Đông Dương trong cảnh nước sôi lửa bỏng
Những năm 1936 - 1939, dưới sự tổ chức và lãnh đạo của các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào vận động dân chủ, đấu tranh chống chiến tranh phát xít và chiến tranh đế quốc, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi quyền dân sinh, dân chủ diễn ra sôi nổi trong cả nước. Các đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo của Đảng tìm cơ hội móc nối lại cơ sở quần chúng cách mạng để xây dựng tổ chức Đảng và phong trào đấu tranh cách mạng.
Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tấn công vào nước Ba Lan. Chiến tranh thế giới lần thứ Hai bùng nổ. Lúc đầu là cuộc chiến tranh giữa 2 tập đoàn đế quốc: Đức, Ý, Nhật và Anh, Pháp, Mỹ. Từ ngày 22-6-1941 trở đi, chiến tranh diễn ra giữa thế lực phát xít Đức, Ý, Nhật với các lực lượng dân chủ chống phát xít (phe Đồng Minh do Liên Xô là trụ cột).
Tác động của chiến tranh thế giới thứ Hai làm cho phong trào giải phóng dân tộc phát triển với mục tiêu chung chống chủ nghĩa phát xít. Thực dân Pháp liền nhảy vào vòng chiến, kéo theo các nước thuộc địa, trong đó có Đông Dương vào cảnh nước sôi lửa bỏng. Để phục vụ cho cuộc chiến tranh bẩn thỉu của chúng, thực dân Pháp thi hành nhiều chính sách cực kỳ phản động đối với nhân dân Pháp và nhân dân các nước thuộc địa của Pháp.
Ở châu Á - Thái Bình Dương, phát xít Nhật đẩy mạnh quy mô xâm lược Trung Quốc. Ở Đông Dương, thực dân Pháp tiến hành phát xít hóa bộ máy cai trị từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời, thủ tiêu mọi quyền dân sinh, dân chủ, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, khủng bố, bắt giam nhiều đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và những người có liên quan đến Cộng sản, làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp càng thêm gay gắt.
Đảng Cộng sản Đông Dương kịp thời đối phó, rút vào hoạt động bí mật, chuyển địa bàn hoạt động về nông thôn. Tháng 6-1940 ở chính quốc, nước Pháp đầu hàng phát xít Đức. Tháng 9-1940, phát xít Nhật xâm chiếm Đông Dương, thực dân Pháp hèn hạ dâng Đông Dương cho Nhật. Phát xít Nhật, thực dân Pháp cấu kết với nhau áp bức, bóc lột nhân dân Đông Dương và lập căn cứ quân sự chống lại phe Đồng Minh ở Đông Nam Á. Từ đây nhân dân ta lâm vào tình cảnh “một cổ hai tròng”.
Tháng 11-1940, bọn quân phiệt Thái Lan theo lệnh phát xít Nhật tiến đánh Campuchia. Quân Pháp ở Đông Dương liền bắt quân lính người Việt ở Nam kỳ ra trận làm bia đỡ đạn cho chúng. Căm thù thực dân Pháp hèn hạ đầu hàng quân Nhật và được cổ vũ bởi tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn, nhân dân Nam kỳ sục sôi khí thế tranh đấu cách mạng để giành quyền sống và quyền làm chủ đất nước.
Từ ngày 6 đến ngày 8-11-1939, tại xã Bà Ðiểm (quận Hóc Môn, tỉnh Gia Ðịnh), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa I) do đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trì. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương không còn phù hợp trong tình hình mới. Trong điều kiện đó, giải phóng dân tộc trở thành nhiệm vụ hàng đầu và cấp bách nhất của cách mạng Đông Dương.
Tinh thần Nghị quyết sớm đi vào đảng viên, quần chúng. Phong trào cách mạng ở Nam kỳ ngày càng phát triển, liên tiếp diễn ra nhiều cuộc mít tinh, biểu tình. Đặc biệt là các cuộc đấu tranh chống bắt lính diễn ra mạnh mẽ kể từ khi thực dân Pháp bắt thêm lính Việt Nam đưa sang chiến trường biên giới Lào - Campuchia để chống quân Xiêm (Thái Lan). Khí thế chiến đấu diễn ra hầu khắp Nam kỳ, đặc biệt là ở tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Long Xuyên, tỉnh Chợ Lớn, tỉnh Gia Định, tỉnh Tân An, tỉnh Vũng Tàu, tỉnh Trà Vinh...
LÊ VĂN TÝ