẤP MỚI”

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ mở ra con đường giải phóng dân tộc cho tất cả các dân tộc thuộc địa, mà còn thức tỉnh, cổ vũ giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đứng lên đấu tranh tự giải phóng và lựa chọn con đường giành tự do, dân chủ. Sau Cách mạng Tháng Mười, đã có nhiều nước ở châu Á, châu Phi và Mỹ la-tinh vùng lên đấu tranh đánh đổ ách thống trị của thực dân và giành được độc lập, tự do cho dân tộc, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Việt Nam có câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười.

HỒ CHÍ MINH

Về ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, Lênin từng nói: “Chúng ta có quyền tự hào và thực tế, chúng ta tự hào là chúng ta có vinh hạnh được bắt đầu xây dựng Nhà nước Xô viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa và ở bất cứ nơi nào cũng đang tiến tới một cuộc đời mới, tiến tới chiến thắng giai cấp tư sản, tiến tới chuyên chính của giai cấp vô sản, tiến tới giải phóng loài người khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”.

Nhìn lại một thế kỷ quá độ đi lên CNXH với bao thăng trầm, biến cố, có cả những thành tựu và đổ vỡ, cùng với đó là sự xuất hiện của những trào lưu xã hội chủ nghĩa (XHCN) mới ở khắp các châu lục và ở ngay chính trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa, càng khẳng định giá trị vượt thời gian của Cách mạng Tháng Mười.

Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa lịch sử và tính chất quốc tế vô cùng sâu rộng; không một cuộc cách mạng nào trong thời đại ngày nay lại không chịu ảnh hưởng sâu xa của Cách mạng Tháng Mười. Điều đó cho thấy, trong thời đại ngày nay, sự kết hợp tất yếu và tự nhiên giữa cuộc đấu tranh vì dân chủ và cuộc đấu tranh vì CNXH, giữa dân chủ và CNXH chẳng những là mục tiêu mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tiến bộ xã hội, đưa xã hội loài người tới tự do, công bằng, bình đẳng và văn minh.

ÁNH SÁNG CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN TRUYỀN TỎA ĐẾN VIỆT NAM

Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã thổi một luồng ánh sáng mới của thời đại - ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền tỏa đến Việt Nam đúng vào lúc phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang có chuyển biến sâu sắc, giai cấp công nhân có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và bước lên vũ đài chính trị, góp phần chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc vào đầu thế kỷ XX.

Từ bản Luận cương năm 1920 của Lênin về Vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra kết luận sâu sắc: “Chỉ có đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn, cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”.

Trong bài viết cho Báo Pravđa (Liên Xô) nhân kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười Nga, Bác viết: “Trước Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam bị bọn đế quốc thực dân bưng tai bịt mắt, chưa hiểu gì về chủ nghĩa Mác và cũng chưa nghe nói đến Lênin.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, chấn động thế giới, chủ nghĩa Mác-Lênin dần dần được truyền bá ở Việt Nam. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, phất cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng. Một phong trào giải phóng dân tộc sôi nổi dâng lên, đến đỉnh cao nhất là Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931). Từ đó, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam đã tìm thấy con đường giải phóng của mình.

Bất chấp chính sách khủng bố đẫm máu của bọn thực dân, nhân dân Việt Nam vẫn kiên quyết tiến lên. Tháng 8-1945, thừa dịp quân đội Xô viết anh hùng đánh thắng bọn phát xít Đức và bọn phát xít Nhật, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước, đánh đổ phát xít Nhật và bè lũ tay sai, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp những giá trị phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của đất nước, cùng với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Liên Xô, của các nước XHCN và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giành được những thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và vững bước trên con đường XHCN…

Kỷ niệm 102 năm Cách mạng Tháng Mười Nga là dịp để chúng ta khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lớn lao và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga và những cống hiến, đóng góp to lớn của CNXH hiện thực trong lịch sử nhân loại; đồng thời là dịp để chúng ta nhìn nhận, phân tích sâu sắc, khoa học những kinh nghiệm, bài học lịch sử cả về sự thành công và thất bại của CNXH hiện thực một thế kỷ qua; từ đó tìm ra những quy luật, những cách thức phát triển mới, nhanh, bền vững, phù hợp với xu thế thời đại trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.