Chú Nguyễn Văn Thép: Giữ vững khí tiết trong nhà lao
Trên người chú giờ chi chít những vết sẹo lớn có, nhỏ có, mắt cá của 2 chân giờ cũng không còn. Trong số những vết sẹo ấy, có vết rất lớn, ăn sâu vào cơ thể. Ngay trên đầu chú cũng còn một vết sẹo chạy dài từ đỉnh đầu xuống tận gáy…
Đó là hậu quả của những đòn tra tấn dã man của kẻ thù từ khám đường Mỹ Tho đến nhà tù ở Cần Thơ, Phú Quốc, ai nhìn thấy cũng rùng mình. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức trong những tháng ngày tham gia cách mạng, bị địch bắt, tù đày, nhất là giây phút tuyên thệ dưới cờ Đảng trong tù… vẫn còn như in trong chú.
Đồng chí Ba Thép đọc hồi ký. |
GIỮ VỮNG KHÍ TIẾT
Chú Nguyễn Văn Thép sinh năm 1942 ở xã Tân Hội, huyện Cai Lậy (nay thuộc TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Từ nhỏ, chú tham gia sinh hoạt thiếu nhi dưới sự hướng dẫn của “mấy anh chị thanh niên nhiệt tình, vui tính ở trong xóm”.
Khoảng đầu năm 1961, chú sinh hoạt trong Chi đoàn Thanh niên xã Mỹ Hạnh Đông (lúc đó là vùng giải phóng), sau đó tham gia binh vận khu Trung Nam bộ, thủ trưởng trực tiếp là đồng chí Ba Cao (Trần Minh Cao). Lúc đó, chàng thanh niên Ba Thép mới nhận ra mình chính là… Việt cộng.
Một buổi chiều đầu năm 1968, trong một lần đi bảo vệ đồng chí Ba Cao, không may bị “chiêu hồi” chỉ điểm, chú và đồng chí Ba Cao bị địch bắt, đưa về chi khu Cai Lậy tra khảo dã man, nhưng không khai thác được gì, đã đưa chú cùng những người bị bắt trước đây xuống khám đường Mỹ Tho.
Tại đây, chú được làm quen với các cuộc đấu tranh “không bạo động” về dân sinh dân chủ, phản đối đánh đập, ăn nói kiểu côn đồ của bọn cai ngục…
Chỉ hơn một tuần, chú biết có Tổ Đảng bí mật đang hoạt động trong nhà tù và biết được đồng chí Ba Cao là đảng viên. Tổ Đảng đã giúp đảng viên giữ vững khí tiết của người cộng sản và giáo dục, giác ngộ những quần chúng tốt theo cách mạng.
Trong nhà tù còn có tên Vị, quê Gò Công, là chiêu hồi (tù nhân chấp nhận làm tay sai cho giặc), địch cài vào để nắm thông tin. Hắn cậy thế biết võ Judo tỏ ra hách dịch, thường hay gây sự, đánh anh em vô cớ, khiến nhiều tù nhân bất bình.
Chú và đồng chí Ba Cao tìm cách “trị” tên phản bội này bằng việc khích hắn đấu võ với anh Quân, là tù chính trị. Anh Quân học Thiếu lâm tự, ra đòn song phi khiến hắn văng vào nhà vệ sinh, chấp nhận thua.
Từ đó hắn biết không thể “bắt nạt” anh em được nữa và anh em trong tù bắt đầu ngưỡng mộ chú Ba Thép về tính cách gan lì, dũng khí với địch nhưng sống có tình, có nghĩa với anh em, đã noi theo, không còn trường hợp vì sợ quá mà ra chiêu hồi.
ĐỨNG VÀO HÀNG NGŨ CỦA ĐẢNG
Giam ở khám đường Mỹ Tho gần 5 tháng, khoảng đầu tháng 7-1968, bọn giặc đưa chú cùng nhiều tù nhân khác xuống tàu chuyển về Khám lớn Cần Thơ. Tại đây, chú cùng với nhiều anh em quyết định chống chào cờ, hát vang những bài ca cách mạng…
Đầu tháng 8-1968, bọn giặc tiếp tục đưa chú và nhóm tù nhân chống đối ra nhà tù Phú Quốc. Vừa bước vào khu trại giam, không hiểu sao tên trung úy Nguyễn đến tìm cách gây sự với chú, đá 3 - 4 cái vào bụng, sau đó “bị đòn” tiếp. Khi giao chú cho giám thị, hắn nói: “Thằng này cứng đầu lắm đó”. Nhóm tù nhân bị nhốt vào một căn phòng chỉ khoảng 60 m2.
