.
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI X ĐẢNG BỘ TỈNH TIỀN GIANG:

Một số kinh nghiệm rút ra

Cập nhật: 09:55, 11/10/2020 (GMT+7)

Từ trong hoạt động lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo thực tiễn, đánh giá những kết quả đạt được, nguyên nhân chủ quan và khách quan, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nêu ra 4 kinh nghiệm.

Kinh nghiệm thứ nhất “Phát huy tốt tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chú trọng phân tích, dự báo tình hình, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện”.

Trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh thành chương trình, kế hoạch cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện gắn với các nhiệm vụ trọng tâm và giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội, trong nhân dân; đồng thời, chú trọng tổng kết thực tiễn, phân công cấp ủy viên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đặc biệt, đã chủ động trong nắm bắt và nhận định đúng diễn biến của tình hình hạn, mặn và dịch bệnh Covid-19 nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cả hệ thống chính trị cùng vượt qua khó khăn kép, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân và có giải pháp giữ cho kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục phát triển.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phát huy tốt tính chủ động, năng động, sáng tạo và gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

Kinh nghiệm thứ hai là “Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, công tác dân vận gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ của doanh nghiệp và của nhân dân; kịp thời giải quyết những vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm, bức xúc”.

Trong nhiệm kỳ qua, công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả tích cực; đã tổ chức gặp gỡ nhân dân 172/172 xã, phường, thị trấn để lắng nghe ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước; thường xuyên tuyên truyền chính sách, pháp luật gắn với chủ động giải quyết một số vấn đề bức xúc của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

Tổ chức Hội thảo tìm giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả Hành chính công (PAPI); thành lập Ban Chỉ đạo nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính công (PAR Index); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, xây dựng chính quyền điện tử hướng đến xây dựng chính quyền số.

Thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã rút ngắn trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết hồ sơ một số lĩnh vực. Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.

Công tác dân vận chính quyền có nhiều đổi mới, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thực hiện cải cách hành chính, tiếp dân, đối thoại và giải quyết bức xúc, khiếu nại, tố cáo của nhân dân; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra”; tăng cường công tác phối hợp để nâng chất lượng thực hiện chuyên đề thi đua “Dân vận khéo - Dân vận chính quyền…      

Kinh nghiệm thứ ba là “Triển khai, quán triệt kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, ngăn chặn, đẩy lùi những quan điểm, biểu hiện sai trái, lệnh lạc gắn với xử lý nghiêm các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước”.

5 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã triển khai, quán triệt kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện sát với điều kiện thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tỉnh ủy đã xây dựng và thực hiện tốt Đề án tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt bằng hình thức trực tuyến từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn và tổ chức đảng. Việc đổi mới hình thức triển khai đã nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên ở cơ sở có điều kiện tiếp cận những thông tin mới, nhất quán được nội dung học tập, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức thực hiện.

Công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các Quy định của Trung ương có liên quan, được các cấp ủy quan tâm, lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành, quản lý của cơ quan nhà nước.

Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và nhận diện rõ hơn những biểu hiện suy thoái, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện sát với chức trách, nhiệm vụ và báo cáo chi bộ, cấp ủy để kiểm tra, giám sát;

Đồng thời, nâng cao đạo đức công vụ, năng lực chuyên môn, thể hiện rõ trách nhiệm nêu gương, hoàn thành tốt nhiệm vụ; tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm, phức tạp ở cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là việc giải quyết khiếu nại của công dân, cải cách thủ tục hành chính,...

Kinh nghiệm thứ tư là “Thực hiện nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu”.

Các cấp ủy tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ và Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức các cấp của tỉnh Tiền Giang trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Qua đó nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đạt chất lượng, số lượng và có cơ cấu hợp lý. Công tác đánh giá cán bộ thực hiện đúng quy định và đúng thực chất, kết quả đánh giá phục vụ kịp thời cho công tác cán bộ.

Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện theo phương châm “động” và “mở”, quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở để tạo nguồn quy hoạch cho cấp trên. Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch được thường xuyên, đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ và dãn cách (5 năm) giữa các độ tuổi cho một chức danh quy hoạch…

M.T

 

.
.
.