Văn kiện và phương án nhân sự của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang được xây dựng công phu, nghiêm túc, trách nhiệm
(ABO) Chiều 31-8, tại Cục Quản trị T78, Văn phòng Trung ương Đảng tại TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì hội nghị Bộ Chính trị làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang, cho ý kiến về nội dung văn kiện và phương án nhân sự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Quang cảnh hội nghị. |
Dự hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; đồng chí Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện các Ban Đảng Trung ương...
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng. |
Về phía tỉnh Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; đồng chí Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Nhã, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Thị Mai Tiên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Đình Thông, Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh trình bày dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và phương án công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025. |
Tại hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Danh trình bày dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và phương án công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Tiền Giang đạt 7,3%/năm (Nghị quyết 8,5% - 9,5%). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng, tương đương 2.488 USD (Nghị quyết 66,3 - 69,3 triệu đồng, tương đương 2.606 - 2.727 USD). Cơ cấu kinh tế năm 2020: Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 37,1% (Nghị quyết 31,3% - 32,7%); khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,8% (Nghị quyết 32,3% - 33,6%); khu vực dịch vụ chiếm 35,1% (Nghị quyết 34,9% - 35,1%).
Đến năm 2020, diện tích cây ăn trái của tỉnh trên 80.000 ha (tăng 10.500 ha). Giai đoạn 2016 - 2020 có 107 xã nông thôn mới, là tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có 2 huyện nông thôn mới và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, Tiền Giang có 4 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 71% diện tích. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đến năm 2020 đạt 68.000 tỷ đồng, tăng bình quân 9,3%/năm.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng bình quân 11,13%/năm (Nghị quyết 3,4 tỷ USD); kim ngạch nhập khẩu đạt 2 tỷ USD, tăng bình quân 12,4%/năm (Nghị quyết 2 tỷ USD). Đến năm 2020, Tiền Giang đón trên 2,2 triệu lượt khách du lịch. Mật độ điện thoại cố định bình quân đạt 4,52 thuê bao/100 dân; điện thoại di động bình quân đạt 108 thuê bao/100 dân và Internet bình quân đạt 71,3 thuê bao/100 dân.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng nhanh, giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 169.800 tỷ đồng, chiếm 38,2% so với tổng GRDP của tỉnh (Nghị quyết 169.790 - 188.300 tỷ đồng). Tổng số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016 - 2020 là 3.340 doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp hoạt động là 5.664 doanh nghiệp (vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020 có 5.000 doanh nghiệp), trong đó có 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Các Ủy viên Bộ Chính trị làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang. |
Toàn tỉnh có 200 hợp tác xã đang hoạt động và 125/143 xã có hợp tác xã. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 11.665 tỷ đồng (Nghị quyết 9.116 tỷ đồng); giai đoạn 2016 - 2020 là 45.799,2 tỷ đồng (Nghị quyết 36.875 tỷ đồng); tăng bình quân 15,9%/năm (Nghị quyết 11,1%/năm).
Tổng chi ngân sách địa phương năm 2020 đạt 13.761,6 tỷ đồng (Nghị quyết 13.000 tỷ đồng); giai đoạn 2016 - 2020 đạt 64.983 tỷ đồng (Nghị quyết 58.114 tỷ đồng), tăng bình quân 7,3%/năm, trong đó chi đầu tư phát triển 20.272,8 tỷ đồng (Nghị quyết 17.050 tỷ đồng).
Tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt 100%, đảm bảo tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại đô thị đạt 99%; tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó có trên 90% sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung, 80% dân số nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.
Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng thông qua tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương đối với dự thảo văn kiện và phương án nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Tỉnh ủy Tiền Giang. |
Về phương hướng nhiệm vụ 2020 - 2025, Tiền Giang đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam với các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025: Tăng trưởng kinh tế (GRDP giá so sánh năm 2010) bình quân 7% - 7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 91,5 - 93,5 triệu đồng.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 29,7% và khu vực phi nông nghiệp chiếm 70,3%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt 77.000 tỷ đồng; trong đó, năm 2025 đạt 18.700 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 đạt 82.700 tỷ đồng; trong đó, năm 2025 đạt 19.425 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 246.600 tỷ đồng, chiếm 35,5%/GRDP (năm 2025 đạt 59.120 tỷ đồng). Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2025 là 57%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 25%. Số lao động được tạo việc làm giai đoạn 2021 - 2025 là 80.000 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 16.000 lao động. Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1% vào năm 2025 theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020.
Xây dựng nông thôn mới, đến năm 2025: Có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8/8 đạt huyện nông thôn mới và 3/3 đô thị (thành phố, thị xã) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có từ 20% - 30% xã nông thôn mới nâng cao và 10% xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến năm 2025, tỉnh đạt 8 bác sĩ và 25 giường bệnh/vạn dân; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 12,1%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 92%...
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang tham dự hội nghị và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị cùng với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. |
Cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương cho rằng: Tỉnh Tiền Giang có sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả quan trọng. Báo cáo cũng đánh giá nghiêm túc những tồn tại, yếu kém, phân tích rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tạo sự chuyển biến trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Phân tích thêm những khó khăn, hạn chế của tỉnh, cơ bản nhất trí với những mục tiêu, phương hướng trong dự thảo báo cáo, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: Dự thảo cần bám sát văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng để xây dựng các giải pháp để tập trung lãnh đạo thực hiện.
Tỉnh cần chú trọng tới công tác xây dựng quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, quản lý tốt quy hoạch; tận dụng lợi thế để phát triển; cần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho nông sản thế mạnh của tỉnh.
Tỉnh cần lưu ý tái cấu trúc ngành Công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; tập trung cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường kinh doanh, khuyến khích tập đoàn lớn, doanh nghiệp có tiềm lực tham gia phát triển du lịch, đô thị, dịch vụ, công nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng các sản phẩm có lợi thế, nâng cao chất lượng đời sống và thu nhập người dân.
Trong quá trình phát triển, tỉnh cần đặc biệt quan tâm tới bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm cải thiện đời sống nhân dân; tiếp tục chăm lo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; củng cố quốc phòng - an ninh và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao công tác chuẩn bị nhân sự Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời, đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục quan tâm sắp xếp đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng chí cũng đề nghị tỉnh tiếp thu các ý kiến của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban, bộ, ngành Trung ương để bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy để tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
THỦY HÀ