Phong trào Đồng Khởi ở tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công năm 1960
Sau Hiệp định Genève (Giơ-ne-vơ) có hiệu lực, quân dân ta nghiêm chỉnh thi hành, nhưng Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm tìm mọi cách phá hoại, phản đối hiệp thương tổng tuyển cử, đàn áp cán bộ kháng chiến và người yêu nước. Phong trào cách mạng ở miền Nam bị tổn thất nặng nề. Dù bị địch thẳng tay đàn áp, cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước vẫn chấp hành chủ trương đấu tranh và sự chỉ đạo của Ðảng. Quần chúng vẫn tin vào sự thay đổi chủ trương, phương pháp đấu tranh mới của Ðảng.
Tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II xác định: “Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam”. Hội nghị đề ra nhiệm vụ trước mắt là: “Đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ”. Hội nghị vạch rõ con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam “là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”.
Tháng 11-1959, Xứ ủy Nam bộ tổ chức Hội nghị lần thứ 4 quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 15. Hội nghị xác định nhiệm vụ cơ bản trước mắt của Đảng bộ Nam bộ là giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng, lấy đấu tranh chính trị rộng rãi của quần chúng là chính; đồng thời, kết hợp với hoạt động vũ trang tuyên truyền chống chính sách khủng bố của Mỹ - Diệm, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm.
Tháng 12-1959, Hội nghị Khu ủy Khu 8 (Khu Trung Nam bộ) tổ chức tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) với sự tham gia của đại biểu các Tỉnh ủy. Hội nghị nhận định: Các tỉnh miền Trung Nam bộ vừa trải qua thời kỳ khó khăn, cơ sở cách mạng bị tổn thất nghiêm trọng, đội ngũ tuy còn ít nhưng đều là cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên, vững vàng.
Sau hội nghị Khu ủy, Tỉnh ủy Mỹ Tho khẩn trương kiện toàn, củng cố các Huyện ủy Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Thị xã ủy Mỹ Tho, Ban Cán sự Đảng huyện Chợ Gạo, và chỉ đạo các đồng chí “điều lắng” trở về bổ sung cho cơ sở.
Từ ngày 21 đến 23-1-1960, Tỉnh ủy Mỹ Tho họp quán triệt Nghị quyết Trung ương 15, Nghị quyết của Xứ ủy và Khu ủy Khu 8 tại Kinh Ba, huyện Cái Bè. Hội nghị chủ trương đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhằm đánh đổ chính quyền cơ sở của địch, làm chủ nông thôn. Hội nghị chỉ đạo thành lập Ban quân sự tỉnh và Ban quân sự các huyện, phát triển lực lượng vũ trang, khui các hầm súng còn lại trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang tuyên truyền. Hội nghị đề ra yêu cầu cụ thể là lực lượng vũ trang tiến hành công tác tuyên truyền, thị uy, diệt ác ôn, phát động quần chúng đốt phá trạm canh, giải tán liên gia, chủ ấp, san bằng đồn bót. Hội nghị chỉ rõ: Phá thế kìm kẹp đến đâu thì giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân đến đó, trên tinh thần đoàn kết nông dân với hình thức nhân dân tự quản nông thôn.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang tập hợp thành 1 trung đội mang phiên hiệu Tiểu đoàn 514 với 33 cán bộ, chiến sĩ. Khu ủy Khu 8 điều 1 trung đội vũ trang của tỉnh Kiến Tường sang hỗ trợ tỉnh Mỹ Tho. Các huyện tập hợp người thành lập đơn vị vũ trang tuyên truyền của huyện. Các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành đều có 1 tiểu đội, thị xã Mỹ Tho có đội biệt động. Ban Cán sự Đảng huyện Chợ Gạo tập hợp thêm 7 đồng chí thành lập Đội vũ trang tuyên truyền huyện và chuẩn bị trở về bám địa bàn huyện gây dựng lại phong trào. Tháng 2-1960, hai huyện Hòa Đồng và Gò Công thành lập Ban Cán sự Đảng.
