Báo chí là diễn đàn của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X
Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội; là diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí, cổ vũ nhân dân cùng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh trong lần đến chúc mừng Hội Nhà báo và Báo Ấp Bắc. Ảnh: D.S |
Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thật sự là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận; có hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng, của dân tộc và ngày nay báo chí tiếp tục cùng nhân dân tham gia xây dựng, phát triển đất nước.
Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2020) diễn ra đúng vào năm đất nước có nhiều sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng... Trong không khí phấn khởi này, chúng ta cùng nhìn lại những kết quả, cũng như sự trưởng thành của báo chí nói chung và các cơ quan báo chí Tiền Giang nói riêng.
Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin gửi đến các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, những người làm việc trong ngành truyền thông, báo chí lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc các đồng chí sẽ luôn giữ vững ngòi bút của mình để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng; giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp và vững bước trên con đường mà các đồng chí đang đi. |
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và quản lý, điều hành của UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân đã đưa Tiền Giang vượt qua những khó khăn, thử thách, tiếp tục ổn định và phát triển. Xu thế toàn cầu hóa truyền thông, thông tin vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với hoạt động của báo chí.
Báo chí tỉnh nhà đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình và cách làm hay, biểu dương tấm gương người tốt, việc tốt; đưa hình ảnh đất nước, quê hương, con người Tiền Giang thân thiện, hiền hòa, mến khách đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Các nhà báo là những chiến sĩ xung kích, tiền phong trên mặt trận đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội. Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Đặc biệt, báo chí luôn là diễn đàn của người dân, để nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, phản ánh thực tiễn đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Thông qua công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, triển khai có hiệu quả chương trình hành động tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội. Kết quả nổi bật 5 năm qua là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 7,3%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 58,6 triệu đồng, tương đương 2.488 USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng bình quân 11,13%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15,9%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 169,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 38,2% so với tổng GRDP của tỉnh; số doanh nghiệp thành lập mới là 3.340 (tổng số doanh nghiệp hoạt động là 5.664 doanh nghiệp); đến nay có 108 xã nông thôn mới và TP. Mỹ Tho hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉnh có 4 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 71% diện tích; có 200 hợp tác xã đang hoạt động và 125/143 xã có hợp tác xã; bình quân mỗi năm đón trên 2,2 triệu lượt khách du lịch; tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt 100%; tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại đô thị đạt 99%; tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó có trên 90% sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung, 80% dân số nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.
Đạt được kết quả trên, có phần đóng góp tích cực của báo chí tỉnh nhà, đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phản ánh sinh động, phong phú thực tiễn đổi mới của địa phương trên các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, hoạt động của báo chí trong tỉnh cũng có hạn chế nhất định, đó là chưa thực hiện tốt chức năng định hướng dư luận; có lúc có những thông tin thiếu chính xác; khai thác thông tin thiếu chọn lọc; chưa làm tốt công tác phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; chậm đổi mới nội dung và hình thức; tuyên truyền chưa làm chủ được thông tin...
Trong thời gian tới, tình hình thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Xu thế truyền thông đa phương tiện, thông tin đa dịch vụ, thông tin có tính tương tác, cá nhân hóa thông tin... tiếp tục làm ảnh hưởng sâu sắc lối sống và các mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng đến phương thức chỉ đạo, quản lý, trao đổi, xử lý thông tin của các cơ quan, tổ chức.
Thách thức của an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng, an ninh thông tin mạng ngày càng trở thành vấn đề quan trọng đối với mọi quốc gia, dân tộc, từng địa phương, từng cá nhân. Bên cạnh đó, nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân ngày càng phát triển, đa dạng, phong phú hơn; các thế lực thù địch, phản động lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên Internet để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam...
Trong bối cảnh đó, để phát huy có hiệu quả hơn nữa vai trò của báo chí trong sự phát triển của đất nước, của địa phương và để báo chí thật sự là diễn đàn tin cậy của nhân dân, các cấp ủy Đảng, các cơ quan báo chí và những người làm báo cần tập trung tuyên truyền, bám sát định hướng của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thông qua việc thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:
Các cấp ủy Đảng cần nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vai trò to lớn, ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của báo chí, truyền thông đối với xã hội, đối với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển của từng địa phương. Làm tốt công tác định hướng thông tin, cung cấp kịp thời thông tin cho báo chí những vấn đề, sự kiện quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.
Xác định mục tiêu báo chí Việt Nam là báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Báo chí phải là lực lượng xung kích, tiền phong trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên mạng xã hội, Internet.
Thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình địa phương, đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”. Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí.
Các cơ quan quản lý, các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo tỉnh kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực, thông tin thiếu chính xác, xuyên tạc, bóp méo sự thật, “giật tít”; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ người làm báo; quan tâm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ các cơ quan báo chí, người làm báo về điều kiện làm việc, thu nhập, môi trường tác nghiệp nhằm từng bước nâng cao chất lượng, kỹ năng và sự đóng góp của những người làm báo.
Các nhà báo không ngừng rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, xây dựng và rèn luyện bản lĩnh người cầm bút, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; đặc biệt mỗi nhà báo hãy học và noi gương Bác Hồ - một nhà báo lớn về phong cách và đạo đức làm báo; thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng.
Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình; để phục vụ quần chúng”. Mỗi nhà báo hãy thật sự trở thành người chiến sĩ tiền phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng; tham gia tích cực, góp phần vào thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; luôn xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, mục đích của báo chí là “để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”. Mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo, mỗi “bài báo là tờ hịch cách mạng” phải là nơi đi đầu biểu dương cái mới, cái tốt, những nhân tố tích cực và phê phán mạnh mẽ cái sai, cái xấu, những nhân tố tiêu cực; phải phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tích cực đấu tranh, phản biện trước những vấn đề, những hiện tượng tiêu cực làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Các nhà báo lão thành hãy tiếp tục cống hiến, trao truyền kinh nghiệm, nhiệt huyết nghề báo cho đội ngũ làm báo hôm nay. Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn tin tưởng đội ngũ nhà báo tỉnh nhà bằng tình cảm, lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp báo chí cách mạng, với xã hội và nghĩa vụ công dân sẽ tiếp tục giữ vững truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần quan trọng vào sự phát triển quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp.
NGUYỄN VĂN DANH
Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh