.
KỶ NIỆM CHIẾN THẮNG ẤP BẮC (2-1-1963 - 2-1-2020):

Những tiền đề dẫn đến chiến thắng Ấp Bắc

Cập nhật: 20:20, 01/01/2020 (GMT+7)
Chi đoàn Báo Ấp Bắc và tuổi trẻ Công an Tiền Giang “về nguồn” Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc (xã Tân Phú, TX. Cai Lậy).                                                    Ảnh:  H.L
Chi đoàn Báo Ấp Bắc và tuổi trẻ Công an Tiền Giang “về nguồn” Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc (xã Tân Phú, TX. Cai Lậy). Ảnh: H.L


1. Tháng 2-1962, Bộ Chính trị họp thông qua Nghị quyết về “Nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam”. Nội dung chính của Nghị quyết là: “Tích cực phá ấp chiến lược, đánh bại kế hoạch Staley -
Taylor, ra sức xây dựng và mở rộng căn cứ địa, khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang tập trung và đẩy mạnh tác chiến tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch”. Tháng 4-1962, Nghị quyết này triển khai đến Khu ủy Khu 8, sau đó triển khai đến các Tỉnh ủy quán triệt, thực hiện.

Tháng 8-1962, Khu ủy Khu 8 nhận thêm Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Cục miền Nam tháng 4-1962, chỉ đạo phương thức phá ấp chiến lược, với nội dung chủ yếu: Phải từ phong trào quần chúng nổi dậy tại chỗ trong ấp chiến lược. Đảng phải bám trong dân, trong ấp chiến lược, xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, tổ chức lực lượng du kích, tự vệ mật tại chỗ kết hợp với lực lượng vũ trang và quần chúng bên ngoài để phá, nhưng chủ yếu là quần chúng tại chỗ. Phải phá nội dung là bộ máy kềm kẹp kết hợp với phá hình thức là phá hàng rào, bờ thành, phá kết hợp với đấu tranh chống làm lại, phá với yêu cầu từ thấp tới cao, từ phá lỏng phá banh đến phá dứt điểm là tiêu diệt đồn bót, giải phóng toàn xã.
Thực tế từ giữa năm 1962, hệ thống ấp chiến lược, bộ máy kềm kẹp và các cuộc hành quân càn quét của địch gây cho cách mạng nhiều tổn thất nặng nề. Đặc biệt là trận ngày 2-9-1962, địch hành quân càn quét căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho ở xã Hưng Thạnh, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Phước). Trong trận này, bên ta 1 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho và các đồng chí khác cùng chiến sĩ bảo vệ hy sinh. Tiếp theo, tại chiến trường Cai Lậy, đồng chí Đỗ Vọng, Tư lệnh phó Tham mưu trưởng Quân khu hy sinh. Chiến trường khu 8 nói chung, tỉnh Mỹ Tho nói riêng diễn ra ngày càng căng thẳng và quyết liệt.

Ngày 7-9-1962, tại căn cứ xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, được sự ủy nhiệm của Thường vụ Khu ủy, đồng chí Nguyễn Việt Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy, đại diện Thường trực Khu ủy đến dự hội nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho rút kinh nghiệm trận địch đánh vào căn cứ Tỉnh ủy ngày 2-9-1962 ở xã Hưng Thạnh, bàn chuyên đề chống càn quét và phá ấp chiến lược trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đề ra Nghị quyết: “Lực lượng vũ trang tập trung phải tấn công ra vùng ngoài, kết hợp với cơ sở bên trong phá ấp chiến lược, phải “đứng lại chống càn”, “không tránh né càn”. Phải chuẩn bị sẵn sàng trận địa công sự vững chắc, có thế xã ấp chiến đấu và thế ba mũi tấn công của các lực lượng”.

