.

Nhớ mãi một thời làm báo trong kháng chiến

Cập nhật: 13:45, 11/06/2020 (GMT+7)

Báo chí cách mạng tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang ra đời rất sớm. Sau khi tổ chức “Việt Nam Cách mạng Thanh niên” ra đời, sau đó thành lập tổ chức Đảng và vào những năm 1930 - 1931 Đảng bộ tỉnh cho xuất bản tờ báo đầu tiên mang tên “Dân cày”. Tiếp theo, do yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cách mạng từng thời kỳ, tờ báo được đổi tên cho phù hợp, như “Nông dân” (năm 1932), “Chiến đấu” (năm 1946), “Liên Việt” (năm 1947), “Tranh đấu” (năm 1958), sau đó được đổi tên “Thông tin Mỹ Tho” và “Chiến đấu” (năm 1960), tiếp theo là “Giải phóng”. Sau Chiến thắng Ấp Bắc (ngày 2-1-1963), tờ báo được mang tên “Ấp Bắc” cho đến ngày nay.

Các bìa Báo Xuân của Báo Ấp Bắc trong kháng chiến chống Mỹ.
Các bìa Báo Xuân của Báo Ấp Bắc trong kháng chiến chống Mỹ.

Nhiều lần địch đánh phá ác liệt, tòa soạn phải di dời nhiều nơi. Khi đến căn cứ mới, trụ sở tòa soạn được xây dựng trong cái lán nhỏ ở căn cứ, các phóng viên, họa sĩ, điêu khắc, ban biên tập phải tác nghiệp trong điều kiện rất vất vả, có khi viết bài trên võng, trên sạp cây hoặc lấy thùng đạn kê làm bàn..., nhưng với lòng yêu nghề, đã thực hiện nhiều bài báo có giá trị.

LẤY MANH ĐỆM TRẢI DƯỚI GỐC TRÂM BẦU BÀN VIỆC VIẾT BÁO

Mặc dù làm báo trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhưng cán bộ, phóng viên, biên tập viên đã không ngại gian khổ, hy sinh, đi sát thực tế để có những bài báo sinh động, để các số báo của Đảng bộ tỉnh phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, cả nội dung lẫn hình thức. Tuy phương tiện in còn thiếu thốn, nhưng công nhân in luôn cố gắng bằng mọi cách để in cho kịp phát hành. Có những lúc tờ báo chuẩn bị lên khuôn, giặc càn, máy móc, bài vở bị bắn phá hư hỏng, người phụ trách nội dung phải làm lại từ đầu, nhưng những người làm báo không nản lòng, ngày đêm miệt mài để báo xuất bản kịp thời. Những người làm báo thường xuyên đối mặt với những cuộc càn quét, đánh phá của địch, đêm thì bom pháo dội xuống bất kể lúc nào. Có những lúc đi chiến trường nắm được thông tin, về vô trảng xê hoặc mắc võng bên công sự viết để kịp đưa tin. Có những trường hợp phóng viên theo bộ đội ra chiến trường viết tin, chưa kịp gửi về đã hy sinh...

Cuối năm 1967, Tiểu ban Thông tấn - Báo chí đặt tại khu vực xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, bị giặc càn quét ác liệt. Nhà in Huỳnh Văn Sâm từ rừng Hưng Thạnh, huyện Châu Thành Bắc chuyển về kinh Chuối; còn bộ phận văn phòng Tiểu ban Thông tấn - Báo chí, trong đó có cả tổ khắc gỗ, họa sĩ thì đóng ở ngã tư Cây Vừng, xã Hậu Mỹ Bắc. Nhà in Huỳnh Văn Sâm tập trung chuẩn bị làm Báo Ấp Bắc Xuân Mậu Thân năm 1968... Việc cung cấp nguyên, vật liệu cho nhà in rất khó khăn, nhưng nhờ tổ chức tốt nên tổ tiếp liệu đã qua mặt sự kiểm soát gắt gao của địch. Căn cứ đóng quân ở đâu là lãnh đạo nhà in xây dựng cơ sở tiếp nguyên, vật liệu đến đó…

 

Làm báo trong kháng chiến rất gian nan, vất vả. Hằng năm, cứ gần tết, địch thường tập trung càn quét, đánh phá rất ác liệt, nhất là vùng giải phóng, vùng tranh chấp, vùng ven và vùng căn cứ cách mạng. Lực lượng làm báo trong những ngày chiến đấu ác liệt đó phải ngồi viết trong hầm hoặc trên công sự để tránh đạn, nhưng các đồng chí từ lãnh đạo đến phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, nhân viên nhà in đều hạ quyết tâm phấn đấu để báo xuân kịp phát hành trước tết. Báo xuân đến tay bộ đội, chiến sĩ, du kích, đồng bào vùng giải phóng, vùng ven, vùng bị địch kìm kẹp là món quà tinh thần quý giá. Bởi báo là cầu nối, là nguồn cổ vũ lớn lao, làm tăng thêm lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, với cách mạng.