Thời điểm đó, địch đưa những tên chiêu hồi trà trộn vào để moi thông tin. Chàng thanh niên Ba Thép đề xuất với ông Tư Chè (Đoàn Văn Tư, quê huyện Cái Bè, Bí thư Chi bộ xã Mỹ Thành Bắc, Bí thư Chi bộ nhà giam): “Mình làm thinh hoài sẽ chết, nếu không chết sẽ có anh em chiêu hồi. Bây giờ chỉ còn cách tiêu diệt bọn chiêu hồi”. Ông Tư Chè và ông Quang (Phó Bí thư Chi bộ nhà giam) đồng ý.
Thế là cả nhóm bàn bạc, phân công nhau lên kế hoạch hành động. Nhóm đã thực hiện thành công việc trừ khử những tên Phước (quê tỉnh Long An), Thạch Sanh, Thạch Lan (quê tỉnh Trà Vinh) và hỗ trợ nhóm bạn tiêu diệt 1 tên quê ở tỉnh Cà Mau, tất cả đều không để lại dấu vết.
Suốt 1 tuần sau đó, ngày nào bọn giám thị cũng bắt chú và một số tù nhân mà chúng nghi ngờ ngồi xổm trong thùng phuy, dùng dùi cui, súng nện vào thùng làm đầu đau như búa bổ. Qua mấy ngày bị tra tấn như thế, da thịt anh em đều bị lở loét, nhưng tinh thần vẫn giữ vững.
Lúc đó Đảng ủy nhà lao thành lập rất nhiều chi bộ và hoạt động rất mạnh. Chính thời gian ở Phú Quốc, chú hiểu biết thêm về Đảng, giúp củng cố thêm quan điểm, lập trường, chất “thép” trong chú dần được tôi luyện.
Và đến bây giờ chú không thể quên được ngày 1-1-1969 chú được kết nạp vào Đảng ngay trong nhà tù Phú Quốc. Ngày làm lễ kết nạp, nhiều tù chính trị cùng buồng giam từng chứng kiến tính gan lì, kiên trung trước kẻ thù của chú, đinh ninh chú đã là đảng viên nên tỏ ra bất ngờ.
Lễ kết nạp Đảng tổ chức đơn sơ vào dịp Tết Dương lịch để địch không chú ý, nhưng vẫn cử người canh gác cẩn thận. Chú nhìn vào cờ Đảng nhỏ trong lòng bàn tay (mượn từ chi bộ khác trong nhà tù), đưa tay lên đọc khẽ khàng lời tuyên thệ. Buổi kết nạp Đảng trong lao tù diễn ra nhanh chóng, bí mật nhưng vô cùng thiêng liêng.
Một thời gian sau, chú cùng mấy anh em bị đưa xuống “chuồng cọp”. Tại đây, chú và nhiều tù chính trị khác chịu đựng và chứng kiến nhiều hình thức tra tấn tù nhân hết sức tàn bạo như: Đóng đinh, lộn vỉ sắt, đục răng, đục xương chân, luộc tù trong chảo… Tuy vậy, đồng chí Ba Thép không chào cờ địch, bảo vệ Đảng đến cùng.
Đầu năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, trao đổi tù binh, chú được trao trả về sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị), được đưa ra Bắc an dưỡng rồi được đưa đi học và công tác tại thủ đô. 2 năm sau ngày giải phóng, chú vui mừng gặp lại đông đủ người thân trong gia đình và một số đồng chí, đồng đội.
Về quê nhà, đồng chí Ba Thép tiếp tục phát huy vai trò đảng viên, chăm lo khai khẩn đất nhà, phát triển kinh tế gia đình, vừa tham gia công tác tại địa phương với nhiều chức vụ khác nhau. Sau khi nghỉ hưu vì sức khỏe, chú tiếp tục tham gia sinh hoạt Đảng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại nơi cư trú.
Năm nay, chú Ba Thép gần 80 tuổi, sức khỏe tuy có giảm sút nhưng vẫn còn minh mẫn. Lúc rảnh rỗi, chú đọc lại hồi ký của những người tù ở Côn Đảo, Phú Quốc.
Ký ức kinh hoàng về những năm tháng đau thương nơi “địa ngục trần gian” ấy đêm đêm thường hiện về trong những giấc mơ làm buốt lòng những người còn sống như chú.
Chú ước nguyện được trở lại Phú Quốc một lần vẫn chưa thực hiện được. Những lần nói chuyện với chúng tôi hay với đoàn viên, thanh niên, chú thường nhắc nhở: “Hòa bình hôm nay là xương máu của cha ông, hãy trân trọng!”.
LÊ QUANG HUY
(Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Thép)