Biến thách thức thành cơ hội
Giảm dần diện tích lúa, khai thác lợi thế cây ăn trái, hoa màu là một trong những bước chuyển quan trọng trong cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp nhằm thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Các mô hình kinh tế, dự án trong nông nghiệp thích ứng với BĐKH được tỉnh Tiền Giang tập trung đầu tư nhằm hướng đến mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững.
Dự án Hệ thống thủy lợi trạm bơm Xuân Hòa được tỉnh tập trung đầu tư. |
XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH
BĐKH trở thành thách thức lớn đối với nhiều tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tiền Giang cũng không ngoại lệ. Dấu hiệu rõ nét dễ nhận thấy nhất là hạn, mặn, thời tiết cực đoan… diễn ra bất thường trong những năm gần đây; đặc biệt là hạn, mặn từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020 diễn ra ở nhiều tỉnh, thành gây thiệt hại không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trong toàn vùng.
Xuất phát từ những nhân tố này, việc triển khai các giải pháp chuyển đổi sản xuất để ứng phó và thích ứng với những thay đổi của thời tiết, khí hậu đang là vấn đề cấp bách của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện nay, trong đó có Tiền Giang.
Nằm trong bức tranh chung của cả nước và vùng ĐBSCL, trước tác động lớn của BĐKH, những năm qua Tiền Giang đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững. Một trong những giải pháp sớm được Tiền Giang triển khai là xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025.
Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh gần đây, một trong những điểm nhấn mà Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đạt được là diện tích trồng lúa trên địa bàn tỉnh giảm dần, trong khi diện tích trồng cây ăn trái, hoa màu tăng. Cụ thể, tính đến cuối năm 2019 diện tích trồng lúa toàn tỉnh giảm hơn 31.000 ha, sản lượng giảm hơn 148.000 tấn so với năm 2016, trong khi diện tích trồng cây ăn trái tăng gần 7.000 ha, đạt hơn 79.000 ha.
Riêng điểm nhấn của Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025 được thể hiện qua việc toàn vùng đã chuyển hơn 4.500 ha từ đất lúa sang trồng cây lâu năm, hoa màu, chưa kể diện tích trồng lúa được cắt bớt một vụ sản xuất hằng năm…
Nhiều diện tích lúa khu vực phía Đông kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang cây ăn trái, hoa màu. |
Thực hiện chủ trương chung của tỉnh và ngành Nông nghiệp, nhiều mô hình kinh tế sau khi chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như ông Nguyễn Văn Ra (ấp Xóm Chủ, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông), cách đây 5 năm, nhận thấy tác động của BĐKH ngày càng gay gắt, ông bắt đầu chuyển đổi 1.000 m2 đất trồng lúa năng suất thấp sang cây thanh long.
Đến nay, ông đã chuyển toàn bộ diện tích lúa sang trồng thanh long, với khoảng 1 ha. Cây thanh long giờ đây đã mang lại giá trị kinh tế cho gia đình ông khoảng 500 triệu đồng/ha. Từ mô hình đầu tiên của ông Ra, đến nay xã Kiểng Phước đã có hơn 150 ha trồng thanh long, góp phần thay đổi đời sống của người dân vùng đất nhiễm mặn này. Bên cạnh cây thanh long, nhiều mô hình chuyển đổi sang rau màu, chăn nuôi thích ứng với BĐKH cũng đã phát huy hiệu quả.
ĐẦU TƯ HẠ TẦNG THỦY LỢI
Trên nhiều diễn đàn, hội thảo gần đây, các nhà khoa học cũng liên tục đưa ra các khuyến cáo đối với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về các tác động hiện hữu của thay đổi thời tiết, khí hậu, mà đặc biệt là tình hình hạn, mặn, sạt lở, triều cường và khuyến nghị nhiều giải pháp để chuyển đổi cũng như thích ứng với những mối hiểm họa này. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), ĐBSCL được xem là khu vực dễ bị tổn thương do những tác động của BĐKH.
Thời gian qua, nhiều giải pháp thích ứng BĐKH đã được các địa phương, nông dân các nơi triển khai. Các giải pháp này bước đầu phù hợp với sự thay đổi tự nhiên và các biến động của thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Điển hình như các mô hình canh tác lúa chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như: Lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen…; đồng thời, kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch. Đây là các mô hình “thuận thiên”, theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó với các biến động khí hậu, rất hợp lý với tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.
BĐKH đang tác động mạnh mẽ đến đời sống, sinh kế của người dân; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, về lâu dài, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, cần có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây, con mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn.
Trong canh tác nông nghiệp, biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ là một giải pháp hữu hiệu giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước. Bên cạnh đó, các biện pháp công trình trữ nước, phục hồi nước ngầm, bảo tồn các vùng đất ngập nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, dòng chảy..) nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Nằm trong bức tranh chung đó, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, Tiền Giang đã triển khai các giải pháp để ứng phó, các mô hình sản xuất thích ứng BĐKH. Tiền Giang cũng đang nỗ lực để chuyển đổi sản xuất thông qua những việc làm và giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn. Phương châm của Tiền Giang là biến thách thức, trở ngại thành cơ hội phát triển bền vững, phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát huy được tiềm năng đất đai, lao động, giúp nông dân làm giàu. Kết quả triển khai thực tế vừa qua cho thấy, tại những khu vực ven biển, người dân đã mạnh dạn chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long, hoa màu, trồng cỏ chăn nuôi bò, dê… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.
Trong điều kiện BĐKH, thiếu nước sinh hoạt đang trở thành vấn đề lớn đối với tỉnh và nhiều tỉnh khác trong khu vực. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, trong những năm qua bằng nhiều nguồn lực khác nhau, ngành Nông nghiệp đã và đang thực hiện nhiều công trình trọng điểm đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh, điển hình như: Dự án Hệ thống thủy lợi trạm bơm Xuân Hòa, Dự án Hệ thống thủy lợi Bảo Định, Dự án 5 kinh Bắc Quốc lộ 1, Dự án Xây dựng hạ tầng phát triển và bảo vệ vùng cây ăn trái Thuộc Nhiêu - Mỹ Long, Tiểu dự án Kiểm soát và giảm rủi ro lũ vùng Ba Rài - Phú An, Tiểu dự án Nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công…
Trong thời gian tới, để thích ứng với BĐKH, nhất là hạn, mặn tỉnh cũng đã tính toán đến nhiều phương án để sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ít chịu tác động, như: Đầu tư Dự án Xây dựng cống ngăn mặn, trữ ngọt, tạo nguồn trên kinh Nguyễn Tấn Thành; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đầu tư các cống trên Quốc lộ 62; hoàn thiện hệ thống thủy lợi vùng Dự án Bảo định theo Quy hoạch thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt; triển khai thực hiện Dự án Hoàn thiện hệ thống thủy lợi Gò Công...
ANH PHƯƠNG