.

Cờ đỏ sao vàng - Báu vật phương Nam

Cập nhật: 11:09, 23/11/2020 (GMT+7)

(ABO) Quốc kỳ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa. Quốc kỳ là biểu trưng cho quốc gia, là biểu tượng của dân tộc, là niềm tự hào của mọi công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa xuất hiện lần đầu tiên trên cả nước trong cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940 ở tỉnh Mỹ Tho, nó là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần đấu tranh quật khởi của nhân dân ta quyết giành lại bằng được độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Ý chí và tinh thần đó đã phát huy cao độ, làm nên những chiến công thần kỳ "chấn động địa cầu" góp phần tạo nên thắng lợi hoàn toàn, trọn vẹn của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: “Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 mặc dù thất bại, nhưng nó đã để lại cho toàn thể dân tộc ta một vật báu tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hi vọng đầy tràn của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh - lá cờ của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và sau này là quốc kỳ Việt Nam”.

Tháng 3 năm 1940, khi Xứ ủy Nam kỳ triển khai Đề cương khởi nghĩa thì cùng lúc đồng chí Phan Văn Khỏe - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho được Xứ ủy giao nhiệm vụ thiết kế mẫu lá cờ Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Đồng chí Phan Văn Khỏe trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ này cho đồng chí Lê Quang Sô, người phụ trách công tác Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế tỉnh Mỹ Tho và cơ sở in ấn tài liệu của Tỉnh ủy Mỹ Tho.

 Đồng chí Lê Quang Sô là người được đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho giao nhiệm vụ thiết kế mẫu lá cờ Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương- Sau đó được chọn là quốc kỳ. Ảnh do gia đình đồng chí Lê Quang Sô cung cấp
Đồng chí Lê Quang Sô là người được đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho giao nhiệm vụ thiết kế mẫu lá cờ Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương theo phân công của Xứ ủy Nam kỳ - Sau đó được chọn là quốc kỳ. Ảnh do gia đình đồng chí Lê Quang Sô cung cấp

Đồng chí Lê Quang Sô sinh năm 1894 ở thôn Long Hòa, xã Lương Hòa Lạc, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho. Ông tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, trí thức Nho học nhưng thông thạo Hán văn và Pháp văn. Đồng chí thuộc thế hệ trí thức mang nặng tinh thần yêu nước tiêu biểu của nửa đầu thế kỷ XX.

Năm 1927, đồng chí đi Trung Quốc gặp nhà ái quốc Phan Bội Châu, sau đó bị Pháp bắt giam ở nhà tù Côn Đảo cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Trần Văn Giàu, Lư Sanh Hạnh... Khi ra tù, Tỉnh ủy Mỹ Tho giao nhiệm vụ cho đồng chí mở các lớp đào tạo cán bộ trong những năm 1937 - 1939. Đồng chí cũng là người dịch quyển Chiến lược và chiến thuật du kích chiến tranh của Trung Quốc ra tiếng Việt để trang bị kiến thức quân sự cho chiến sĩ cách mạng trong quá trình chuẩn bị cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940 ở Nam kỳ.

Khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Quang Sô, đồng chí Phan Văn Khỏe có trao đổi và gợi ý về đòi hỏi của các tầng lớp dân chúng cần có một lá cờ Mặt trận, lá cờ đoàn kết rộng rãi các giai tầng trong xã hội. Đòi hỏi đó là đúng đắn, cần nghiên cứu.

Trong lúc bị thực dân Pháp giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lê Quang Sô từng nghe kể về ước nguyện của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta là: “Sau này nước nhà độc lập sẽ lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ”.  Đồng chí Lê Quang Sô đem ý nguyện của đồng chí Trần Phú tham khảo với ông Lê Kiến Đức - một nhà Nho yêu nước đã từng bán đất để góp tiền xây dựng Nam Cường thư xã (nhà sách của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho). Ông Lê Kiến Đức bày tỏ sự trăn trở khi nghĩ tới lá cờ: “Mỗi nước đều có lá cờ của mình, trong đó chứa đựng ý nghĩa của nó như cờ Pháp, cờ Liên Xô, cờ Nhật… Còn mình lấy cái gì làm nội dung đây?”.

