.

Góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Cập nhật: 08:59, 04/11/2020 (GMT+7)
chu-khang-(2).jpg
 

TS. NGUYỄN VĂN KHANG, NGUYÊN PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, NGUYÊN CHỦ TỊCH UBND TỈNH, CHỦ TỊCH LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC KỸ THUẬT TỈNH TIỀN GIANG:

Trung ương cần đẩy mạnh phát triển công nghệ số

Qua nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (viết tắt là Đại hội XIII của Đảng), tôi nhận thấy Đảng ta đã đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan về những thuận lợi cũng như khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Có thể nói, dự thảo các văn kiện đã đề cập đến những vấn đề cơ bản, then chốt, liên quan đến vận mệnh, tiền đồ phát triển của đất nước, của dân tộc. Điều đó một lần nữa khẳng định chân lý: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài việc chăm lo, bảo vệ lợi ích của nhân dân, của toàn dân tộc. Toàn bộ dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã toát lên tinh thần cao đẹp đó.

Đối với chiến lược phát triển lâu dài, tôi cũng rất đồng tình, bởi dự thảo đã dự báo tình hình và tầm nhìn chiến lược của Đảng, không chỉ định hướng phát triển trong 5 năm tới, mà còn định hướng chiến lược đến năm 2045 - thời điểm đất nước ta kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập; trong đó, Đảng ta mạnh dạn xác định trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có và tiếp thu những thành quả chung của thế giới về công nghệ 4.0, đến năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển trong khu vực.

Trong chiến lược này, Đảng ta cũng nêu rõ xây dựng hạ tầng số chính là khâu đột phá, là một trong những giải pháp quan trọng về hạ tầng để phát triển nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế số. Để giải quyết về mặt chiến lược, tôi nghĩ rằng, khâu cán bộ là cực kỳ quan trọng, nếu phát triển kinh tế số mà đội ngũ cán bộ không theo kịp với thành quả chung của thế giới về công nghệ 4.0 thì không thể tạo ra đột phá.

Do đó, tôi đề nghị, trong quá tình đào tạo cán bộ, trung ương cần đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ, từ cấp cơ sở, địa phương, để đồng bộ hóa giữa cán bộ trung ương, địa phương và cơ sở. Đội ngũ cán bộ này, ngoài phẩm chất đạo đức cách mạng, còn phải đủ tầm, có khả năng lĩnh hội công nghệ số. Ngoài ra, trung ương và địa phương cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cứng, đầu tư xây dựng sao cho đồng bộ, vì hạ tầng cứng là tiền đề để phát triển nền tảng số.

 

PGS-TS. THẦY THUỐC NHÂN DÂN TẠ VĂN TRẦM, GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG TÂM TIỀN GIANG:

Việc định hướng theo Phương án 1 là có cơ sở vững chắc

Qua nghiên dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, cho thấy dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng Đảng ta đã lãnh đạo đất nước phát triển nhanh và bền vững, nêu bật những thành tựu đạt được qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm, 10 năm và tầm nhìn đến năm 2045; công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng sát hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.

Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đạt được những thành tựu quan trọng; văn hóa - xã hội có bước phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ quốc tế ngày càng sâu rộng; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, tạo chuyển biến rõ nét, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Nhìn chung, nội dung, bố cục của văn kiện đánh giá đúng những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời, chỉ ra những thiếu sót, tồn tại, rút ra những bài học kinh nghiệm; đề ra những mục tiêu, phương hướng, các chỉ tiêu cụ thể, có cơ sở, cùng các giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Tôi thống nhất cao các nội dung trong dự thảo văn kiện.

Riêng đối với dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH nhiệm kỳ 2015 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi chọn Phương án 1: “Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao”; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”, là hoàn toàn phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong thời gian tới. 

Bởi trong nhiệm kỳ đại hội vừa qua, mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng ta đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, đất nước tiếp tục phát triển nhanh, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo dấu ấn nổi bật trên trường quốc tế, tạo được niềm tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, việc định hướng theo Phương án 1 là có cơ sở vững chắc. Tôi tin tưởng rằng, Đảng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo tạo ra những đột phá mới cho đất nước ta trong thời gian tới.

HOÀI THU (lược ghi)

.
.
.