.
ANH HÙNG LLVT NHÂN DÂN NGUYỄN VĂN ĐỪNG:

Người chiến sĩ gang thép của "Tiểu đội gang thép"

Cập nhật: 10:35, 29/04/2020 (GMT+7)
Tượng đài 3 chiến sĩ gang thép.                  Ảnh: TƯ LIỆU
Tượng đài 3 chiến sĩ gang thép. Ảnh: TƯ LIỆU

Về cuộc chiến đấu tại trận Ấp Bắc (ngày 2-1-1963) của Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Nguyễn Văn Đừng và “Tiểu đội gang thép”, nhật ký của Đại đội trưởng Đặng Minh Nhuận (Bảy Đen), người chỉ huy trận Ấp Bắc cho biết: “...

Thấy hỏa lực của ta giảm sút rõ rệt, xe thiết giáp M.113 địch rú lên mong nghiến nát các chiến sĩ. Đừng nhô lên, một trái thủ pháo nổ tung dưới lườn xe, địch lùi lại nhưng với sự yểm trợ như điên cuồng của pháo binh và phi cơ, địch cố liều chết lao tới.

Chiến, tân binh, chĩa thẳng trôm blông vào xe, một trái nổ ngay ở súng máy, hầu hết bọn trên xe đều chết và bị thương, xe bốc khói. Đừng, lại đồng chí Đừng nhô lên, một trái thủ pháo nổ tung trong xe. Đợt tấn công của địch kết thúc. Sau hơn nửa giờ giằng co quyết liệt, Tiểu đội 4 đã anh dũng chịu đựng 4 xe M.113”.

BỘ ĐỘI CHỦ LỰC KHU

Đồng chí Nguyễn Văn Đừng sinh năm 1938 tại xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp trong một gia đình nông dân. Năm 1959, đồng chí gia nhập bộ đội địa phương rồi chủ lực khu.

Trong chiến đấu, đồng chí luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, chấp hành triệt để mệnh lệnh của cấp trên, khi tiến công thì mãnh liệt, chớp nhoáng, khi phòng ngự thì gan góc, kiên cường. Do có thành tích trong chiến đấu, đồng chí được đề bạt làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 chủ lực Quân khu 8 (khu Trung Nam bộ). Tiểu đội 4 do đồng chí chỉ huy là một tiểu đội mạnh, được cấp trên tin tưởng, thường giao cho những nhiệm vụ quan trọng trong tác chiến.

Trong đội hình Đại đội 1, đồng chí tham gia đánh hàng chục trận trên chiến trường Khu 8 và lập được những chiến công oanh liệt. Giữa năm 1962, đồng chí và đơn vị đánh phục kích 1 tiểu đoàn của địch ở huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An). Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, đồng chí đợi địch đến thật gần mới ra lệnh cho toàn tiểu đội nổ súng tiến công, khiến địch bất ngờ, một số tên bị tiêu diệt và hàng ngũ của bọn chúng bị rối loạn.

Nhưng sau đó, do có quân đông và được phi pháo yểm trợ tối đa, địch điên cuồng chống trả quyết liệt. Tình hình chiến sự diễn ra rất căng thẳng. Trước tình huống đó, nhận được lệnh của chỉ huy, đồng chí đã dũng cảm và bí mật dùi sâu vào giữa đội hình của địch, dùng súng trung liên bắn chế áp, tạo điều kiện tốt nhất cho toàn đơn vị xung phong tiêu diệt tiểu đoàn địch.

Cuối năm 1962, đồng chí cùng với đơn vị đánh phục kích địch ở tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Tình huống diễn ra không như dự kiến của ta. Chỉ có đoạn cuối trong đội hình hành quân của địch là lọt vào trận địa mai phục.

Vì thế, bọn đi đầu quay lại tấn công ta rất ác liệt. Với quyết tâm tiêu diệt địch, nhận được mệnh lệnh của Đại đội trưởng Đại đội 1, đồng chí chỉ huy tiểu đội vận động lên đánh vào sườn trái của địch. Bản thân đồng chí dùng súng trung liên dũng cảm lao lên phía trước và đột kích mạnh mẽ vào trung tâm của địch, buộc bọn chúng phải lùi dần vào trận địa đã bày sẵn của ta. Chỉ chờ có thế, toàn đơn vị nổ súng tiêu diệt gần như hoàn toàn quân địch.

THAM GIA ĐÁNH TRẬN ẤP BẮC LỊCH SỬ

Trong quá trình chiến đấu, đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất và là Chiến sĩ thi đua của Quân khu 8. Ngày 5-5-1965, đồng chí được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân giải phóng. Tên đồng chí được đặt tên trường trung học cơ sở ở xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; tên đường ở quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Cuộc đời chiến đấu của đồng chí là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, xứng danh với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần vào sự thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 2-1-1963, đồng chí tham gia đánh trận Ấp Bắc lịch sử. Tiểu đội do đồng chí chỉ huy được bố trí ở hướng phòng ngự chính yếu. Với chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, từ 5 giờ 30 phút, địch mở cuộc càn quét quy mô lớn vào Ấp Bắc (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) nhằm tiêu diệt LLVT của ta đang đóng quân tại đây.

Địch tấn công bộ đội ta bằng thủ đoạn máy bay ném bom và pháo binh bắn dọn bãi, xe thiết giáp M.113 đột kích ở phía trước mặt, máy bay trực thăng đổ quân ở phía sau lưng hòng đẩy quân ta vào giữa hai gọng kìm để tiêu diệt. Thế nhưng, mọi tính toán đen tối của địch đều bị thất bại thảm hại.

Tiểu đội 4 do đồng chí chỉ huy đã kiên cường đánh bật các đợt xung phong vô cùng ác liệt của quân địch, bắn cháy 1 xe M.113, tiêu diệt nhiều lính địch, giữ vững trận địa của ta. Đến 14 giờ 30 phút cùng ngày, địch lại mở một đợt tấn công mới. Lần này, địch cho máy bay ném bom và bắn pháo rất dữ dội, rồi cho 4 chiếc M.113 đồng loạt xông lên, dùng trọng liên bắn xối xả về phía trận địa của ta như muốn nghiền nát các chiến sĩ của Tiểu đội 4.

Trước nguy cơ trận địa có thể bị địch đánh xuyên thủng, đồng chí đã bình tĩnh chỉ huy và động viên các chiến sĩ trong tiểu đội phải kiên quyết bám trụ và giữ vững trận địa, chiến đấu đến cùng. Bản thân đồng chí đã dũng cảm dùng thủ pháo đánh giáp chiến với xe thiết giáp địch.

Kết cuộc, đồng chí và Tiểu đội 4 đã đẩy lùi địch, tiêu diệt 2 xe M.113, bắn bị thương 1 chiếc khác, chiếc còn lại rút chạy, bảo vệ vững chắc trận địa, góp phần làm nên chiến thắng Ấp Bắc vang dội. Tiểu đội 4 được nhân dân nể phục, gọi là “Tiểu đội gang thép”. Tuy nhiên, đồng chí cùng với một số đồng đội khác đã anh dũng hy sinh ngay tại chiến hào.

TUỆ MINH

.
.
.