Khi nhân dân tỉnh Mỹ Tho đang chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới thì Đồng khởi ở tỉnh Bến Tre bùng nổ. Ngày 17-1-1960, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre nổi dậy phá đồn bót, diệt ác ôn, giành quyền làm chủ nông thôn. Sự kiện này có ảnh hưởng to lớn đến phong trào cách mạng tỉnh Mỹ Tho.
Ngày 24-2-1960, cuộc nổi dậy của nhân dân tỉnh Mỹ Tho bùng nổ. Các xã dọc theo tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp, từ xã Hưng Thạnh, huyện Châu Thành đến xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, quần chúng nổi dậy với khí thế rầm rộ và tinh thần cách mạng sôi sục. Băng, cờ treo lên cây, bên đường đi hoặc cắm trên bè chuối thả theo dòng sông. Ở huyện Châu Thành có cuộc tuần hành với 1.000 người tham gia.
Đêm 24 rạng ngày 25-2-1960, ở nhiều xã trong tỉnh tiếng trống, mõ xen lẫn tiếng pháo tre nổi lên liên hồi; nhiều cuộc mít tinh, tuần hành tổ chức ở từng ấp, xã. Các khẩu hiệu: Đảng Lao động Việt Nam muôn năm! Đả đảo đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm... được quần chúng hô vang cùng các khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ. Quần chúng phá hủy bảng tố cộng, xé ảnh Ngô Đình Diệm, cờ ba que (cờ của chính quyền Sài Gòn), trừng trị ác ôn, giải tán tề ấp, tề xã.
Đơn vị vũ trang 514 trên danh nghĩa lực lượng vũ trang giải phóng tỉnh đã dùng thư, quyết định có đóng dấu cảnh cáo các tên tề xã, chủ ấp ác ôn, trưởng liên gia có trọng tội với nhân dân, buộc họ lập tức ngưng việc, trả tờ cử lại cho địch và cầu xin nhân dân tha tội thì sẽ được khoan hồng; ngược lại sẽ bị cách mạng trừng trị. Kết quả, bộ máy địch ở cơ sở đều bị vô hiệu hóa, quần chúng nổi dậy rất mạnh.
Đêm 24 rạng 25-2-1960 tại thị xã Mỹ Tho, cờ Đảng, truyền đơn, khẩu hiệu xuất hiện khắp nơi. Sáng ngày 25, nhân dân thị xã đốt pháo vang dậy và thả bồ câu mang theo cờ Đảng bay lên bầu trời. Từ ngày 25 đến 27-2-1960, nhiều cuộc bãi công, bãi thị nổ ra, địch hoang mang, bị động đối phó.
Đầu tháng 6-1960, một bộ phận của Tiểu đoàn 514 xuống Chợ Gạo đánh bót Thanh Bình và bót Trung Hòa; hôm sau đánh địch tiếp viện ở xã Tân Bình Thạnh. Ngày 17-6-1960, một bộ phận khác Tiểu đoàn 514 đến xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy chặn đánh 1 trung đoàn Sư đoàn 9 ngụy, có tàu chiến yễm trợ, bảo vệ Ngô Đình Diệm đến khánh thành Khu trù mật. Mặc dù lực lượng ta ít, nhưng vận dụng phương châm đánh gần, nghi binh làm địch hoang mang. Phát huy thắng lợi, ta đưa lực lượng đột nhập vào Khu trù mật Mỹ Phước Tây diệt ác, trừ gian, đốt nhà kiểu mẫu, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy. Trong tháng 6, ta diệt đồn Long Hưng, huyện Châu Thành; bót Cò Mi Tâm, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy...