Vào mùa nước nổi, xây dựng công sự khó khăn, để bảo toàn lực lượng, có lúc phải phân tán, né địch đánh điểm, những người làm báo phải thức dậy sớm, nấu ăn xong còn gói cơm theo, bơi xuồng vào lung Cá Trê trước 4 giờ sáng. Xuồng phải giấu kín trong các chòi dân bỏ trống giữa đồng nước, giữa đồng lúa Trường Hưng mênh mông để tránh địch phát hiện. Ngày nào cũng vậy, đến chiều tối mới bơi xuồng về căn cứ. Dù vậy, báo vẫn xuất bản, nội dung tin, bài luôn bám sát chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đảm bảo phục vụ cho công tác tuyên truyền của Đảng bộ.

Năm 1968, các cơ quan của Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho dời về căn cứ Tân Hòa Đông (huyện Châu Thành) và cơ quan báo cũng dời về đóng ở gần đó. Để đảm bảo tờ báo hoạt động liên tục, các đồng chí Hồ Văn Thạnh, Thái Phong, Võ Phát Thưởng che 3 tấm nhựa dưới lùm đưng để làm việc. Hơn 1 tháng sau, cơ quan tỉnh có lệnh dời ra khu vực Ấp Bắc - Nhị Bình thuộc huyện Châu Thành. Cơ quan báo cũng dời theo. Ở căn cứ mới, để tờ báo của Đảng bộ hoạt động đều đặn, Ban Biên tập phân công các biên tập viên phụ trách các chuyên mục: Xã luận, tin vắn, tổng hợp, mẩu chuyện, phóng sự, tường thuật, trang văn nghệ, thơ, truyện ngắn, tranh...; các đồng chí trong tòa soạn lấy manh đệm trải dưới gốc trâm bầu, ngồi quây quần bàn việc viết bài cho báo.

Cuối năm 1969, do địch càn quét, đánh phá ác liệt, đa số phóng viên của Tòa soạn Báo Ấp Bắc đi tác nghiệp đã anh dũng hy sinh: Vân Lam, Tuấn Ngọc, Trần Hưởng, Trần Thọ, họa sĩ Châu Hồ… ở các chiến trường Gò Công, Cái Bè và Cai Lậy. Nhà in Huỳnh Văn Sâm thường xuyên phải đối phó với những cuộc càn quét, bắn phá của địch. Việc cung cấp giấy, mực in, máy đánh chữ, giấy sáp... là vấn đề khó khăn vì địch kiểm soát gắt gao, nếu mua được phải vượt qua hàng rào kiểm soát của mật báo, chỉ điểm và số lượng cũng rất ít. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy bằng mọi cách tờ Ấp Bắc Xuân năm 1970 phải ra mắt và đến tận tay nhân dân trước Tết Nguyên đán.

Báo Ấp Bắc Xuân Canh Tuất 1970 được in giấy sáp, bìa 3 màu, phát hành hơn 1.000 tờ. Để có được tờ báo xuân, trong đó có công lao của đồng chí Lê Anh Vui (Ba Vui) ngày đêm ngồi trong hầm chống pháo để đánh máy từng trang. Bộ phận in sáp cũng làm việc trong hầm, dưới làn pháo của địch. Tranh bìa và tranh minh họa tờ báo đều khắc bằng gỗ, nét chữ đẹp, sắc sảo. Người viết báo, in báo cũng là người phát hành báo. Báo được chở đi bằng xuồng, thường là đi ban đêm, ít đi ban ngày vì sợ lộ bí mật nơi in báo. Trạm giao liên cách nhà in chừng 30 cây số. Đến trạm giao liên, báo tiếp tục có mặt trên khắp các chiến trường trong tỉnh.

