.
NHÀ BÁO HỒ VĂN THẠNH:

Người lãnh đạo buổi đầu báo Đảng mang tên Ấp Bắc

Cập nhật: 10:32, 15/06/2020 (GMT+7)

Làm báo trong buổi đầu báo Đảng tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) mang tên Ấp Bắc là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Nói tòa soạn báo, tưởng chừng như có trụ sở, có đủ lực lượng, phương tiện in ấn, mạng lưới phát hành, nhưng thực tế thiếu thốn về mọi mặt. Trách nhiệm của Ban Biên tập báo là làm thế nào để những bài báo được đến với dân, dân đọc dễ hiểu, dễ nhớ. Muốn đạt được tiêu chí đó, Ban Biên tập sửa chữa bài rất kỹ, sửa từng câu, từng chữ, quan tâm cách dùng từ ngữ cho hợp với dân. Kẻ thù cũng phải nể nang khi xem báo cách mạng của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho...

Nhà báo Hồ Văn Thạnh tiếp các phóng viên quốc tế sau ngày giải phóng.
Nhà báo Hồ Văn Thạnh tiếp các phóng viên quốc tế sau ngày giải phóng.

Buổi đầu báo Đảng Tiền Giang mang tên Ấp Bắc, trong Ban Biên tập có các đồng chí Hồ Văn Thạnh, Lâm Quang Định, Trần Văn Mai... là những “cây cổ thụ” của những người làm báo ở tỉnh. Các đồng chí đã nhập tâm vào những bài viết của phóng viên để “thổi hồn” các bài viết đến với dân như ngọn đuốc sống soi đường dẫn lối.

VỀ VIỆC ĐỔI TÊN THÀNH BÁO ẤP BẮC

Sau Chiến thắng Ấp Bắc, hình thành phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, cuộc đấu tranh của quân và dân tỉnh Mỹ Tho phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ cả 3 mặt: Vũ trang, chính trị và binh vận, từ nông thôn đến thành thị, đã dồn quân Mỹ - Diệm lâm vào tình thế bị cô lập, tạo điều kiện để Đảng bộ, quân và dân tỉnh Mỹ Tho phát triển thế tiến công, giành thắng lợi ở khắp chiến trường.

Tờ báo của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho mang tên Ấp Bắc là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và  dân tỉnh nhà. Khung cán bộ của Báo Ấp Bắc ban đầu được Tỉnh ủy phân công đồng chí Nguyễn Văn Trọng phụ trách, đồng chí Hồ Văn Thạnh chủ bút (như Tổng Biên tập ngày nay).

Ban Biên tập có các đồng chí: Hồ Văn Thạnh, Minh Thông, Trần Hưởng, Tuấn Ngọc, Trần Văn Mai, Thái Phong... Bìa, ảnh minh họa, măng sét tờ báo do hoạ sĩ Châu Hồ cùng tổ khắc gỗ thực hiện. Cơ quan của Báo Ấp Bắc lúc này đóng tại xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho.

Lúc bấy giờ, Tỉnh ủy Mỹ Tho đóng ở xóm Mô, xóm Cá (Nhị Bình, Gò Lũy, huyện Châu Thành). Đồng chí Lê Thái Hiệp (Bảy Hiệp), Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách Tuyên huấn - Tổ chức; đồng chí Hồ Văn Thạnh (Tám Thạnh), Trưởng Tiểu ban Thông tấn - Báo chí của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy nêu ý kiến về việc lấy tên Ấp Bắc đặt tên cho báo; tuy nhiên Tỉnh ủy chưa cho ý kiến. Sau đó không lâu, đồng chí Hồ Văn Thạnh tiếp tục đề xuất với đồng chí Huỳnh Văn Niềm (Ba Niềm) về việc đặt (đổi) tên cho tờ báo thành Báo Ấp Bắc. Đồng chí Huỳnh Văn Niềm trao đổi với đồng chí Lê Thái Hiệp về việc đổi tên tờ báo. Tháng 3-1963, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận ý kiến đề xuất của đồng chí Hồ Văn Thạnh về việc đổi tên tờ Thông tin Mỹ Tho thành Báo Ấp Bắc, trực thuộc Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho.

