Nhớ lời hứa cao tốc và cơn khát của 20 triệu người miền Tây
Cập nhật: 17:22, 15/03/2020 (GMT+7)
Tổng chỉ huy cả nước chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn nhớ lời hứa cao tốc và cơn khát của 20 triệu người miền Tây. Ông khẳng định, trong mọi hoàn cảnh, Chính phủ quan tâm đồng đều, không phân chia nhiều, ít giữa các vùng miền, bởi “tận chân trời mây núi có chia đâu”(*).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tiến độ thi công tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, công trình có chiều dài 51,1 km, tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng, ngày 8-3 tại Tiền Giang. - Ảnh: VGP |
Giữa cao điểm của mùa đại dịch, vào cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian thị sát và làm việc với 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau về hạn hán, xâm nhập mặn và thúc đẩy tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Tháng 3 năm nào cũng vậy, kể từ năm 2016, năm ghi dấu ấn hạn mặn ở miền Tây trở nên khốc liệt nhất trong vòng một trăm năm qua, miền Tây bắt đầu vào cơn khát. Còn nhớ, cũng vào tháng 3 năm 2016, chuyến công tác địa phương đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XII, là tới Long An, Tiền Giang và Bến Tre, là 3 trong số 8 địa phương phải công bố về tình trạng thiên tai do hạn, mặn.
Từ 15 đến 17-3-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến vùng tâm điểm khát này để mang đến tinh thần lạc quan cho người dân với điều mà người đứng đầu Đảng nhất nhất nhắc đến đến trong các cuộc làm việc là, “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và nỗ lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Càng đi vào kinh tế thị trường càng phải chăm lo xây dựng cuộc sống sung túc bền vững cho người dân”
Đó cũng là quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo Thủ tướng, nhiệm vụ của Chính phủ là lo cho dân, còn để dân chịu khổ, chịu khát là Chính phủ chưa tròn trách nhiệm. Chừng nào vẫn có một bộ phận những người dân cơm không đủ no áo không đủ mặc và lao đao mỗi khi gặp phải cảnh thiên tai, hạn hán thì thành tích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm đi nhiều ý nghĩa. Điều hành phát triển kinh tế xã hội được coi là thành công chỉ khi cuộc sống của người dân tốt đẹp, thịnh vượng dài lâu, chứ không phải chỉ là nhất thời qua cơn đói, cơn khát.
Nhiều lần bày tỏ nỗi xót xa vì Đồng bằng sông Cửu Long đã từng có thời kỳ phát triển phồn vinh, với gạo trắng nước trong, ai đã muốn đến thì không muốn về…, Thủ tướng nhìn nhận, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm, nhưng tất cả chỉ vì chúng ta chưa làm hết sức mình để vượt qua thách thức”.
Người đứng đầu Chính phủ luôn khẳng định yếu tố “thuận thiên” trong hành động, phải xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long, phải sống chung và thích nghi. Thuận thiên để đương đầu và vượt qua thách thức. Thuận thiên để đưa miền Tây trở lại thời kỳ trù phù.
Thủ tướng kể lại có người hỏi ông, trong giảm thiểu tai nạn giao thông, đã có một đề xuất rất mới là cầu siêu cho những nạn nhân, vậy trong “đọ sức” với Trời để lo cho dân qua cơn hạn mặn, có cần một việc tương tự thế, chẳng hạn như là cầu mưa?
Và Thủ tướng đã trả lời rằng, người dân Việt Nam với tinh thần tương thân tương ái, dù không ở vùng phải chịu cảnh thiên tai khắc nghiệt, nhưng luôn đồng cảm, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và sát cánh, đồng lòng cùng Chính phủ nỗ lực phát triển đất nước, thì đó cũng giống như đã có được những “đại lễ hội” cầu mưa.
Nhưng miền Tây không chỉ khát nước mà còn “khát” cao tốc. Kỳ họp Quốc hội nhiều lần nóng vì cao tốc cho miền Tây. Như vào tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Giao thông vận tải ngồi ghế nóng trong phiên trả lời chất vấn ở nghị trường kỳ họp thứ 8 vì “món nợ” với giao thông Đồng bằng sông Cửu Long khi nơi này trên bờ thì kẹt xe, dưới sông kẹt tàu rất nghiêm trọng; với gần 20 triệu dân mà đường cao tốc chỉ có 40 km, thua xa các vùng trong cả nước…
Giải cơn khát này, trước mắt đang trông chờ vào dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
Đứng giữa công trường dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận tháng 9 năm ngoái trực tiếp giao vốn tận tay công trình, giải quyết 100% các đề nghị liên quan đến dự án và tháng 3 năm nay, tiếp tục đến tận nơi thị sát, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát “phải làm cho được cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để giữ lời hứa với 20 triệu người dân miền Tây, một lời hứa đã cam kết từ nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện được”.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ trở thành dự án tiếng tăm nhất trong lịch sử làm cao tốc ở Việt Nam khi hội tụ ở đó quá nhiều trạng thái cảm xúc, đã có lúc thất vọng rồi lại bừng lên hy vọng và cũng là dự án được sự chỉ đạo liên tục và trực tiếp từ người đứng đầu Chính phủ.
Trong 10 năm qua, Dự án này trải qua 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng vốn, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành… Vào đầu năm 2019, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đứng trước bờ vực đổ vỡ khi hàng loạt vướng mắc kìm hãm tiến độ triển khai như phương án tài chính bị phá vỡ và nguồn vốn tín dụng chưa được giải ngân…
Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hàng loạt cuộc họp Thường trực Chính phủ thúc đẩy Dự án, đưa ra các chỉ đạo cụ thể cho từng vướng mắc. Đáng chú ý, Chính phủ khẳng định sẵn sàng chi ngân sách nhà nước cho Dự án này.
Kể từ khi tái khởi động công trình vào tháng 3-2019, chỉ sau 3 tháng tăng tốc, Dự án đã hoàn thành được 22%, trong khi cả 10 năm trước đó chỉ thực hiện được 10% và từ đó đến nay đang thực sự hồi sinh. Nếu không nhận được sự giải cứu kịp thời của Thủ tướng thì chắc chắn rằng đến thời điểm này, cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận còn ngốn ngang không biết đến bao giờ mới về đích.
Đây là Dự án mà hàng triệu người dân, doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đã mỏi mòn trong chờ đợi hơn 10 năm qua.
(*) Thơ Tế Hanh.
(Theo chinhphu.vn)