.
KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15-10-1930 - 15-10-2020)

"Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"

Cập nhật: 07:59, 15/10/2020 (GMT+7)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập, sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15-10-1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (năm 1954).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (năm 1954).

Tháng 10-1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15-10-1930 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15-10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.

PHƯƠNG PHÁP DÂN VẬN “LẤY DÂN LÀM GỐC”

Trải qua 90 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14 đến 31-10-1930, tại Hồng Kông (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương lần thứ Nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Nghị quyết Trung ương lần thứ Nhất chỉ rõ: “Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động”. Từ tháng 10-1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận Phản đế được ra đời, làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kế thừa tư tưởng “trọng dân”, “thân dân” theo truyền thống của dân tộc; đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, cho nên Người đặc biệt đánh giá cao vai trò, sức mạnh của nhân dân. Người nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”; “Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn dân”; “Dân là gốc của nước”; “Dân là quý nhất, là quan trọng nhất”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Đông (tháng 1-1958).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Đông (tháng 1-1958).

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân là gốc của nước”, là lực lượng chủ yếu của cách mạng, vì dân có số lượng đông, vì “mọi lực lượng đều ở nơi dân”. Dân cũng là những người làm ra mọi của cải vật chất và giá trị văn hóa, nuôi sống bộ máy nhà nước và toàn thể xã hội, làm cho xã hội tồn tại và phát triển: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra”.

Xuất phát từ quan điểm sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cho nên cả cuộc đời của Bác Hồ đã hy sinh phấn đấu vì hạnh phúc của đồng bào. Năm 1946, khi nước nhà mới giành được độc lập, trả lời một phóng viên nước ngoài, Người bộc bạch: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào... chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

PHƯƠNG PHÁP “DÂN VẬN KHÉO” LÀ PHẢI BIẾT PHÁT HUY DÂN CHỦ

Tròn 24 năm trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, dù bận nhiều công việc, nhưng để hiểu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bố trí tiếp dân tại Phủ Chủ tịch và dành thời gian để đi xuống cơ sở tìm hiểu, “lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người không quan trọng”. Những chuyến công tác về địa phương trực tiếp làm việc với nhân dân đã giúp Người nắm sát công việc, hiểu đúng tình hình, từ đó đưa ra những quyết định chỉ đạo đúng đắn, hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tiễn.

Tại các cuộc gặp gỡ giữa Người với các tầng lớp đồng bào, là dịp để đồng bào trao đổi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với người đứng đầu Nhà nước; đồng thời, là nguồn động viên to lớn đối với nhân dân, là cơ sở thắt chặt hơn niềm tin giữa Đảng với dân. Với Người, không bao giờ coi mình đứng cao hơn nhân dân, mà chỉ tâm niệm suốt đời là người phục vụ trung thành và tận tụy với nhân dân.

Đối với nhân dân, từ các vị nhân sĩ trí thức đến bà con nhân dân lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức mẫu mực, tỏa ra ánh sáng của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế ai cũng thấy ở Người sự gần gũi, ấm áp tình thương và sự bao dung, nếp sống giản dị và đức tính khiêm nhường, bởi vì Người đã hy sinh tất cả cho Tổ quốc, cho nhân dân. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

TÁC PHẨM “DÂN VẬN” CỦA BÁC HỒ MÃI SOI ĐƯỜNG CHO CÔNG TÁC DÂN VẬN

Năm 1949, Bác Hồ viết tác phẩm “Dân vận”. Đây là tác phẩm có nội dung, ý nghĩa rất to lớn và quan trọng trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Tác phẩm là bản “tuyên ngôn”, là “cương lĩnh”, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận của Đảng để chúng ta học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện.

Trong tác phẩm “Dân vận”, Bác đã lý giải rất rõ ràng khái niệm “Dân vận là gì?”. Theo Bác, phải làm dân vận với tất cả mọi người, khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi một con người, không để sót một ai, người nào cũng là đối tượng tranh thủ, vận động. Làm được việc đó chính là thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”. Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta, nhân dân ta, là một trong những nguyên nhân quan trọng để có “thành công, thành công, đại thành công”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (tháng 7-1960).
Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (tháng 7-1960).

Đi đôi với việc làm rõ dân vận là gì, Bác đã chỉ ra nhiệm vụ quan trọng của dân vận là vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để thực hiện tốt chủ trương, đường lối, nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho (đoàn thể mà Bác viết trong tác phẩm “Dân vận” là Đảng, bởi vì lúc đó Đảng chưa ra hoạt động công khai).

Theo Bác, để thực hành dân chủ, để vận động nhân dân thì không chỉ có tuyên truyền qua sách báo, mít tinh, khẩu hiệu, chỉ thị, mà phải tìm mọi cách giải thích, nói rõ lợi ích, nhiệm vụ cho dân hiểu, dân tin. Bác còn căn dặn rất cụ thể: “Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”, “khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Thực hiện di huấn của Bác, Đảng ta đã tổng kết thành phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và “không kiểm tra coi như không lãnh đạo”.

Kết thúc tác phẩm “Dân vận”, Bác đã đưa ra một tổng kết vô cùng quan trọng cả về lý luận và thực tiễn: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đó là một trong những nội dung rất cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh: Tất cả vì dân, tất cả cho dân, có dân là có tất cả. Nơi nào làm dân vận không tốt thì khó thành công, nơi nào làm dân vận tốt thì nhiệm vụ khó mấy cũng hoàn thành.

Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Đảng ta đã phát động sức mạnh của toàn dân để vừa kháng chiến vừa kiến quốc nên giành được thắng lợi vẻ vang, thống nhất non sông, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những bài học kinh nghiệm trong công tác dân vận của Đảng được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tổng kết, đó là: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử...”.

HỒNG LÊ

.
.
.