.

Đảng bộ tỉnh Tiền Giang: Những truyền thống quý báu

Cập nhật: 07:37, 13/10/2020 (GMT+7)

1. Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân (1930 - 1945)
15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, phong trào cách mạng ở 2 tỉnh diễn ra liên tục. Giai đoạn 1932 - 1935, Pháp khủng bố trắng. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ 1936 -
1939 diễn ra mạnh mẽ. Nổi bật là phong trào Đông Dương Đại hội, hầu hết các xã đều thành lập Ủy ban vận động Đông Dương Đại hội, nhiều đơn thỉnh nguyện, tố cáo bọn ác ôn gửi đến Đông Dương Đại hội. Đây là đợt hoạt động công khai, hiệu quả và có tiếng vang của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang Khóa I, nhiệm kỳ 1976-1979. ảnh: Trần Biểu
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang Khóa I, nhiệm kỳ 1976-1979. ảnh: Trần Biểu

Ngày 12-8-1940, tại xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Mỹ Tho thành lập. Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy, Tỉnh ủy Mỹ Tho thiết kế lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa để Mặt trận hiệu triệu khởi nghĩa.

Ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa chống Pháp giành quyền tự do, dân chủ diễn ra khắp tỉnh Mỹ Tho. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên treo trên ngọn cây bàng ở đình Long Hưng. Trước cổng đình lần đầu tiên xuất hiện Quốc hiệu: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc. Chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho lần đầu tiên ra đời và thực hiện thiết chế nền dân chủ cộng hòa. Tỉnh Mỹ Tho cũng là nơi Tòa án Nhân dân cách mạng cấp tỉnh thành lập lần đầu tiên của cả nước. Thành tựu cuộc khởi nghĩa năm 1940 ở tỉnh Mỹ Tho để lại cho dân tộc ta là vô giá.

Đêm 17-8-1945, đồng chí Dương Khuy, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho triệu tập cuộc họp bàn việc lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị quyết định phát lệnh khởi nghĩa, kiên quyết giành bằng được chính quyền về tay nhân dân.

4 giờ ngày 18-8-1945, học viên Trường Huấn luyện quân sự tại xã Long An, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho do thầy giáo Phan Lương Trực chỉ huy, tiến vào TX. Mỹ Tho phối hợp với lực lượng cách mạng TX. Mỹ Tho tiến chiếm các mục tiêu đã định theo kế hoạch lãnh đạo khởi nghĩa của Tỉnh ủy Mỹ Tho. 9 giờ, lực lượng cách mạng tỉnh Mỹ Tho, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho  làm chủ các công sở ở chợ Cũ. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Mỹ Tho thắng lợi. 

14 giờ ngày 22-8, tỉnh trưởng Gò Công đầu hàng, giao chính quyền cho Việt Minh. Cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Gò Công thành công.

2. Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và TP. Mỹ Tho lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược (1945 - 1975)

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ Tiền Giang tạo dựng nên nhiều truyền thống quý báu:    
- Đó là truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Đó là truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Nhân dân đã nuôi dưỡng và bảo vệ Đảng từ những ngày còn trứng nước, hết lòng tin yêu Đảng, ủng hộ và ra sức phấn đấu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Sức mạnh vô tận của nhân dân làm nên sức mạnh vô địch của Đảng; nguồn gốc sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Đó là truyền thống đoàn kết, thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ; tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí…  

Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã lãnh đạo nhân dân và các lực lượng cách mạng tham gia xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng nhân dân, tổ chức bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, xây dựng chế độ mới - chế độ dân chủ nhân dân, tổ chức toàn dân chuẩn bị mọi mặt tham gia kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai.