Theo ý kiến của đồng chí Lê Quang Sô: Lá cờ của Đảng mình là cờ đỏ búa liềm, nay thêm cờ Mặt trận, thêm một cờ đỏ nữa, nền đỏ phải giữ, còn bên trong thì phải tính... Sau đó, đồng chí Lê Quang Sô và đồng chí Hồ Tri Hạ (đảng viên ở tỉnh Bà Rịa lánh địch theo đồng chí Lê Quang Sô về tham gia hoạt động cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho) mày mò vẽ các kiểu ngôi sao, vẽ đi vẽ lại nhiều lần, cuối cùng chọn ngôi sao năm cánh màu vàng vì thấy đẹp. Ngôi sao được dời đi dời lại khắp mọi nơi trên lá cờ, cuối cùng chọn đặt ở vị trí giữa cờ. Qua tham khảo ý nhiều đồng chí khác, đồng chí Phan Văn Khỏe đồng ý với hình mẫu phác thảo này. Tháng 4 năm 1940, mẫu cờ nền đỏ sao vàng năm cánh ở giữa hoàn thành.

Tháng 7 năm 1940, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ ở xã Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho họp và quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc khởi nghĩa, trong đó có hình thức của chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu, chính sách đối với các tầng lớp nhân dân.

Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng năm cánh. Nền cờ đỏ tượng trưng cho dòng máu đỏ, màu nhiệt huyết cách mạng, màu chiến đấu và chiến thắng. Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho màu da vàng, tượng trưng cho sự sáng ngời linh hồn dân tộc Việt Nam.

Năm cánh của ngôi sao tượng trưng cho sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong xã hội (sĩ, công, nông, thương, binh) cùng nhau chiến đấu giành độc lập, tự do và sự quy tụ đó là của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kích cỡ lá cờ cũng được sơ bộ quy định thống nhất: Lá cờ hình chữ nhật, chiều ngang bằng 2/3 chiều dài, ngôi sao năm cánh, mỗi cánh của ngôi sao bằng 1/5 chiều dài lá cờ và ngôi sao đặt ở trung tâm hình chữ nhật.

Như vậy, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ tháng 7 năm 1940 ở xã Tân Hương, quận Châu Thành thông qua phác thảo lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa do Tỉnh ủy Mỹ Tho thiết kế làm quốc kỳ của “Việt Nam Dân chủ cộng hòa quốc” và sẽ treo phổ biến trong toàn Nam kỳ khi cuộc khởi nghĩa diễn ra.

Tháng 8 năm 1940, đồng chí Phan Văn Khỏe giao nhiệm vụ cho Quận ủy Châu Thành tổ chức mua vải và may lá cờ đỏ sao vàng thật to theo mẫu thiết kế của đồng chí Lê Quang Sô, chuẩn bị hiệu triệu cho cuộc khởi nghĩa.

Để may lá cờ lớn (dài 2,5 mét; rộng 1,8 mét) chỉ cần có 6 mét vải tây đỏ (khổ 0,8 mét), nhưng tìm được vải đỏ là hết sức khó khăn. Vì vải đỏ, giấy điều (giấy đỏ) đều bị chính quyền thống trị cấm buôn bán, ai lưu giữ bị phát hiện sẽ vô cùng phiền phức. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, Quận ủy Châu Thành vận động một chủ tiệm vải người Hoa ở chợ Giữa xã Vĩnh Kim nhượng lại toàn bộ số vải đỏ mà tiệm đang có khoảng 20 mét, khổ 0,4 mét. Số lượng vải này đủ may một lá cờ và một băng rôn.

