Bài cuối: Khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội
Đảng bộ Tiền Giang tự hào với những thành tựu đạt được 90 năm qua và hướng tới tương lai tươi sáng. Ảnh: DUY NHỰT |
Bài 1: Lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền giai đoạn 1930 - 1945
Bài 2: Lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến
45 năm từ ngày đất nước thống nhất (1975 - 2020), Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã vượt qua bao khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là chặng đường phấn đấu, trưởng thành của nhiều thế hệ cách mạng, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.
TỪ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH
Chặng đường 10 năm (1975 - 1985) là giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng quê hương, với nhiều khó khăn, thách thức: Nền kinh tế còn nghèo, lạc hậu, thiếu thốn về cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng cơ sở; tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp; chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc...
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân tự lực xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng; trấn áp các tổ chức phản động; tăng gia sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, cả nước đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, cơ chế tập trung bao cấp, lực lượng sản xuất bị kìm hãm, sản xuất đình đốn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi công dân Việt Nam nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. |
Ngay từ đầu của chặng đường này, Đảng bộ tỉnh chủ trương củng cố hệ thống chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân.
Trong nông nghiệp, khôi phục diện tích sản xuất lúa, từng bước nâng diện tích và sản lượng cây lương thực, thực phẩm, duy trì và phát triển các loại cây đặc sản; khẩn trương khai hoang, phục hóa, dãn dân thành thị ra nông thôn, xây dựng vùng kinh tế mới. Về lâm nghiệp, tiến hành quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ, khai thác rừng, hình thành mạng lưới kiểm lâm, hạn chế khai thác và phá rừng phòng hộ.
Trong công nghiệp, thực hiện chủ trương khôi phục và duy trì các ngành quan trọng, như điện, nước, cơ sở sửa chữa cơ khí, sản xuất công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất tiểu thủ công xuất khẩu, vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc trừ sâu, chế biến thức ăn gia súc; củng cố và phát triển giao thông vận tải, thương nghiệp, vật tư, xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng.
Thành tựu nổi bật trong giai đoạn này là đấu tranh trấn áp bọn phản động; xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; tiếp nhận và thực hiện phân bố dân cư trên địa bàn tỉnh, xây dựng vùng kinh tế mới. Đảng bộ luôn tìm tòi hướng đi mới, cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện của tỉnh trong từng thời điểm cụ thể, mang lại nhiều kết quả có ý nghĩa thiết thực, tạo tiền đề cho bước phát triển tiếp theo trong thời kỳ đổi mới.
ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Tháng 12-1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện, nhất là đổi mới tư duy về kinh tế, phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Thực tiễn chứng minh, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang xác định đúng những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để có chủ trương, giải pháp phù hợp.
Gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá toàn diện, đời sống nhân dân cải thiện, từng bước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển từ cơ chế quản lý hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự hạch toán kinh doanh đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh; điều chỉnh, sắp xếp lại doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thực hiện phân công phân cấp cho địa phương và cơ sở, xóa bỏ hình thức bao cấp, kiểm soát và xóa bỏ độc quyền kinh doanh, đẩy mạnh liên doanh, liên kết và xuất khẩu…, tạo tiền đề và hành lang pháp lý cho sản xuất hàng hóa phát triển, nhất là các mặt hàng thế mạnh của tỉnh (lúa gạo, trái cây, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp…), đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho tỉnh.
Năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế được giải phóng và phát huy mạnh mẽ. Tỷ trọng các ngành sản xuất thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sản xuất công nghiệp và dịch vụ tăng lên hằng năm so với sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu các vùng kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế từng vùng.
Hình thành vùng sản xuất chuyên canh nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến, sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế và cạnh tranh cao trên thị trường..., làm tăng thêm tiềm lực nền kinh tế địa phương, tăng dần tích lũy từ nội bộ của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để tiến tới ổn định và phát triển bền vững, giải quyết cơ bản đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Tập trung triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, giải pháp xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhất là trong đầu tư hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân..., đưa tỉnh thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế - xã hội, vượt qua tình trạng đói nghèo, lạc hậu kéo dài nhiều năm để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những thành tựu quan trọng đó chứng tỏ khả năng vận dụng và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đối với Đảng bộ tỉnh Tiền Giang là đúng đắn và sáng tạo.
Tự hào với thắng lợi đạt được 90 năm qua và hướng tới tương lai tươi sáng, Đảng bộ Tiền Giang luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ra sức xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Phát huy sức mạnh toàn dân và dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế bền vững, phấn đấu đưa tỉnh nhà phát triển toàn diện trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng châu thổ sông Cửu Long. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
LÊ VĂN TÝ