Bài học về chớp thời cơ và vận dụng đúng thời cơ
75 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám, đánh đổ thực dân, phong kiến; thành lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một trong những yếu tố góp phần làm nên thắng lợi to lớn là bài học về chớp thời cơ và vận dụng đúng thời cơ.
Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22-12-1944. |
Để có thể tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cả một quãng thời gian dài vô cùng gian khó của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu: Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh…, cùng các lực lượng khác: Công nhân, trí thức, tư sản yêu nước, nông dân, phụ lão, phụ nữ, thanh niên… hoạt động cách mạng trước đó gần 20 năm, kể từ đầu năm 1925, khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện chính trị và thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên! HỒ CHÍ MINH |
SỰ CHUẨN BỊ CHU ĐÁO
Tính từ năm 1925 cho đến năm 1945 là 20 năm chuẩn bị. Khi thời cơ đến, những chiến sĩ cách mạng tiên phong đã thổi bùng lên tinh thần yêu nước vô cùng mãnh liệt của toàn thể dân tộc Việt Nam, quyết rũ khỏi kiếp bùn đen nô lệ, áp bức; đập tan xiềng xích kìm kẹp, áp bức, bóc lột của phong kiến, thực dân; giành lại độc lập, tự do của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Từ khi “Mệnh lệnh khởi nghĩa” (ngày 12-8-1945) và “Quân lệnh số 1” (ngày 13-8-1945) của Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu Giải phóng tại Tân Trào (Tuyên Quang) được phát đi, cho đến khi Tổng khởi nghĩa thành công trên cả nước ngày 28-8-1945, và Lễ Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, đã diễn ra trong 22 ngày.
Mất 20 năm dày công chuẩn bị để thực hành thành công trong 22 ngày. Và sự thành công ấy chính là do những người lãnh đạo cuộc cách mạng đã chớp được đúng thời cơ và vận dụng đúng thời cơ. Ngay từ cuối năm 1941, Đảng đã lập 2 căn cứ địa, một ở Bắc Sơn - Đình Cả (tức Lạng Sơn - Thái Nguyên), một Cao Bằng - Bắc Kạn.
Việt Nam Cứu quốc quân sinh ra trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 10-1940), phát triển trong 8 tháng du kích ở Đình Cả, Tràng Xá (tháng 8-1941 đến tháng 4-1942) và trong cuộc đấu tranh vũ trang lần thứ hai ở Đình Cả (cuối năm 1944), Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập trong phong trào đấu tranh chống khủng bố trắng ở Việt Bắc (1941- 1945). Đến tháng 4-1945, hai đội quân này đã thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Sau khi Nhật, Pháp bắn nhau, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã “đẻ” ra một đội quân du kích nữa.
Những đội quân trên đây đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cao trào chống Nhật cứu nước và trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Bên cạnh đó, các khu du kích và đội du kích được thành lập ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Sơn Tây. Đến tháng 7, tháng 8, các đội du kích được thành lập ở các tỉnh Bến Tre, Sa Đéc, Mỹ Tho… Riêng lực lượng vũ trang tỉnh Mỹ Tho được thành lập ngày 12-8-1940.
Một đặc điểm đáng chú ý về cách chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa của Đảng là làm cho quần chúng nhân dân có ý thức về công việc chuẩn bị và tích cực tham gia chuẩn bị; đồng thời, phối hợp mật thiết hành động quân sự của các đội du kích với các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân, làm cho quần chúng trong khi đấu tranh chống khủng bố, giành quyền lợi hằng ngày cảm thấy cần thiết phải vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.
Những cuộc đấu tranh chống Nhật, Pháp dồn làng, bắt người, chống thu thóc, bắt lính, bắt phu, chống phá màu trồng đay hoặc cân hàng cướp chợ… đã đẩy mạnh việc vũ trang quần chúng, tập dượt cho quần chúng tiến tới khởi nghĩa. Chuẩn bị chu đáo và đúng nguyên tắc, đó là một ưu điểm lớn của Cách mạng Tháng Tám.
Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc... Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta. HỒ CHÍ MINH |
CHỚP LẤY CƠ HỘI KHI THỜI CƠ ĐẾN
Để tiến hành khởi nghĩa thắng lợi phải có đủ điều kiện khách quan, chủ quan và phải nổ ra đúng thời cơ. Cùng với việc chuẩn bị tích cực về lực lượng, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vấn đề thời cơ cách mạng.
Ngay từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (tháng 9-1939), Hội nghị Trung ương 6 của Đảng (tháng 11-1939) đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới và nhận định: “Những thảm trạng do đế quốc chiến tranh gây nên sẽ làm cho trình tự cấp tiến hóa và cách mệnh hóa quần chúng hết sức mau chóng... Lòng phẫn uất sẽ sôi nổi, cách mệnh sẽ bùng nổ”. Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương 8 được triệu tập dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Hội nghị đánh giá: “Tình hình thế giới, tình hình trong nước sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng Liên Xô và các nước Đồng minh sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít, chính quyền của phát xít Nhật lung lay, đổ nát; nhân dân ta bị bọn thực dân, phát xít xô đẩy vào thảm họa diệt vong, sẽ bước vào đường khởi nghĩa vũ trang và giành thắng lợi bằng tổng khởi nghĩa”.
Hội nghị nhận định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Lúc này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đang họp và nhanh chóng đưa ra những nhận định về thời cơ khởi nghĩa đang đến rất gần: “Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi”; và ra Chỉ thị: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đảng quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (ngày 14 và 15-8-1945) quyết định phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương.
Hội nghị chỉ rõ: “Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi việc phải nhằm vào 3 nguyên tắc: Tập trung: Tập trung lực lượng vào những việc chính; Thống nhất: Thống nhất mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động, chỉ huy; Kịp thời: Kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”.
Ngày 16-8-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào cả nước: “… Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ”. Cả dân tộc ta theo tiếng gọi của Người, nhất tề đứng lên khởi nghĩa, chỉ trong gần một tháng, tất cả các địa phương trong cả nước đã giành được thắng lợi, thành lập chính quyền nhân dân.
Có thể khẳng định, thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có vai trò to lớn của nhân tố khách quan. Bởi nếu không có cuộc đảo chính của Nhật, không có thắng lợi của lực lượng đồng minh chống phát xít để Nhật đầu hàng vô điều kiện thì cách mạng Việt Nam sẽ không thể dễ dàng thành công.
Nhưng dù điều kiện khách quan có thuận lợi đến đâu đi chăng nữa mà không có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, không dự đoán đúng thời cơ và kịp thời chớp lấy thời cơ phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền thì cuộc khởi nghĩa cũng không thể bùng nổ, hoặc nếu có nổ ra thì cũng dễ thất bại.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, lại nổ ra đúng thời cơ (từ ngày 14 đến 28-8-1945), Cách mạng Tháng Tám đã giành được thắng lợi nhanh, gọn và ít đổ máu. Đó là một điển hình về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ trong cách mạng giải phóng dân tộc.
HỒNG LÊ (tổng hợp)