Tất cả những tiền đề dẫn tới chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963 tại xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho là Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương Cục miền Nam, của Khu ủy Khu 8, của Tỉnh ủy Mỹ Tho và tinh thần của toàn dân đánh giặc ở chiến trường khu 8. Toàn khu 8 và tỉnh Mỹ Tho - một thế trận mới đã sẵn sàng cho chiến trận Ấp Bắc giành thắng lợi oai hùng, trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Thực hiện Nghị quyết này, ngày 10-9-1962, Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 514 tỉnh Mỹ Tho kết hợp với địa phương quân huyện Châu Thành, du kích các xã Nam lộ 4 phá ấp chiến lược ở xã Dưỡng Điềm. Sáng ngày 13-9, lực lượng bảo an chi khu Cái Bè, Cai Lậy, Long Định, tiểu đoàn 17 tiểu khu Mỹ Tho, 1 tiểu đoàn sư đoàn 7 ngụy càn vào khu vực 8 xã Nam lộ 4. Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514 cùng các lực lượng cách mạng dựa vào xã, ấp chiến đấu và công sự vững chắc đứng lại chống càn thắng lợi. Tiểu biểu, Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514 tiến công tiêu diệt đại đội bảo an Cái Bè ở rạch Cả Nai, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy. Tiếp theo, ngày 24-9, 1 trung đoàn của sư đoàn 7 ngụy và 1 đại đội bảo an chi khu Long định đổ quân bao vây Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514 đang đóng quân ở xã Phú Phong (huyện Châu Thành). Lực lượng ta dựa vào công sự vững chắc chiến đấu, tiêu diệt hơn 30 tên. Sau đó, Đại đội 1 chuyển đến xã Vĩnh Kim. 1 tiểu đoàn của sư đoàn 7 ngụy bám theo, bị ta đánh bật ra đồng, rồi xung phong tiêu diệt diệt gần 100 tên nữa. Hôm sau, hơn 3.000 người của các xã Vĩnh Kim, Bình Trưng, Đông Hòa kéo đến đấu tranh trực diện với bọn chỉ huy cuộc hành quân, đòi gặp mặt chồng, con, em và yêu cầu không bắn pháo vào khu dân cư, vườn tược của nhân dân. Bọn địch đành phải chấp nhận yêu sách của đoàn biểu tình.

Thắng lợi trong 2 trận đánh càn của Tiểu đoàn 514 đã khẳng định: “Lực lượng vũ trang tập trung dựa vào thế chủ động tấn công của lực lượng tấn công chính trị, lực lượng tấn công binh vận, thế xã ấp chiến đấu và công sự vững chắc, kiên quyết bám trụ đánh càn là đúng đắn”.

2. Để thực hiện các nghị quyết đạt kết quả cao hơn, biện pháp trước mắt phải triển khai 3 việc sau đây:
Một là, phải củng cố mũi đấu tranh chính trị, binh vận và vũ trang tại chỗ. Ở các xã ấp mà quần chúng chưa bị gom vào ấp chiến lược thì tăng cường vận động quần chúng đào công sự, xây dựng xã ấp chiến đấu, tiếp tục đẩy mạnh mũi đấu tranh chính trị trực diện của “đội quân tóc dài” khi địch bắn pháo, ném bom và kéo quân càn quét, gom dân, vừa diệt địch vừa vận động binh vận để giữ thế công khai hợp pháp, làm chủ tại chỗ, vừa kéo ra tấn công vào đầu não địch tại thị xã, thị trấn.

Hai là, các lực lượng vũ trang tập trung hành quân ban đêm đến nơi trú quân phải chủ động tạo trận địa phục kích, chủ động đánh càn bằng hệ thống hầm hào, công sự kiên cố có nhiều tuyến, tạo sẵn trận địa công sự phòng ngự ở nhiều vùng để cơ động lúc chiến đấu với địch có bom pháo yểm trợ mật độ cao, bộ binh đông, sử dụng kỹ thuật tân kỳ bằng trực thăng vận, thiết xa vận.

Ba là, chiến đấu của lực lượng vũ trang phải luôn đặt trong thế chiến đấu chung của 3 mũi kết hợp, phối hợp một cách nhịp nhàng trên diện rộng, vừa ở ngay trong khu vực trận đánh, vừa ở diện rộng nhiều xã, toàn huyện, nhiều huyện..., quy mô tùy theo trận đánh và khả năng kết hợp thì mới có thể đạt mục tiêu đứng lại được.