Đầu năm 1970, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị, có Tỉnh đội, các địa phương và cơ sở dự. Tiểu ban Thông tấn - Báo chí  được phân công mang báo Xuân đến trao tận tay các đồng chí đại biểu, các đồng chí rất mừng khi nhận được Báo Xuân Ấp Bắc - một trong những bằng chứng về sự tồn tại vững vàng của cách mạng. Thông qua các đồng chí đại biểu, trong vài đêm vượt lộ, qua đồn bót, Báo Ấp Bắc được về tới Gò Công, Hòa Đồng, Chợ Gạo, Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, TP. Mỹ Tho, vào các trường học, các thị trấn qua nòng cốt binh vận đến các vùng địch tạm chiếm.

TỜ BÁO KHÔNG CÓ SỐ PHÁT HÀNH

Giữa năm 1971, các đồng chí trong Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Gò Công nhận thấy tờ Văn nghệ chỉ đăng các thể loại văn học - nghệ thuật, không chuyển tải được nội dung tuyên truyền, vận động quần chúng tấn công địch, nên đã đề nghị với Tỉnh ủy Gò Công cho xuất bản tờ báo của tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Thắng (Ba Gạo) chỉ đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy viết văn bản đề nghị, trong đó nói rõ mục đích, yêu cầu, tên tờ báo, ban biên tập, lực lượng cộng tác viên (lúc này Gò Công không có phóng viên chuyên nghiệp), định kỳ ra báo và số lượng phát hành.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy giao nhiệm vụ ở lại căn cứ Văn phòng Tỉnh ủy để viết văn bản đề nghị. Tờ báo “Bất Khuất” của Đảng bộ Gò Công được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phê duyệt. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy quyết tâm ra số đầu vào dịp tết - Xuân năm 1972.

Để có nội dung tờ báo, được sự hỗ trợ của Văn phòng Tỉnh ủy Gò Công, trực tiếp là đồng chí Phan Minh Quang, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy thông báo các nơi, nhờ đó tin, bài được gửi về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy khá nhiều. Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng được phân công phụ trách tờ báo, vừa sửa bài, vừa viết xã luận, vừa làm ma-két… Sau đó, Ban Tuyên huấn bổ sung các đồng chí phóng viên của Báo Ấp Bắc tỉnh Mỹ Tho tăng cường xuống Gò Công: Lê Tuyết Hồng (Tư Hồng), Nguyễn Việt Ánh (Ba Ánh) phụ giúp đồng chí Quốc Hùng để hình thức và nội dung của tờ báo được phong phú, sinh động, hấp dẫn hơn.

Việc xuất bản tờ báo trong điều kiện Gò Công đang gặp khó khăn về nơi ăn, ở, làm việc, tài chính, in, phát hành... Ngay cả việc mua giấy, mực cũng rất vất vả. Giấy in báo mua mỗi lần chỉ được 5 - 10 ký, nếu không có giấy báo thì mua giấy gạch ca rô khổ 22 x 33 cm để in. Mực in thì mua từng ống, mỗi ống 0,5 kg. Nhiều khi không mua được, phải tự chế bằng mỡ bò trộn với khói đèn để làm mực… Khoảng tháng 10-1971, tin, bài đã hoàn tất, Ban Tuyên huấn thống nhất cho ra số đầu của tờ “Bất Khuất” tỉnh Gò Công 16 trang. Đầu tháng 11-1971 bắt đầu in và chỉ có màu đen, thấy không hấp dẫn, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng nhờ đồng chí Bùi Xuân Chỉnh ở cơ quan tài chính của tỉnh đến vẽ thêm cành mai, chim, bướm, hoa lá... bằng màu mực của học sinh để tờ báo hấp dẫn hơn.

Mọi việc xong xuôi, chỉ còn chờ phát hành vào trước Tết Nguyên Đán năm 1972, nhưng bị trận càn lớn của địch, phải bỏ vào lu chôn cất. Địch bắn xối xả bom pháo vào địa hình, các lu chứa báo, tài liệu của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Gò Công có một số bị bể, nước, bùn, đất trộn lẫn, báo và tài liệu bị hư rách, không còn nhận dạng được. Một số lu khác mất cả báo lẫn lu. Cầm những mảnh báo vỡ vụn trên tay không ai nói nên lời. Tờ báo “Bất Khuất” của Đảng bộ tỉnh Gò Công xuất bản số đầu và cũng là số cuối cùng không phát hành được.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.