.

Cai Lậy xây dựng huyện nông thôn mới phát triển nhanh và bền vững

Cập nhật: 08:13, 23/07/2020 (GMT+7)

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện Cai Lậy, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đạt được những thành quả quan trọng, các mục tiêu chủ yếu đều đạt và vượt. Trong các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong lãnh đạo phát triển huyện thời gian qua, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các khâu đột phá để phát triển huyện trong 5 năm tới.

Tập trung xây dựng các công trình trọng điểm để phát triển đô thị Bình Phú bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung, tiến tới thành lập thị trấn Bình Phú vào cuối năm 2020 nhằm tạo động lực phát triển, tạo lòng tin và sự hài lòng trong nhân dân.															      Ảnh: TRẦN LIÊM
Tập trung xây dựng các công trình trọng điểm để phát triển đô thị Bình Phú bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung, tiến tới thành lập thị trấn Bình Phú vào cuối năm 2020 nhằm tạo động lực phát triển, tạo lòng tin và sự hài lòng trong nhân dân. Ảnh: TRẦN LIÊM

THẲNG THẮN NHÌN NHẬN HẠN CHẾ

Những nỗ lực và quyết tâm của tập thể Đảng bộ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trong nhiệm kỳ qua đã đem đến sự phát triển lớn của huyện. Tuy nhiên, trong phát triển, huyện Cai Lậy vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trong đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu tính bền vững. Hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa có chuyển biến lớn về quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, thị trường đầu ra; các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã hiệu quả còn thấp; việc phát triển chăn nuôi trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa đạt mục tiêu.

Huy động vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đầu tư xây dựng ở các xã chuẩn bị công nhận xã nông thôn mới; hạ tầng giao thông, thủy lợi ở một số xã còn yếu, chưa bảo đảm yêu cầu chủ động cho công tác phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Các chỉ tiêu chủ yếu phát triển huyện Cai Lậy giai đoạn 2020 - 2025

- Tổng giá trị sản xuất đến năm 2025 (giá so sánh 2010) trên 18.554 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 8,41%/năm.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 15.875 tỷ đồng.

- Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương trên 520 tỷ đồng.

- Thu nhập bình quân đầu người năm 2025 là 81,5 triệu đồng/năm.

- Dân số trung bình đến năm 2025 là 201.210 người.

- Số lao động được tạo việc làm 5 năm (giai đoạn 2020 - 2025) là 7.705 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 1.541 lao động.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo vào năm 2025 là 35%.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,05% vào năm 2025 (theo chuẩn giai đoạn 2021 - 2025).

- Có 100% xã đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới vào năm 2021 và đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2022.

- Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng xã Long Trung đạt tiêu chí đô thị loại V; nâng chất hoàn thành tất cả các tiêu chí đô thị loại V của thị trấn Bình Phú, hướng tới xây dựng các tiêu chí đô thị loại IV, xứng tầm là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện.

- Số giường bệnh/10.000 dân đạt 5,75 giường; tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân đạt 3,77 bác sĩ; 93% người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt; có 100% xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về Y tế; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 9%.

- Đến năm 2025, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi: Nhà trẻ: 10%, Mẫu giáo: 80%, Tiểu học: 100%, THCS: 99%.

- Đến năm 2025, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non: 100%, Tiểu học: 100% , THCS: 70%, THPT: 100%.

- Đến năm 2025, có 100% dân số nông thôn có nước sạch sử dụng từ công trình cung cấp nước sạch tập trung; có 95% chất thải rắn được thu gom, xử lý; có 92% cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Kết nạp 400 đảng viên mới; tỷ lệ đảng viên “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên 98%; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên 85%.

Tình hình vi phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp; khiếu kiện và tranh chấp trong nhân dân còn xảy ra. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, nhất là quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, trật tự xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo... Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một số nơi còn hình thức, thực hiện quy ước ở ấp kém hiệu quả. Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành viên chậm đổi mới, chất lượng hoạt động còn hạn chế, duy trì phong trào thi đua chưa thường xuyên; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tập hợp đoàn viên, hội viên nhiều nơi sức thuyết phục chưa cao và công tác xây dựng lực lượng nòng cốt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Trình độ, năng lực lãnh đạo, điều hành của một vài cấp ủy chưa ngang tầm nhiệm vụ. Nhận thức của một số cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là ở cơ sở về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa sâu. Một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chưa thể hiện được vai trò nêu gương.