Cuối tháng 6-1960, Tỉnh ủy Mỹ Tho họp tại xã Tân Hòa Đông, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Phước). Trên cơ sở đánh giá tình hình trong tỉnh, Tỉnh ủy chủ trương phát động quần chúng nổi dậy bức hàng, bức rút đồn bót địch, diệt ác ôn phá thế kìm kẹp, giải phóng xã, ấp, làm chủ nông thôn. Hội nghị chọn ngày 20-7-1960, tổ chức cuộc mít tinh ở huyện Cái Bè nhân kỷ niệm 6 năm ngày ký Hiệp định Genève; sau đó, phát động quần chúng nổi dậy.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, đêm 20-7-1960, cuộc mít tinh ở Ngã Sáu, xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, có khoảng 15.000 người tham dự. Cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành kéo dài hơn 15 km trên Kinh 28, có lực lượng vũ trang hỗ trợ làm hàng loạt đồn bót địch hoảng sợ tháo chạy. Ở huyện Cai Lậy, Huyện ủy Cai Lậy tổ chức cuộc nổi dậy của 8.000 quần chúng ở các xã Mỹ Thành, Thạnh Phú, Phú Nhuận... bức rút các đồn bót ở vùng này. Các xã dọc tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp, quần chúng nổi dậy giải phóng xã, ấp. Trong tháng 7-1960, quần chúng ở khu vực phía bắc Lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A) từ xã Tân Hòa Thành, Hưng Thạnh của huyện Châu Thành đến các xã Mỹ Trung, Hậu Mỹ, Thanh Hưng thuộc huyện Cái Bè nổi dậy diệt ác ôn, phá tan thế kìm kẹp của địch, mở ra vùng nông thôn giải phóng rộng lớn nối liền từ huyện Cái Bè, Cai Lậy đến huyện Châu Thành.
Đầu tháng 9-1960, Tỉnh ủy Mỹ Tho họp tại xã Tân Hòa Đông, huyện Châu Thành triển khai chỉ thị của Khu ủy Khu 8 về phát động đợt đồng khởi trong toàn Khu từ ngày 23-9. Sau khi kiểm điểm tình hình qua hai đợt nổi dậy, Tỉnh ủy chủ trương tập trung lực lượng vũ trang và cán bộ sang phía Nam Lộ 4, gồm các xã thuộc huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và xuống huyện Chợ Gạo phát động quần chúng nổi dậy, chuẩn bị tổ chức một cuộc đấu tranh trực diện ở thị xã Mỹ Tho và trên Lộ 4. Hội nghị còn vạch ra biện pháp cụ thể để phát động quần chúng nổi dậy: Giải phóng đến đâu thì phải nhanh chóng xây dựng lực lượng cơ sở đến đó và giải quyết vấn đề ruộng đất nhằm thực hiện đoàn kết nông dân.
Lực lượng vũ trang tiến hành tuyên truyền, phát động quần chúng dự mít tinh, biểu tình. Trong mít tinh, cán bộ có uy tín đứng ra phát động quần chúng chỉ những tên tề, điệp, công an, mật vụ; tổ chức quần chúng xử tội, hạ uy thế của bọn chúng.
Trong 4 ngày (từ ngày 23 đến 27-9-1960), 8 xã huyện Châu Thành, 11 xã huyện Cai Lậy, quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm làm chủ xóm ấp... Ở 7 xã ven thị xã Mỹ Tho, quần chúng nổi dậy làm chủ từng bước (làm chủ ban đêm, làm chủ buổi chiều, khí thế mạnh lên thì làm chủ ban ngày). Trong 10 ngày liên tục, tiếng trống, mõ nổi lên liên hồi từ huyện Cái Bè đến các xã ven thị xã Mỹ Tho.
