.
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII:

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt 3 nội dung

Cập nhật: 15:19, 22/11/2019 (GMT+7)

Tại Hội nghị triển khai Quy định 205 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 21, 26 của Ban Tổ chức Trung ương ngày 21-11, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có bài phát biểu quan trọng. Báo Ấp Bắc trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Danh.

Sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai Hướng dẫn  26 ngày 18-10-2019 của Ban Tổ chức Trung ương thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quy định 205 ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Hướng dẫn 21 ngày 18-10-2019 của Ban Tổ chức Trung ương gắn với Kế hoạch 102 ngày 6-11-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Qua ý kiến phát biểu của các đồng chí đã phân tích, làm rõ thêm những vấn đề Quy định của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tôi xin nói thêm mấy việc để các cấp ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các địa phương quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt 3 nội dung nói trên:

Nội dung thứ nhất: Về công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp. Đối với nội dung này, ngày 9-8-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị; bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công tác chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp; Kế hoạch 92 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Thông báo 225 ngày 14-8-2019 kết luận chỉ đạo, tôi chỉ lưu ý thêm mấy việc:

Một là, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội phải được tiến hành nghiêm túc, bài bản, chu đáo; có xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, khoa học; phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức, cá nhân và phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc trong quá trình tổ chức thực hiện; phải chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền đại hội Đảng các cấp với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh; phải tạo được không khí thật sự vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên tinh thần nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Hai là, văn kiện Đại hội phải chuẩn bị thật tốt. Việc xây dựng Báo cáo chính trị phải đánh giá khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế; phải quán triệt quan điểm, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện của cấp trên, cũng như điều kiện thực tế của từng cấp, từng ngành; đồng thời, phải tổ chức tốt việc thảo luận đóng góp ý kiến dự thảo văn kiện của đại hội đảng bộ cấp trên và văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Về Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy, cần phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, xây dựng; đánh giá đúng, khách quan, trung thực công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện trong 5 năm qua.

Ba là, công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc; chuẩn bị nhân sự cấp ủy phải trên cơ sở quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ. Cần tăng cường kiểm tra, rà soát công tác cán bộ và bổ sung quy hoạch nhân sự cấp ủy; tuyệt đối không để xảy ra vi phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ, không để xảy ra tình trạng tìm cách nâng người này, hạ người kia, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ.

Trong công tác nhân sự phải xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó “tiêu chuẩn là chính”, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; coi trọng cả đức và tài, trong đó “đức là gốc”; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa việc nâng cao chất lượng cấp ủy với bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi.
Thứ tư là, đối với những nơi thực hiện thí điểm bố trí trưởng các ban đảng đồng thời là trưởng các cơ quan khác có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, thì ngoài cơ cấu 1 đồng chí ủy viên ban thường vụ có thể xem xét cơ cấu 1 đồng chí cấp phó của ngành tham gia cấp ủy cùng cấp (Ví dụ như: Nội vụ, Thanh tra, Mặt trận Tổ quốc,... khi hợp nhất chức danh Nội vụ vào Ban Tổ chức, Thanh tra vào Kiểm tra, Mặt trận Tổ quốc vào Ban Dân vận).

Những nơi thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, ngoài cơ cấu 1 phó bí thư thường trực cấp ủy thì cấp có thẩm quyền có thể xem xét bố trí hoặc không bố trí thêm 1 phó bí thư (để bố trí chức danh chủ tịch HĐND hoặc phụ trách lĩnh vực công tác cần tập trung sự lãnh đạo của cấp ủy).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đại hội để chuẩn bị thật tốt và tổ chức thành công đại hội đảng bộ ở cấp mình. Phải phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của cấp ủy từ khâu chuẩn bị nội dung các văn kiện, phương án nhân sự, việc chuẩn bị các điều kiện phục vụ đại hội đến việc giải quyết các công việc thường xuyên trong nội bộ, các vấn đề phát sinh trong xã hội (trong đó có vấn đề đơn, thư khiếu nại, tố cáo có thể sẽ tăng lên).

Căn cứ Kế hoạch 92 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, ban thường vụ các cấp ủy huyện (tương đương) triển khai thực hiện và hướng dẫn cụ thể đối với cấp dưới và đăng ký thời gian tổ chức đại hội đảng bộ ở cấp mình (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy) trong tháng 4-2020, để sắp xếp lịch tổ chức đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương phù hợp với sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nội dung thứ hai: Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là nội dung có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đảng ta, những vấn nạn này nếu chưa được khắc phục sẽ còn là nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng. Có thể khẳng định quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, cho nên việc chúng ta cần làm là phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn; quyền hạn phải được ràng buộc bởi trách nhiệm; quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đó; quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Do đó, chúng ta cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị “tha hóa”; phân công, phân cấp phải gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm; thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, vi phạm điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước.

