Trung Quốc "tạo sóng" ở Biển Đông: Đừng mong "đục nước béo cò"!
Cập nhật: 21:25, 16/04/2020 (GMT+7)
Sự ngang ngược, hành động “đục nước béo cò”, lợi dụng đại dịch COVID-19 để tiếp tục thúc đẩy các yêu sách lợi ích trên Biển Đông của Trung Quốc bị Việt Nam và các nước lên án.
Vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi đầu tháng 4-2020 khiến Biển Đông trở thành tâm điểm chú ý của thế giới chưa dứt.
Mới đây tin tức nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đang đi vào Biển Đông một lần nữa khiến cho cộng đồng quốc tế nói chung và dư luận trong nước thêm bất bình vì sư ngang ngược, xem thường chủ quyền các nước cũng như thách thức luật pháp quốc tế.
Tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc - Ảnh: Schottel |
Theo đó, ngày 14-4 vừa qua, Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Marine Traffic -một trang web chuyên theo dõi di chuyển của các tàu thuyền trên thế giới, cho biết, tàu khảo sát Hải Dương 8 xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 158km. Tàu này được hộ tống bởi một nhóm tàu hải cảnh Trung Quốc.
Còn nhớ, năm 2019, tàu Hải Dương 8 đã hiện diện hơn 3 tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đẩy căng thẳng trên biển Đông lên cao.
Việc tàu Hải Dương 8 xuất hiện trở lại sau khi xảy ra vụ tàu công vụ Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa hôm 2-4 vừa qua, vấp phải sự phản ứng không chỉ của Việt Nam mà cả Mỹ và Philippines.
Chưa rõ mục đích của đội tàu khảo sát lần này là gì, nhưng rõ ràng vụ điều tàu khảo sát lần này nằm trong một chuỗi hành động hung hăng của Trung Quốc trong giai đoạn đại dịch.
Về cơ bản, đó là sự ngang ngược, hành động “đục nước béo cò”, lợi dụng đại dịch để tiếp tục thúc đẩy các yêu sách lợi ích trên Biển Đông và thử phản ứng của các nước giữa đại dịch.
Có thể, hiện Trung Quốc đang thấy dịch Covid đang lây lan khắp thế giới, Hoa Kỳ đang phải rối rắm nội bộ cũng như rối rắm trong tình trạng các thủy thủ bị nhiễm COVID-19 trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Nên bắt đầu “nắn gân nắn cốt” xem thử các quốc gia trong khu vực và Hoa Kỳ có động thái nào không.
Quan trọng hơn, Trung Quốc đơn giản muốn chứng tỏ họ sẽ không buông lỏng các yêu sách ở Biển Đông.
Vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam, lẫn các cuộc tập trận và những động thái khác như vận hành các trạm nghiên cứu mới trên đảo nhân tạo đều hoàn toàn được tính toán. Sự trở lại của Hải Dương địa chất 8 cũng là một phần trong kế hoạch đó.
Dĩ nhiên, Trung Quốc chẳng thể thực hiện hành động đó một cách “thuận buồm xuôi gió” vì mưu đồ độc chiếm Biển Đông này không chỉ đã “hằn” lên vết thương chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước bị xâm phạm lợi ích, trong đó có Việt Nam, mà còn bị cộng đồng quốc tế lên án.
Thực tế, Việt Nam đang cùng cả thế giới chống dịch nhưng cũng không bao giờ lơi lỏng bảo vệ chủ quyền.
Liên quan đến vấn đề xâm phạm mới này, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở biển Đông. Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông”.
Hoặc, tại diễn đàn trực tuyến do Hội Nhà báo nước ngoài ở Philippines (Focap) tổ chức hôm 14/4, ông Gregory Poling - Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), chương trình theo dõi tình hình Biển Đông thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), khẳng định: “Mưu đồ của Trung Quốc là kiểm soát khu vực” thông qua hải quân, lực lượng hải cảnh và đội tàu dân quân biển. Ông dự đoán mưu đồ của Trung Quốc sẽ không dừng lại cho đến khi buộc được các chính phủ ở Đông Nam Á phải chấp nhận những thỏa thuận có lợi Bắc Kinh”.
Chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế Grigory Trofimchuk cũng cho rằng: "Biển Đông không chỉ là vấn đề trong quan hệ Việt-Trung, vấn đề của các nước Đông Nam Á, mà còn là một trong những vấn đề quan trọng đối với Liên Hợp Quốc… Hiện nay không có bất cứ cơ chế nào đảm bảo ngăn ngừa một cuộc xung đột toàn cầu khởi đầu từ khu vực này, cộng đồng quốc tế cần sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề Biển Đông”.
Có thể nói, với sức mạnh quân sự hùng hậu, Trung Quốc săn sàng chà đạp lên tất cả, những gì diễn ra trên thực địa đã nói lên tất cả. Còn, Việt Nam trên thực tế thực lực quân sự không bằng họ, nhưng đổi lại là một đất nước anh hùng, dân tộc Việt Nam bất khuất, nhận được sự ủng hộ của quốc tế vì những gì chúng ta đang đấu tranh là chính nghĩa.
Vì thế, những lúc Biển Đông “nóng” như thế này, mỗi người dân chúng ta cần bình tĩnh và khôn ngoan trong cách xử lý vấn đề. Chúng ta hãy tin vào Bộ Quốc phòng, tin vào các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, cũng như tin tưởng vào các cán bộ chiến sĩ của chúng ta đang làm nhiệm vụ ngoài biển đảo.
Với lập trường nhất quán, chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế; với sự ủng hộ của các nước trên thế giới, tin rằng, Việt Nam và các nước sẽ chiến thắng Trung Quốc.
(Theo enternews.vn)