Bộ máy của Tiểu ban Thông tấn - Báo chí được Tỉnh ủy chỉ định gồm các đồng chí: Hồ Văn Thạnh, Trưởng Tiểu ban; cùng các đồng chí Tám Chí, Ba Hoai, Lê Phan, Tuấn Ngọc, Vân Lam... Đội ngũ làm báo mặc dù chưa được đào tạo chuyên sâu nhưng kỹ năng viết tin, bài, được rèn luyện trong thực tiễn, được các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn và Tiểu ban Thông tấn - Báo chí hướng dẫn, trang bị kiến thức chuyên môn, đảm bảo cho những đợt ra quân xuống các địa phương và những nơi trọng điểm ở các chiến trường để viết tin, bài cho Báo Ấp Bắc.

Năm 1965, Tòa soạn Báo Ấp Bắc xuất bản số báo thứ 24. Trong thời gian này, đồng chí Hồ Văn Thạnh, Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho được giao nhiệm vụ Trưởng Tiểu ban Thông tấn - Báo chí. Với trách nhiệm này, đồng chí vừa là người làm báo, vừa làm chủ bút, vừa tổ chức cho phóng viên và kêu gọi cộng tác viên viết tin, bài; phân công phóng viên bám chiến trường, thâm nhập các đơn vị bộ đội, du kích, đến các vùng ven Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A), vành đai Bình Đức, thị xã, thị trấn để săn tin, chụp ảnh, viết bài; cùng Ban Biên tập và nhà in luôn tạo mọi điều kiện để Báo Ấp Bắc xuất bản đúng kỳ.

Trong chiến dịch mùa khô năm 1974, đồng chí Hồ Văn Thạnh họp bàn với những người làm báo: “Vào chiến dịch này, phải ra cho được Báo Ấp Bắc số đặc biệt khi mở màn chiến dịch, để vừa phát huy khí thế của cuộc tấn công nổi dậy, vừa gây hoang mang, dao động trong hàng ngũ địch”. Từ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Thạnh, bên cạnh lực lượng của Báo Ấp Bắc, còn có sự cộng tác của các anh em làm báo, văn nghệ, nhiếp ảnh, quay phim của Khu 8.

Trong chiến dịch mùa khô năm 1974, giới làm báo rất băn khoăn: Làm sao khi kết thúc trận tấn công phải chuyển cho được những tin, bài, hình ảnh về Báo Ấp Bắc để được duyệt, lên khuôn in và phát hành đúng theo yêu cầu? Chiến thắng Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) là trận mở màn của chiến dịch vừa giành được, các phóng viên trở về căn cứ Báo Ấp Bắc giữa lúc chiến trường Mỹ Tho đi vào cao điểm của những trận đánh công đồn, đả viện của quân và dân ta. Ban Biên tập Báo Ấp Bắc nhận được bài ký “Từ mặt trận Vĩnh Kim” của tác giả Tiền Phong và một loạt tin chiến thắng của các phóng viên Báo Ấp Bắc từ chiến trường gửi về đã khẩn trương duyệt, lên khuôn; nhân viên nhà in cố gắng thức in trong đêm để sáng kịp phát hành đến trạm giao liên. Các trạm giao liên khi nhận Báo Ấp Bắc, dù khó khăn cách mấy cũng phải chuyển đi đến nơi cho kịp thời. Đồng bào ở vùng địch tạm chiếm đã chuyền tay nhau xem tờ Báo Ấp Bắc để biết tin chiến sự, biết tình hình khắp nơi và hỗ trợ cho cách mạng lúc khó khăn.