Còn hành vi chạy chức, chạy quyền như Bác Hồ từng lên án bệnh kéo bè, kéo cánh, cục bộ, bản vị. Người gọi đây là căn bệnh “Cánh hẩu” trong Đảng, là biểu hiện của “lợi ích nhóm” trong một sự cấu kết chặt chẽ để trục lợi (“Cánh hẩu” nghĩa là tạo dựng ê-kíp, chọn lựa kế cận, chia nhau giữ ghế, lũng đoạn chính sách, lợi dụng pháp luật, làm giàu bất chính, toan tính chuyện “cha truyền, con nối”, là việc đưa con cháu, người nhà vào nắm giữ các vị trí trong bộ máy chính quyền, là biểu hiện của tham nhũng quyền lực)... Bác Hồ chỉ ra rằng: “Bè cánh được lôi kéo từ những người có họ hàng, là bà con, cháu, chắt, thân tín, thậm chí mở rộng ra là người cùng xóm, cùng quê; rồi tung hô nhau, ủng hộ nhau, dùng số đông, lợi dụng và bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ, dồn những người tốt, người có tài để ‘tiêu diệt’, để thao túng. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”.

Những năm gần đây, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đảm bảo mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, Đảng ta cũng đặt ra chủ trương xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền lực để thực hiện hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Việc hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ; xử lý nghiêm sai phạm, không có “vùng cấm” như thời gian vừa qua cho thấy quyết tâm “nói đi đôi với làm” của Đảng về chống tiêu cực trong công tác cán bộ. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm cùng với việc ban hành Quy định 205 của Bộ Chính trị đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, từng bước củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Loại bỏ được những tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác cán bộ thì mới thực sự tạo được những cơ hội công bằng, lành mạnh cho các cán bộ có năng lực thực sự có cơ hội thăng tiến, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp trong những nhiệm kỳ tiếp theo.

Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương và để triển khai thực hiện tốt Quy định 205 của Bộ Chính trị, tôi yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai quán triệt nghiêm túc Quy định nêu trên, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; phải cụ thể hóa từng nội dung của Quy định theo thẩm quyền để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện và báo cáo kịp thời cấp ủy cấp trên trực tiếp về kết quả đã thực hiện hằng năm.

Từng thành viên lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, phải nêu gương trong thực hiện Quy định; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, không để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ; kịp thời chấn chỉnh những sai sót và chịu trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Trước mắt là việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 không để những trường hợp đã nêu trong quy định lọt vào các chức danh lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở; nếu có những trường hợp do các nhiệm kỳ trước đã cơ cấu thì phải có kế hoạch sắp xếp lại để đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Chính trị.

Đối với các cơ quan và cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ, phải nâng cao bản lĩnh, ý thức trách nhiệm, công tâm, khách quan, minh bạch và chịu trách nhiệm với cấp có thẩm quyền trong công tác cán bộ; thực hiện nghiêm quy định chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết (từ điều 3 đến điều 9 của Quy định nói rất rõ việc này).

Nội dung thứ ba: Về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 102 ngày 6-11-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy cụ thể hóa Hướng dẫn 21 ngày 18-10-2019 của Ban Tổ chức Trung ương và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi việc triển khai, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về Ban Tổ chức Trung ương đúng thời gian quy định.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn việc nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sao cho phù hợp với từng đối tượng kiểm điểm và phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy để triển khai, tổ chức thực hiện nội dung này.

Các ban đảng Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và cấp ủy huyện, thành, thị phải xây dựng tiêu chí theo chức năng, nhiệm vụ được giao để phục vụ cho việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý đảm bảo đúng thực chất.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách địa bàn thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các cấp ủy tổ chức triển khai thực hiện việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm. Cấp ủy cấp trên thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cấp ủy cấp dưới đúng theo qui định.

Kính thưa các đồng chí,

Các nội dung nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng, là những quy định cụ thể, là hướng dẫn chi tiết. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức một cách đầy đủ, nhất quán để triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất; phải phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của cấp ủy từ khâu triển khai đến khâu tổ chức thực hiện.

 * NGUYỄN VĂN DANH
(Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)

.
.
.