.
KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY XÔ VIẾT NGHỆ - TĨNH (12-9-1930 - 12-9-2020)

Cuộc diễn tập đầu tiên của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng

Cập nhật: 08:28, 11/09/2020 (GMT+7)

Ngày 12-9 hằng năm là Ngày tưởng niệm các Liệt sĩ Xô viết Nghệ - Tĩnh. Đó cũng chính là ngày diễn ra cuộc biểu tình của nông dân Hưng Nguyên và sự hình thành chính quyền Xô viết đầu tiên. Năm nay, tròn 90 năm ngời sáng tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh, những câu ca vẫn vang vọng lòng ta về trang sử đau thương mà anh dũng quật cường ngày ấy: “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước / Nọ Thanh Chương tiếp bước, bước lên / Nam Ðàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên / Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi”.

CUỘC BIỂU TÌNH CỦA 8.000 NÔNG DÂN

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và thiên tai đã tác động nặng nề đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam. Đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động hết sức điêu đứng. Thêm vào đó, các vụ bắt bớ, đàn áp của chính quyền thực dân diễn ra tàn bạo trên khắp cả nước, đặc biệt là sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng khiến bầu không khí chính trị Việt Nam càng trở nên ngột ngạt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào đấu tranh của nhân dân bùng lên mạnh mẽ và đạt tới đỉnh điểm ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Cao trào cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930 - 1931. Tranh tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Cao trào cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930 - 1931. Tranh tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Sáng 1-5-1930, với sự tham gia của công nhân Khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy và nông dân các huyện lân cận đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, chống khủng bố, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, ủng hộ Liên bang Xô viết.

Từ tháng 5 đến tháng 8-1930, ở vùng Nghệ - Tĩnh đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân. Ngày 1-8-1930, phong trào phát triển lên một bước mới: Công nhân Khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy tổng bãi công, đánh dấu “một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến”. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ - Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang kéo đến các huyện đường Can Lộc, Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc… và lan rộng ra hầu khắp các huyện trong 2 tỉnh. Đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 12-9-1930 của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn đế quốc và phong kiến tay sai. Thực dân Pháp đàn áp làm 217 người chết, 125 người bị thương khiến nhân dân vô cùng căm phẫn. Trong suốt tháng 9 và tháng 10-1930, nông dân ở các huyện Thanh Chương, Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã khởi nghĩa vũ trang, công nhân Khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy tiếp tục bãi công làm cho phong trào trở nên quyết liệt.

Trước sự sụp đổ của chính quyền thực dân và phong kiến ở Nghệ - Tĩnh, các chi bộ đảng và tổ chức Nông hội đỏ đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, mặc nhiên làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết. Chính quyền Xô viết đã ban bố và thi hành nhiều chủ trương, chính sách đem lại nhiều lợi ích căn bản, chính đáng cho nhân dân: Về chính trị, nhân dân được quyền tự do hội họp, thảo luận và hoạt động trong các tổ chức đoàn thể: Nông hội, Công hội, Đoàn Thanh niên cộng sản…

Về kinh tế, nhân dân được chia ruộng, bãi bỏ các thứ thuế vô lý, bất công, thực hiện giảm tô và xóa nợ cho dân nghèo. Về văn hóa, chính quyền cách mạng đã tổ chức đời sống mới, mở các lớp dạy chữ quốc ngữ, xóa bỏ các tệ nạn, hủ tục, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh đã tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình - thực sự là một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Là chính quyền công nông đầu tiên ở nước ta, Xô viết Nghệ - Tĩnh đã trở thành ngọn cờ quy tụ và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng lao động trong cả nước.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 là một sự kiện lịch sử trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Cao trào cách mạng cùng với sự ra đời của chính quyền Xô viết là kết tinh sức mạnh to lớn của khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo, đã giáng một đòn quyết liệt đầu tiên vào bè lũ đế quốc và phong kiến tay sai. Chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh dù chỉ tồn tại trong 7 tháng và còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân nô lệ. Cao trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh thực sự là cuộc diễn tập đầu tiên của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN ÁI QUỐC CA NGỢI CAO TRÀO XÔ VIẾT NGHỆ - TĨNH

Vừa mới ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên cao trào cách mạng 1930 - 1931, tiêu biểu là Xô viết Nghệ - Tĩnh làm rung chuyển chế độ thống trị của đế quốc Pháp và tay sai. Tuy hoạt động ở nước ngoài, đồng chí Nguyễn Ái Quốc luôn luôn theo sát tình hình phong trào cách mạng trong nước. Quê hương Nghệ - Tĩnh, nơi chôn nhau cắt rốn của Người, nơi có phong trào cách mạng mạnh mẽ, quyết liệt nhất luôn được Người dành cho những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Ngày 19-2-1931, Người liên tiếp viết 2 bài báo ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Nghệ - Tĩnh và tố cáo tội ác tàn bạo của đế quốc Pháp đối với đồng bào Nghệ - Tĩnh. Trong bài “Nghệ - Tĩnh đỏ”, trước hết Người nói về điều kiện tự nhiên và xã hội của Nghệ - Tĩnh và đời sống khổ cực của nhân dân dưới ách áp bức bóc lột của đế quốc Pháp.

Tự hào với truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta những năm đầu thế kỷ XX, Người nêu bật tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Nghệ - Tĩnh trong cao trào 1930 - 1931. Từ tháng 5 đến tháng 12-1930, công nhân TP. Vinh đã 8 lần bãi công, biểu tình với 2.500 người tham gia. Cùng thời gian đó, có 137 cuộc biểu tình với 300.000 nông dân tham gia. Ở 2 tỉnh, hơn 60.000 nông dân đã tham gia các tổ chức quần chúng. Đặc biệt, ngày 11-2-1930, hơn 4.000 công nhân TP. Vinh và nông dân Hưng Nguyên, Nghi Lộc mít tinh kỷ niệm Công xã Quảng Châu. Tuy bị đế quốc Pháp đàn áp dã man nhưng tinh thần đấu tranh anh dũng của đồng bào khiến Người phải thốt lên: “Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu đỏ” và khẳng định: “Bom đạn, súng máy, đốt nhà... tuyên truyền của chính phủ, báo chí... đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ - Tĩnh”. Đồng thời, với lối bình luận sắc sảo, Người đã giáng một đòn mạnh vào chiêu bài “quy thuận” lừa bịp của đế quốc Pháp và tay sai.

Trong bài “Khủng bố trắng ở Đông Dương”, Người tố cáo những tội ác tàn bạo của đế quốc Pháp ở nhiều địa phương Trung kỳ và Bắc kỳ: Đốt phá làng mạc, giết hại nhân dân, bắt bớ tù đày hàng ngàn người. Người đặc biệt ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ cộng sản và người yêu nước Việt Nam trước tòa án kẻ thù, qua đó khẳng định không gì có thể làm lung lay ý chí chiến đấu giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân ta.

Thông qua Nguyễn Ái Quốc và những bài báo của Người, Quốc tế Cộng sản có thể theo dõi chặt chẽ tình hình phong trào cách mạng Đông Dương để có sự chỉ đạo kịp thời. Nguyễn Ái Quốc là một cầu nối cách mạng Việt Nam với cách mạng quốc tế và Quốc tế Cộng sản. Ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Nghệ - Tĩnh, Người đồng thời phân tích rõ: “Trong tình hình lúc đó việc nổi dậy đấu tranh như vậy là quá sớm, là chưa đúng lúc, nhưng khi đã nổi dậy rồi thì cố gắng phát huy tác dụng cao nhất của phong trào đấu tranh…”.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.