Quận ủy Châu Thành giao cho nữ đồng chí Nguyễn Hoàng Oanh (Nguyễn Thị Thẩm - Tám Thẩm) - Quận ủy viên quận Châu Thành nhận may lá cờ với lời căn dặn: Phải may chắc chắn, lá cờ phải chịu được mưa to gió lớn nhiều ngày. Lá cờ may tại nhà đồng chí Tám Thẩm ở xã Long Hưng, quận Châu Thành.

Vải đỏ có rồi, vải vàng không bị cấm buôn bán nhưng cũng rất hiếm, trong xã Vĩnh Kim chỉ có một gia đình khá giả có được vải vàng đó là bức màn treo trước bàn thờ gia tiên (bức xã kỷ, tiền bàn), chủ gia liền tháo ra gởi đến may ngôi sao. “Đại kỳ” của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa hoàn thành. Ủy ban khởi nghĩa quận Châu Thành giao Đại kỳ cho Chi bộ xã Long Hưng treo khi cuộc khởi nghĩa diễn ra.

Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, trong lúc lực lượng khởi nghĩa chiếm nhà việc xã Long Hưng, đồng chí Đặng Văn Hiệp (Tư Hiệp) - Bí thư Chi bộ xã Long Hưng cùng đồng chí Nguyễn Văn Tốt dùng tầm vông làm cán cờ treo lá cờ trên chót vót ngọn cây bàng tại Đình Long Hưng - trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho.

Cùng với xã Long Hưng (Châu Thành), cờ đỏ sao vàng xuất hiện khắp tỉnh Mỹ Tho. Sau đó, trong các văn bản và hội nghị quan trọng của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa chính thức xác định lá cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của Nhà nước Việt Nam mới.

Trong cuộc hội thảo khoa học “Mỹ Tho từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945” tổ chức ngày 21-10-2005, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc phát biểu:

“Theo chúng tôi, có một vấn đề chung cần thống nhất khẳng định là “lá cờ đỏ sao vàng” là có chủ trương của Đảng, lá cờ là biểu trưng của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Nói chủ trương của Đảng là nói chung, nhưng trực tiếp xây dựng lá cờ là Xứ ủy Nam kỳ.

Và thực tế đồng chí Tiến, đồng chí Khỏe và một số đồng chí nữa đều tham gia Xứ ủy Nam kỳ. Do đó có thể kết luận, “lá cờ đỏ sao vàng” là do các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam kỳ trực tiếp xây dựng; ý tưởng và kết quả công trình “lá cờ đỏ sao vàng” là của tập thể chứ không riêng của cá nhân nào… Cho nên xoay quanh “lá cờ đỏ sao vàng” chúng tôi đề nghị Hội thảo thống nhất như thế.

Chúng ta khẳng định lá cờ ra đời như thế và sau này được Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (năm 1941) quyết định “lá cờ đỏ sao vàng” trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ được chọn là lá cờ của Mặt trận Việt Minh. Và đến Quốc dân Đại hội Tân Trào quyết định lấy “lá cờ đỏ sao vàng” làm lá cờ chính thức của Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đến Quốc hội khóa I chính thức trở thành Quốc kỳ”.

Ngày 28-1-2007, đồng chí Nông Đức Mạnh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tham quan Đình Long Hưng và ghi vào sổ cảm tưởng: “Đình Long Hưng - di tích lịch sử Quốc gia, nơi đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11 năm 1940, là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi của nhân dân ta không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Tinh thần đó đã được phát huy cao độ, làm nên những chiến công thần kỳ, góp phần tạo nên thắng lợi hoàn toàn, trọn vẹn của đất nước ta trong chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc”.

Quốc kỳ - lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa là Báu vật phương Nam được kết tinh suốt hàng ngàn năm đấu tranh anh dũng, kiên cường, bền bỉ chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước, là tinh anh, là hồn cốt của dân tộc ta! Lá cờ đỏ sao vàng ra đời đã khẳng định sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam gắn liền với những năm tháng đấu tranh kiên cường, bất khuất, hy sinh anh dũng của nhân dân Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi của Tổ quốc, giành chính quyền, thống nhất đất nước, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn để có cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.

TS. LÊ VĂN TÝ

 

 

.
.
.