Tự hào phụ nữ Tiền Giang
(ABO) Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Tiền Giang đã nổi lên những phụ nữ kiên trung, bất khuất, dám xả thân vì nước như những đấng nam nhi. Đó là bà Trần Thị Sanh, phu nhân của Bình Tây Đại tướng quân Trương Định, cung ứng tiền bạc, lương thực để nghĩa quân đánh giặc Pháp... Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, mà còn là những chiến sĩ cách mạng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” mà Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đã tặng Bức trướng thêu 8 chữ vàng phụ nữ miền Nam.
TRUYỀN THỐNG VẺ VANG CỦA PHỤ NỮ TIỀN GIANG
Ở đâu, trên mặt trận nào cũng thấy bóng dáng những người phụ nữ gan dạ, dũng cảm, quật cường, chịu đựng gian khổ và tràn đầy lạc quan cách mạng. Hàng vạn phụ nữ đã tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong mở đường, các đoàn dân công hỏa tuyến, tải lương thực, tải đạn ra tiền tuyến. Họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng yêu quý; mòn mỏi chờ đợi người thân trở về; cạn nước mắt khi những người thân yêu không về... Đó là những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã thắp sáng tinh thần quật khởi, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Tiền Giang.
Các nữ thông tin, pháo binh vành đai Bình Đức. |
Chính những phẩm chất đó đã làm nên những cái tên lẫy lừng, từng là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược và là niềm tự hào của phụ nữ Tiền Giang như: Trung đội Nữ pháo binh Châu Thành; bà Nguyễn Thị Thập, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bà Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân: Đoàn Thị Nghiệp, Lê Thị Hồng Gấm, Võ Thị Lớ, Đặng Thị Mành, Nguyễn Thị Hiếu Tâm, Trần Thị Điểu, Phạm Thị Tuyết Nhung, Dương Thị Lệ…
BÀ NGUYỄN THỊ THẬP: NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG, BẤT KHUẤT
Bà Nguyễn Thị Thập, người con ưu tú của quê hương Tiền Giang, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ. Bà đã trải qua gần 20 năm đảm đương cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và cũng từng ấy năm là Phó Chủ tịch Quốc hội.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Định công bố quyết định trao Huân chương Sao vàng cho bà Nguyễn Thị Thập. |
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, bà đã vinh dự được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta; đồng thời, được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng, từ tuổi thanh xuân hăng hái, nhiệt tình tham gia cách mạng ở quê nhà xã Long Hưng năm 1928, cho đến khi đảm nhiệm cương vị lãnh đạo như: Xứ ủy viên Nam kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Cuộc đời của bà Nguyễn Thị Thập gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh song rất đỗi hào hùng, vẻ vang của nhân dân tỉnh Tiền Giang và cả nước.
Bà Nguyễn Thị Thập về thăm lại căn cứ Khởi nghĩa Nam kỳ năm xưa. |
Cuộc đời và sự nghiệp của bà Nguyễn Thị Thập luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay nêu cao ý chí cách mạng, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên trì học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
NGUYÊN PHÓ CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG MỸ HOA - CỐNG HIẾN CHO QUÊ HƯƠNG
Trong dòng hồi ức của mình, người con ưu tú của mảnh đất Gò Công, Tiền Giang, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa vẫn còn nhớ đã bị địch bắt ngày 15-4-1964 lúc mới 19 tuổi, vậy mà khi ra tù ngày 7-3-1975, bà đã bước sang tuổi 30. Gần 11 năm bị giam cầm ở Tổng nha cảnh sát ngụy, rồi đến Trại giam Thủ Đức, khám Chí Hòa, sau đó bị đày ra Côn Đảo, trải qua không biết bao lần bị địch tra tấn, đàn áp dã man nhưng bà vẫn giữ vững khí tiết.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cắt băng khánh thành cầu Thôn Thế, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông. Ảnh: M.Thành |
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, người chiến sĩ cách mạng kiên trung Trương Mỹ Hoa vẫn tiếp tục nỗ lực cống hiến không ngừng nghỉ, để rồi từ Bí thư cấp phường ở TP. Hồ Chí Minh, bà đã được tín nhiệm giao nhiệm vụ Bí thư Quận ủy, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh…
Ở cương vị nào bà cũng không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ đó, bà được Đảng và Nhà nước tin tưởng, giao giữ nhiều trọng trách quan trọng như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội, rồi đến Phó Chủ tịch nước.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng các nhà tài trợ đã đến thăm, tặng quà tết cho hộ nghèo 2 xã Tân Thạnh và Tân Thới, huyện Tân Phú Đông. Ảnh: H.Trung |
Khi được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước, đặc biệt là các vấn đề xã hội, trẻ em và phụ nữ. Trong nhiều năm qua, bà là Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính và Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Hoàng Sa và Trường Sa”.
Cũng trong nhiều năm qua, người dân Tiền Giang và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đã rất quen thuộc với hình ảnh một nguyên cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước - Trương Mỹ Hoa vẫn miệt mài đến với trẻ em nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa để trao học bổng, xây trường, trao nhà tình nghĩa, nhà tình thương, quà cứu trợ, quà tết…
HỒNG LÊ (tổng hợp)