Mặc dù kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, không đồng đều giữa các vùng; kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng lại chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu (triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn…); giá cả nông sản ở mức thấp và luôn biến động; tình hình dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Tình hình ô nhiễm môi trường; vi phạm trật tự an toàn xã hội; mặt trái của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên… sẽ tác động trực tiếp đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và việc xây dựng hệ thống chính trị của huyện trong thời gian tới.

THỰC HIỆN MỤC TIÊU TỔNG  QUÁT VỚI 3 KHÂU ĐỘT PHÁ

Mục tiêu tổng quát trong phát triển huyện Cai Lậy 5 năm tới được Đảng bộ huyện xác định là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Phát triển kinh tế nhanh, đồng bộ, bền vững. Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt chuẩn huyện nông thôn mới và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu; xây dựng thị trấn Bình Phú cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại IV, xứng tầm là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện. Phát triển văn hóa - xã hội hài hòa, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nâng cao chất lượng hoạt động hành chính gắn với đổi mới phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; chuẩn hóa và nâng cao năng lực thực tiễn, tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Để đạt mục tiêu tổng quát đã đề ra, Đảng bộ huyện xác định 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đó là, đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng tiêu chí huyện nông thôn mới, bảo đảm ứng phó với triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn và thích nghi với biến đổi khí hậu theo hướng bền vững. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với đổi mới, sáng tạo trong hoạt động hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, gắn bó, phục vụ nhân dân. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội, nòng cốt chính trị tạo sự đồng thuận của nhân dân, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tập trung thực hiện trong 5 năm tới. Trong đó, về nông nghiệp và phát triển nông thôn, sẽ lãnh đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với đặc điểm tình hình của huyện. Thực hiện Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao định hướng đến năm 2025 ở 6 xã phía Bắc Quốc lộ 1 của huyện; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường; ổn định vùng chuyên canh cây sầu riêng, khai thác có hiệu quả và phát triển nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”, áp dụng quy trình quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ; thực hiện cơ chế sản xuất theo vùng để tạo ra số lượng lớn sản phẩm hàng hóa có giá trị, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; phát triển ổn định các loại hình kinh tế vườn. Ổn định nuôi thủy sản thâm canh (ven sông Tiền) và thủy sản mương, ao (khu vực kinh tế vườn) theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng, gắn kết chặt chẽ vùng nuôi thủy sản chuyên canh với doanh nghiệp chế biến.

Thực hiện xây dựng hoàn thành 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021, xây dựng và được công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2022; tiếp tục đẩy mạnh củng cố, nâng chất xã nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các hạ tầng thiết yếu như hệ thống cầu, đường, cống đập, công trình thủy lợi nội đồng… đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đời sống, hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng các công trình giao thông, thủy lợi bảo đảm ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, phòng chống có hiệu quả bão, lũ, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cai Lậy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Lập quy hoạch chung đô thị Long Trung, Mỹ Thành Nam, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng xã Long Trung đạt tiêu chí đô thị loại V. Trong đó, tập trung các công trình trọng điểm để phát triển đô thị Bình Phú bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt, đúng lộ trình, nhằm nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững, xứng tầm là trung tâm của huyện.

Đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ gắn kết với quá trình hình thành, phát triển hạ tầng đô thị Bình Phú, khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chỉnh trang, khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị, các chuỗi hoàn thiện khu, tuyến thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng tự chọn... Huy động nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch trên địa bàn huyện, tập trung tại các xã Tân Phong, Ngũ Hiệp. Qua đó thúc đẩy sự phát triển của du lịch sinh thái, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã; phát triển hợp tác xã theo yêu cầu xây dựng xã nông thôn mới.

Quan tâm phát triển văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin và truyền thông; chăm sóc sức khỏe nhân dân. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; làm tốt công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng. Tập trung huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt pháp luật lao động, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.

Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có đủ trình độ và năng lực thực tiễn gắn với bảo đảm tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; tăng cường sự phối hợp chức năng giữa các cơ quan có liên quan trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng.

THỦY HÀ

.
.
.