Ngày 27-9, địch cho lực lượng bảo an mở 2 cuộc càn vào các xã của 2 huyện Châu Thành, Cai Lậy, nhưng bị lực lượng vũ trang ta chặn đánh phải rút lui. Trong đợt này, thế làm chủ của quần chúng mở rộng hơn, liên hoàn từ xã Trung An, Phước Thạnh thuộc huyện Châu Thành đến xã Ngũ Hiệp, Hiệp Đức, Phú An của huyện Cai Lậy và một số xã ở huyện Cái Bè (phía Nam Lộ 4). Ở huyện Chợ Gạo, quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm làm chủ xóm, ấp. Trong 5 ngày cuối tháng 9-1960, có trên 30.000 lượt quần chúng biểu dương lực lượng khắp các địa phương trong tỉnh.
Ngày 29-9-1960 ở thị xã Mỹ Tho, hơn 7.000 người tham gia biểu tình đòi chấm dứt các cuộc càn quét khủng bố, bỏ khu trù mật, đòi tăng lương cho binh lính và các quyền dân sinh, dân chủ. Đoàn người kéo đến tòa Tỉnh trưởng đưa yêu sách. Tỉnh trưởng Định Tường buộc phải cho đại diện ra nhận 200 bản kiến nghị với hơn 3.000 chữ ký. Hưởng ứng cuộc đấu tranh trong nội ô, khoảng 45.000 quần chúng ở ngoại ô thị xã và dọc theo Lộ 4 kéo ra đường cùng với hành khách của 500 xe các loại làm tắc hơn 10 km trên Lộ 4, trong 4 giờ. Sáng ngày 30-9, quần chúng tiến hành bãi thị. Trước tình hình đó, Tỉnh trưởng Định Tường buộc ra lệnh trả tự do cho những người bị bắt. Cuộc đấu tranh thắng lợi và ảnh hưởng lớn với phong trào.
Tháng 11-1960, Khu ủy Khu 8 điều 150 khẩu súng cho tỉnh Mỹ Tho trang bị lực lượng tự vệ.
Đầu năm 1961, Tỉnh ủy chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh hỗ trợ các huyện Gò Công, Hòa Đồng phát động quần chúng nổi dậy. Nhân dân Chợ Gạo nổi dậy bức hàng, bức rút 100 đồn bót mở ra vùng giải phóng rộng lớn liên hoàn giữa các xã. Sau đó, nhân dân các xã Tân Thới, Phú Thạnh Đông của huyện Hòa Đồng cũng giành quyền làm chủ. Ở huyện Gò Công, lực lượng vũ trang phá lỏng thế kìm kẹp của địch ở một số xã tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy, giành quyền làm chủ.
Tính đến tháng 3-1961, tỉnh Mỹ Tho cơ bản hoàn thành nổi dậy giành quyền làm chủ nông thôn từ vùng biển Gò Công ở phía Đông đến huyện Cái Bè về phía Tây. Đây là tiền đề quan trọng để phong trào cách mạng tỉnh Mỹ Tho tiến lên, góp phần cùng toàn khu nổi dậy thành công.
Thắng lợi của nhân dân tỉnh Mỹ Tho trong phong trào Đồng khởi năm 1960 là giành quyền làm chủ ở nông thôn, đưa phong trào cách mạng chuyển sang thế tiến công mạnh mẽ, rộng khắp, liên tục tạo ra thế và lực mới để phong trào cách mạng vững bước tiến lên. Thắng lợi đó góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh một phía” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, làm lung lay chính quyền Ngô Đình Diệm; góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng, tạo ra bước ngoặt mới có ý nghĩa chiến lược của cách mạng miền Nam: Từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công cách mạng giành thắng lợi to lớn cho những năm tiếp theo.
LÊ TÝ
Tài liệu tham khảo.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, tập 20.
2. Ban Chỉ đạo công trình lịch sử kháng chiến chống Mỹ khu 8- Trung Nam bộ: Đồng bằng khu Trung Nam bộ chống Mỹ cứu nước, tập I (1954-1964). XB năm 1997.
3. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, tập II (1954-1975), Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội. 2010.
4. Bộ Quốc phòng - Ban Tuyên giáo Trung ương - Tỉnh ủy Bến Tre: Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam. Nxb Quân đội Nhân dân. Hà Nội. 2019.