KÝ ỨC ĐẸP TỪ NHỮNG ĐỒNG NGHIỆP

Khi còn sống, cố nhà báo Trần Bửu đã có những dòng ký ức rất sâu đậm đối với người chỉ huy “đàn anh” của mình: “Ngày 2-1-1963, trận Ấp Bắc nổ ra, từ Hưng Thạnh, chúng tôi có thể thấy máy bay địch hoạt động ở vùng trời Ấp Bắc, nhất là về xế chiều, khi máy bay địch đổ quân nhảy dù tiếp ứng cho bọn “nhảy dò” bằng trực thăng lúc sáng đã bị ta đánh cho tơi tả. Lập tức, chúng tôi được lệnh của Ban chuẩn bị đến trận địa thâm nhập thực tế lấy tin, ảnh, viết bài, vẽ tranh… ra báo, đặc san. Sẩm tối, chúng tôi lên đường. Đoàn gồm 2 tiểu ban, do đồng chí Tám Thạnh dẫn đầu… Chiến thắng Ấp Bắc là kho đề tài phong phú cho chúng tôi, được đồng chí Tám Thạnh gợi ý, chỉ đạo từng người trong đoàn khai thác, sưu tầm sự kiện, tư liệu để viết tin, viết bài… Đồng chí Tám Thạnh đã có bài chính luận rất đanh thép, sắc sảo về Chiến thắng Ấp Bắc với bút danh Thành Chương trên tờ Thông tin Mỹ Tho.

…Có lần, tại xóm Đất Sét, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tôi đến làm việc với đồng chí Tám Thạnh, chưa kịp ra về thì bất ngờ trực thăng đến đổ quân Mỹ ngoài đồng. Tôi phải theo đồng chí xuống hầm bí mật. Đồng chí rất bình tĩnh khi đối phó đề phòng quân Mỹ. Chúng tôi xuống hầm được một lúc, nghe tiếng lính Mỹ xí xô xí xào rồi im bặt. Nhìn lỗ thông hơi thấy trời sắp tối, tôi ra dấu muốn dỡ nắp hầm chui lên, nhưng đồng chí đã ngăn lại. Một lúc sau, bỗng nghe tiếng lính Mỹ rất gần miệng hầm la lên, rồi tiếp theo những tiếng la dây chuyền và tiếng giày, tiếng khua binh khí xa dần. Hú hồn! May mà có đồng chí Tám Thạnh, chứ không chúng tôi đã nộp mạng cho quân Mỹ rồi…”.

Trong ký ức của cố nhà báo Minh Thông đã viết những dòng viết kính trọng, thân thương dành cho đồng chí Hồ Văn Thạnh - người chú, người anh của mình: “Trong lãnh đạo, chú rất khiêm tốn, hòa nhã, xem anh em như ruột thịt một nhà, giúp đỡ nhau, buồn vui chú luôn động viên, chia sẻ. Lúc khó khăn, chú cùng anh em cắt lúa mướn để tự túc… Mỗi khi nghe anh em hy sinh, chú buồn, chú khóc. Ngày anh Trần Hưởng hy sinh, chú khóc và động viên anh em cố gắng làm việc hết mình để trả thù cho đồng đội, đồng chí của mình.

Ý thức cần cù, giản dị, kiên nhẫn vượt qua khó khăn của chú đã làm cho anh em kính nể, bà con trong vùng giải phóng thương mến. Những ngày địch đánh phá ác liệt, ngày bom, đêm pháo, chú cùng anh em vô trảng xê hoặc mắc võng bên công sự viết báo để kịp in ấn, phát hành nhanh xuống chiến trường, phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân. Chú thường căn dặn anh em phóng viên viết câu chữ sao cho giản dị, ngắn gọn, chân thật mà chính xác để người đọc, người nghe dễ hiểu, dễ nhớ mới có tác dụng trong công tác tuyên truyền….

Đồng chí Hồ Văn Thạnh là một trong những cây bút bản lĩnh, có tầm cỡ, là một nhà báo lão thành cách mạng đã có công xây dựng, đóng góp công sức của mình cho nền báo chí tỉnh nhà và được Hội Nhà báo Việt Nam tặng thưởng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”. Ngày 18-5-2010, sau cơn bạo bệnh, đồng chí đã ra đi trong sự tiếc thương của đồng chí, đồng nghiệp và gia đình.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.