.

Làm thất bại âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp

Cập nhật: 15:22, 23/09/2020 (GMT+7)
Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng, tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.
Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng.
HỒ CHÍ MINH
(Trích thư gửi đồng bào Nam bộ ngày 26-9-1945)

Cách đây 75 năm, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Quân và dân Sài Gòn - Gia Định dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ.

Như vậy, chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam bộ đã tiếp tục cầm súng chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc vừa giành được, thực hiện lời thề “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629, đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Đáp ứng kịp thời với tình hình, quân và dân 2 tỉnh Mỹ Tho, Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) cùng cả nước làm hết sức mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Hội nghị Xứ ủy ở xóm Cầu Vĩ, xã Mỹ Phong, quận Chợ Gạo và ở Thiên Hộ, xã Hậu Mỹ, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho có ý nghĩa quyết định tiến trình lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam bộ.

TỪ HỘI NGHỊ XỨ ỦY Ở CẦU VĨ

Căn nhà gần cầu Vĩ, nơi diễn ra Hội nghị Xứ ủy ngày 15-10-1945.
Căn nhà gần cầu Vĩ, nơi diễn ra Hội nghị Xứ ủy ngày 15-10-1945.

Ngày 15-10-1945, để chấm dứt tình trạng tồn tại 2 hai Xứ ủy (Tiền phong và Giải phóng), các đảng viên chủ chốt của 2 Xứ ủy và các đảng viên mới từ nhà tù Côn Đảo trở về quyết định tổ chức Hội nghị Xứ ủy ở nhà ông Nguyễn Tử Vân, xóm Cầu Vĩ, xã Mỹ Phong, quận Chợ Gạo. tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Hội nghị cử ra Xứ ủy lâm thời Nam kỳ gồm 11 thành viên: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Trần Ngọc Danh, Lê Văn Sĩ (Võ Sĩ), Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Hoàng Dư Khương và Nguyễn Thị Thập.

Cau-Vi-o-My-Tho.jpg
Cầu Vĩ ở Mỹ Tho.

Hội nghị thống nhất đề cử đồng chí Tôn Đức Thắng giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam kỳ. Xứ ủy lâm thời ra Nghị quyết: Củng cố, thống nhất các tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh từ cấp Xứ đến cơ sở; chỉ định một số Bí thư Tỉnh ủy, tăng cường bố trí số đảng viên từ Côn Đảo mới về vào chính quyền và các tổ chức đoàn thể cách mạng các tỉnh, thành trong toàn Xứ. Thành lập Ủy ban Kháng chiến, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Trước mắt bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài.

Xây dựng căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp Mười, đưa cán bộ xuống xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang tập trung. Lập các binh công xưởng ở căn cứ. Các cơ quan và lực lượng vũ trang chủ động rút ra khỏi thành phố, lập các phòng tuyến ngăn chặn địch. Cô lập địch trong các thị trấn, thị xã. Vận động nhân dân tản cư ra khỏi thị xã, thị trấn, thực hiện: “vườn không nhà trống”. Bằng mọi cách (lập chướng ngại vật, đắp mô, xô ngã cột điện, ngã cây trên các tuyến giao thông thủy bộ...) ngăn cản bước tiến của địch. Trấn áp bọn tay sai thực dân Pháp. Kiên quyết đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch.

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Xứ ủy, tỉnh Mỹ Tho tiến hành chấn chỉnh và kiện toàn bộ máy từ tỉnh xuống huyện. Đồng chí Nguyễn Văn Trọng từ Côn Đảo về được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Tiếp làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính và Ủy ban Kháng chiến do đồng chí Nguyễn Văn Trì làm Chủ tịch. Ở tỉnh Gò Công, đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính và Ủy ban Kháng chiến tỉnh. Tỉnh Mỹ Tho đã liên tiếp mở các lớp huấn luyện quân sự để bồi dưỡng một số kiến thức quân sự cho cán bộ chỉ huy các địa phương.

Không khí chuẩn bị kháng chiến trong nhân dân hết sức khẩn trương, sôi sục. Các phòng tuyến lần lượt được dựng lên. Nhân dân tham gia gỡ ván cầu Tân Hương, phá sập các cầu Bình Đức, Long Định, Ông Văn, Thuận Hòa, Gò Cát… làm chướng ngại trên lộ Đông Dương từ Sài Gòn đi Mỹ Tho, lộ 24 từ Mỹ Tho đi Gò Công…

ĐẾN HỘI NGHỊ XỨ ỦY Ở THIÊN HỘ

Trải qua 1 tháng bao vây, chặn đánh địch trong thành phố, chiến đấu trong điều kiện không cân sức, lực lượng vũ trang TP. Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã tỏ rõ tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam. Cuộc kháng chiến của quân và dân Sài Gòn đã kiềm chế quân địch dài ngày, làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho các tỉnh Nam bộ có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến.

Ngày 25-10-1945, để lãnh đạo kịp thời cuộc kháng chiến đang lan rộng, Hội nghị Xứ ủy Nam bộ mở rộng họp tại bàu Nga, xóm Kinh Chà ở Thiên Hộ, xã Hậu Mỹ, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Tham dự Hội nghị, ngoài đại biểu của Nam bộ, còn có đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Hội nghị kiểm điểm tình hình, rút kinh nghiệm chỉ đạo cuộc kháng chiến Nam bộ, biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân Nam bộ.

Trên cơ sở đó, Hội nghị quyết định những vấn đề quan trọng nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Nam bộ, như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, củng cố các đơn vị vũ trang hiện có, xây dựng thêm nhiều đơn vị vũ trang mới, tổ chức các quân khu, khôi phục lại chính quyền cách mạng ở những nơi tan rã, thành lập Ủy ban Kháng chiến miền Nam, phát triển công tác ở các đô thị... Hội nghị đã cử đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ, đồng chí Tôn Đức Thắng phụ trách Ủy ban Kháng chiến và chỉ đạo các lực lượng vũ trang Nam bộ.

75 đã năm qua, nhớ về những ngày đầu Nam bộ đã đi đầu cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần, ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hình ảnh Nam bộ nói riêng, miền Nam nói chung luôn sâu đậm trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng Tổ quốc, đồng bào miền Nam, xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng vào tháng 2-1946.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.