Đảng bộ 2 tỉnh đề ra chủ trương “trang trải ruộng đất”. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ 2 tỉnh đã tạo tiền đề xây dựng cơ sở xã hội vững chắc ở nông thôn để nhân dân ta kháng chiến, góp phần vào thắng lợi chung cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Trong 21 năm xâm lược miền Nam, Mỹ chọn tỉnh Mỹ Tho xây dựng căn cứ quân sự hỗn hợp để đối phó với lực lượng cách mạng. Địch đánh phá phong trào cách mạng cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa… Cường độ chiến tranh diễn ra ác liệt về hai phương diện chính trị, quân sự. Nhân dân 2 tỉnh và TP. Mỹ Tho liên tục tiến công, từ đấu tranh chính trị tiến lên chiến tranh cách mạng, kết hợp tiến công và nổi dậy, hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của cách mạng, giành thắng lợi vẻ vang. Với khí thế cách mạng tiến công, quân, dân 2 tỉnh và TP. Mỹ Tho tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn quê hương ngày 30-4-1975. 

3. Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới và hội nhập quốc tế (1975 - 2020)

Ngày 1-3-1976, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và TP. Mỹ Tho sáp nhập thành tỉnh Tiền Giang. Tỉnh Tiền Giang có vị trí quan trọng ở vùng châu thổ sông Cửu Long, là tỉnh trọng điểm lúa, đất đai màu mỡ, khí hậu điều hòa, cơ sở hạ tầng khá tốt, nhân lực dồi dào, có kinh nghiệm sản xuất. Tỉnh có thế mạnh là nông nghiệp và ngư nghiệp, khả năng phát triển nông nghiệp toàn diện cả trồng trọt và chăn nuôi, trọng tâm là sản xuất lúa và chăn nuôi đàn heo lớn.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020. ảnh: Duy Sơn
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020. ảnh: Duy Sơn

Với cơ sở công nghiệp tuy nhỏ nhưng đủ điều kiện đẩy mạnh nông nghiệp phát triển. Nhân dân có truyền thống cách mạng, cần cù lao động, sáng tạo. Tỉnh có hệ thống chính quyền nhân dân đều khắp, đội ngũ cán bộ, đảng viên đoàn kết và có kinh nghiệm chỉ đạo phong trào. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Tiền Giang phát triển kinh tế, văn hóa, tăng cường quốc phòng - an ninh, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Chặng đường 10 năm (1975 - 1985) là giai đoạn tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng quê hương.

90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, nhân dân trong tỉnh đã lập nên nhiều chiến công chói lọi trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tự hào với thành tựu đạt được trong 90 năm qua, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ra sức xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế bền vững, phấn đấu đưa Tiền Giang phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng châu thổ sông Cửu Long.

Những truyền thống quý báu của Đảng bộ Tiền Giang là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của giai cấp công nhân Việt Nam; là sức mạnh bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng; là kết quả của quá trình vun trồng, xây đắp bền bỉ, là sự hy sinh xương máu, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Những truyền thống ấy của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần cách mạng triệt để. Ngay từ khi ra đời, Đảng bộ Tiền Giang nắm bắt đúng xu thế phát triển của thời đại, gắn phong trào cách mạng ở địa phương với phong trào cách mạng cả nước. Trên con đường phát triển của cách mạng, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang không ngừng đề ra những quyết sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu lịch sử, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa tỉnh Tiền Giang tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn.

Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lãnh đạo nhân dân tự lực xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng; trấn áp các tổ chức phản động; tăng gia sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Thành tựu nổi bật là đấu tranh trấn áp bọn phản động; xây dựng và củng cố chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; tiếp nhận và thực hiện phân bố dân cư trên địa bàn tỉnh, xây dựng vùng kinh tế mới; Đảng bộ luôn tìm tòi hướng đi mới, cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện từng thời điểm cụ thể.

Thực hiện công cuộc đổi mới (1986 - 2020), Đảng bộ tỉnh Tiền Giang coi trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - du lịch; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; coi trọng công tác xây dựng nông thôn mới.  

Gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, tình hình kinh tế -
xã hội phát triển khá toàn diện, đời sống nhân dân từng bước cải thiện. Hình thành cơ bản nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đó là cơ sở để Đảng bộ tỉnh Tiền Giang huy động mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang phát triển toàn diện trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng châu thổ sông Cửu Long.

LÊ VĂN TÝ

 

.
.
.