.
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỮU THỌ (10-7-1910 - 10-7-2020)

Nhà lãnh đạo suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Cập nhật: 13:52, 10/07/2020 (GMT+7)

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là người tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là một nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương sáng về đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, một trí thức cả đời hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không sa ngã trước tiền tài, danh vọng.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bí danh là Ba Nghĩa, sinh ngày 10-7-1910 trong một gia đình công chức trung lưu tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An).

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam duyệt đơn vị Quân Giải phóng.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam duyệt đơn vị Quân Giải phóng.

LUẬT SƯ ĐƯỢC ĐÀO TẠO BÀI BẢN TẠI PHÁP

Năm 1921, ông được gia đình cho sang Pháp du học. Sau 7 năm học tại Trường Trung học Mignet, ông được nhận vào học khoa Luật, Trường Đại học Luật khoa và Văn khoa Aixen Provence. Ngày 5-9-1932, ông tốt nghiệp cử nhân luật với tấm bằng hạng Ưu. Tháng 5-1933, ông rời nước Pháp trở về quê hương, làm luật sư tập sự, rồi trở thành luật sư chính thức. Từ năm 1939, ông thành lập văn phòng luật sư riêng ở Mỹ Tho, sau đó ở Vĩnh Long, Cần Thơ, rồi Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trực tiếp chứng kiến Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 và sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, cùng những phiên tòa do thực dân Pháp dựng lên để buộc tội các cán bộ, chiến sĩ khởi nghĩa, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cảm phục tinh thần bất khuất vì lý tưởng cao cả của các chiến sĩ cộng sản, xót thương đồng bào, thấy rõ bản chất đen tối, tàn bạo của chính quyền thực dân. Con đường đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến với cách mạng bắt đầu từ đó.

Sau khi thống nhất đất nước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam (tháng 6-1976), Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (tháng 4-1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (tháng 7-1981).

Tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận, họp từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác…

Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thường xuyên giữ mối liên lạc và bí mật tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức.

Nhận lời mời của Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, Luật sư ra thăm chiến khu Đồng Tháp Mười, được gặp gỡ những người kháng chiến và chứng kiến sự hy sinh anh dũng của họ. Sự kiện này đã làm thay đổi căn bản nhận thức của Luật sư, thôi thúc ông quyết dấn thân theo con đường cách mạng.

Mặc dù rất muốn được chiến đấu ở bưng biền, nhưng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã chấp hành sự phân công của tổ chức là hoạt động công khai giữa Sài Gòn. Năm 1947, đồng chí từ Vĩnh Long lên Sài Gòn mở văn phòng luật sư và hoạt động trong Ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1948, ông lên chiến khu hoạt động theo lời mời của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, với mong muốn được trực tiếp chiến đấu ở bưng biền. Song với ý thức chấp hành kỷ luật cao, ông đã trở lại Sài Gòn hoạt động công khai theo sự phân công của tổ chức.

Lấy tòa án làm chiến trường, với tài hùng biện xuất chúng và am hiểu sâu sắc luật pháp nước Pháp cũng như luật pháp xứ thuộc địa, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã biện hộ thành công cho nhiều đồng bào, đồng chí của mình chẳng may sa vào tay giặc; đồng thời, tố cáo trước dư luận trong nước và thế giới cuộc chiến tranh xâm lược dã man cũng như chế độ cai trị thuộc địa tàn bạo của thực dân Pháp.