Qua thực tiễn chiến đấu trên chiến trường khu 8, Khu ủy khu 8 đề ra một số biện pháp, kế hoạch cần làm ngay từ cuối năm 1962 và những năm tiếp, như sau:

Một là, lực lượng vũ trang khu, tỉnh, huyện, du kích xã phải cơ động trên địa bàn quen thuộc, chuẩn bị sẵn công sự vững chắc và quan hệ với quần chúng, tập dượt điêu luyện về tấn công 2 chân 3 mũi; có sẵn xã ấp chiến đấu, công sự vững chắc và kiên cố. Bộ đội đi đến đâu phải chủ động thiết kế công sự trận địa, sẵn sàng tác chiến với nhiều tình huống, đánh phản kích, đánh càn và tiến công đồn bót. Luôn luôn có kế hoạch hợp đồng chiến đấu giữa 3 mũi quân sự, chính trị, binh vận và các thứ quân.

Hai là, thành lập các Ban Chỉ huy thống nhất ở từng cấp tỉnh, huyện, xã trên từng khu vực. Ban Chỉ huy thống nhất gồm: Các cấp ủy viên các đảng bộ, chỉ huy quân sự khu vực, chỉ huy đơn vị vũ trang tập trung hoạt động trên địa bàn. Ban Chỉ huy thống nhất chỉ đạo các lực lượng phối hợp chống phản kích, chống càn quét, phá ấp chiến lược. Khi có tình huống chiến sự bất ngờ xảy ra thì từng nơi dựa trên kế hoạch đã lập sẵn, chủ động phối hợp theo tiếng súng, trước khi có chỉ đạo của Ban Chỉ huy.

Ba là, tổ chức ngay các lớp tập huấn cho các thứ quân về cách chủ động đánh càn quét, cách đánh bại các chiến thuật mới của địch, cách đánh trực thăng, xe bọc thép, các loại phi cơ bằng vũ khí sẵn có của đơn vị mình.

Bốn là, về phá ấp chiến lược, phải có kế hoạch phối hợp trong, ngoài bằng thế tấn công 3 mũi quân sự, chính trị, binh vận. Cơ bản là quần chúng trong ấp nổi dậy tự phá khi có thời cơ xuất hiện, tức là khi có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang bên ngoài đột nhập đứng lại trong ấp chiến lược hoặc gần ấp. Mục tiêu là phá bộ máy kềm kẹp, bức rút, bức hàng đồn bót, đưa dân trở về vùng cũ hoặc phá dứt điểm (diệt đồn - dân đứng lại tại chỗ, giữ thế làm chủ, chuyển thành vùng giải phóng).

Năm là, các cấp ủy quân sự triển khai ngay công tác chính trị, công tác Đảng: xây dựng chi bộ “4 tốt”, nâng cao sức mạnh của chi bộ làm nòng cốt trong chiến đấu, xây dựng đại đội bộ binh và đại đội binh chủng, các đơn vị du kích và quần chúng chiến đấu viên 3 mũi tấn công tốt, quyết tâm đánh bại chiến thuật tân kỳ trực thăng vận và các thủ đoạn mới của địch. Chi bộ đơn vị phải ban hành nghị quyết lãnh đạo đơn vị bám trụ đánh càn quét, diệt địch, đứng lại được suốt ngày, giữ nghiêm kỷ luật, bí mật trong hành quân, trú quân, kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu.

Sáu là, Thường vụ Khu ủy cử ngay cán bộ xuống các đảng bộ địa phương khẩn trương mở đợt sinh hoạt giáo dục đảng viên nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, lôi cuốn đông đảo quần chúng xây dựng công sự, hầm hào theo yêu cầu của bộ đội, tác chiến khắp các xã ấp và trên đường mà bộ đội và nhân dân thường đi lại, chuẩn bị kế hoạch cho lực lượng tấn công chính trị, binh vận của “đội quân tóc dài” sẵn sàng phối hợp căng kéo địch làm cho binh sĩ dao động, mất tinh thần chiến đấu, chống lại lệnh cấp trên không hợp đồng binh chủng được. Củng cố cơ sở đảng, lực lượng nòng cốt, lực lượng vũ trang mật trong ấp chiến lược, sẵn sàng nổi dậy khi có thời cơ.

Tất cả các thứ đó là phương thức mới, biện pháp đánh giặc mới được cán bộ chiến sĩ và nhân dân các tỉnh khu 8 khái quát thành phương châm hành động:

“Chính trị, binh vận, vũ trang
Phối hợp nhịp nhàng, ba mũi
giáp công
Bao vây, bức rút, bức hàng
Đứng lại đánh càn, giải phóng
nông thôn”.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.