Năm 1949, được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà trí thức yêu nước Nguyễn Hữu Thọ. Năm 1950, đồng chí được tổ chức phân công tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Đây là cuộc biểu tình chống Mỹ đầu tiên ở nước ta. Những người biểu tình giương cao cờ đỏ sao vàng, đốt xe Mỹ, xé cờ Mỹ. Khí thế đấu tranh sôi sục của cả nửa triệu dân thành phố đã buộc 2 tàu chiến của Mỹ rút khỏi cảng Sài Gòn, ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Lo sợ trước ảnh hưởng to lớn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đối với nhân sĩ, trí thức và nhân dân Sài Gòn - Gia Định nói riêng, Nam bộ nói chung, thực dân Pháp đã bắt và đày đồng chí ra Bắc, quản thúc tại bản Giẳng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; sau đó, khi Quân đội nhân dân Việt Nam giải phóng Tây Bắc, đồng chí bị chúng đưa về giam tại Sơn Tây. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của Đoàn Luật sư và các nhân sĩ, trí thức có tên tuổi ở Sài Gòn - Gia Định, tháng 11-1952 đồng chí được trả tự do và trở về Sài Gòn, mở lại văn phòng luật sư và tiếp tục chiến đấu với kẻ thù ngay tại sào huyệt của chúng…

Tháng 2-1962, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở Đại hội lần thứ Nhất. Tại Đại hội, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Đến tháng 3-1964, Đại hội lần thứ Hai Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bầu đồng chí làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

HỌC TRÒ GIỎI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Mặc dù chưa một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn khẳng định điều may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình là được đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Chính đạo đức, lý tưởng cao đẹp, cuộc đời vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ánh sáng và động lực thu phục Luật sư đến với cách mạng và dẫn dắt Luật sư trong suốt cuộc đời hoạt động của mình.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ xứng đáng là một học trò giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự ân tình, thủy chung, trong sáng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ còn thể hiện ở tình cảm đối với đồng bào, đồng chí, bạn bè và những người đã từng gặp gỡ, cộng tác với mình. Khi tuổi đã cao, đồng chí vẫn trở lại thăm bà con ở miền núi Củng Sơn (tỉnh Phú Yên), bản Giẳng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu)…, nơi đã cưu mang, bảo vệ đồng chí trong thời gian bị địch giam cầm, quản thúc.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, họp tháng 11-1988, với uy tín, đức độ, tài năng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Bộ Chính trị giới thiệu đồng chí làm Chủ tịch Mặt trận, song đồng chí từ chối, cho rằng “tuổi đã cao, sức yếu”. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã 2 lần trực tiếp gặp gỡ, thuyết phục nhưng đồng chí vẫn khước từ.

Trước tình hình đó, Đại hội trù bị giới thiệu Luật sư Phan Anh thay thế. Các đoàn đại biểu miền Nam xin lùi thời gian bàn nhân sự để tiếp tục vận động, thuyết phục đồng chí. Chiều đó, đại biểu 14 đoàn miền Tây Nam bộ đến gặp, nêu rõ nguyện vọng; đồng thời là yêu cầu của đồng bào miền Nam muốn đồng chí tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết. Đồng chí đã phát biểu: “Đảng giao tôi có thể từ chối vì tuổi cao, sức yếu. Song dân giao thì tôi phải làm”.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Đại hội bầu làm Chủ tịch và Luật sư Phan Anh được bầu làm Phó Chủ tịch thứ nhất. Diễn văn bế mạc Đại hội, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh ý sau: “Đại hội chúng ta đã thành công tốt đẹp. Nhưng cũng mới thành công trong Hội trường. Nhân dân đòi hỏi chúng ta đồng tâm, hiệp lực, thống nhất hành động để biến những thành công trong hội trường thành hiện thực trong cuộc sống. Với lòng mong muốn đó, tôi tuyên bố bế mạc Đại hội ở Hội trường này và khai mạc Đại hội hành động trong cuộc sống”.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, biết ơn và quan trọng hơn là học tập, noi theo tấm gương của một trí thức lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên định, một nhà lãnh đạo suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Với hơn 80 tuổi đời, 50 năm hoạt động cách mạng, 47 tuổi Đảng, cuộc đời và sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước thiết tha, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Từ một trí thức có địa vị xã hội dưới chế độ thực dân, Luật sư đã từ bỏ mọi lợi quyền và bổng lộc, chấp nhận gian khổ, hy sinh để dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng, rồi trở thành một người cộng sản, một nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào quần chúng. Ở mọi cương vị công tác, đồng chí đều thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, được đồng bào, đồng chí yêu mến, tin cậy, được bạn bè quốc tế nể trọng.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.