Tô thắm thêm truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam
Cách đây 90 năm, sau khi Đảng ta ra đời chưa đầy 1 năm, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mỗi giai đoạn cách mạng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã có những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, song luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc. 90 năm qua là chặng đường lịch sử vẻ vang, đầy tự hào của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, từ khi Đảng ta ra đời và lãnh đạo cách mạng, truyền thống ấy càng được phát huy cao độ. Sự hình thành, phát triển, cùng những đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong suốt 90 năm qua đã góp phần khẳng định và tô thắm thêm truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam và quan điểm, đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
VÌ MỤC TIÊU GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
Từ khi Đảng ra đời đã xác định nhiệm vụ hàng đầu là giải phóng dân tộc. Vì vậy, sau khi thành lập Đảng vào ngày 3-2-1930, hơn 9 tháng sau, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Ngay từ khi thành lập, Đảng đã thấy rằng, ở một nước thuộc địa với 90% người dân không biết chữ, cuộc sống muôn vàn khó khăn, nếu muốn có một sức mạnh để thắng chế độ thực dân áp bức, không cách nào khác là tạo một sức mạnh của tất cả người dân để làm cách mạng. Khi đứng trước thách thức lớn, sức mạnh dân tộc là sức mạnh của hàng chục triệu người liên kết lại vì mục tiêu giải phóng dân tộc.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam duyệt đơn vị Quân Giải phóng. |
Trong từng giai đoạn lịch sử, bối cảnh của quốc tế có thay đổi, mục tiêu được điều chỉnh và hình thức, tên gọi của Mặt trận cũng có sự thay đổi. Giai đoạn 1936 - 1939, khi phong trào dân chủ phát triển, Mặt trận có các tên gọi: Mặt trận Thống nhất nhân dân Phản đế, Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, Nhật Bản tham chiến, cần có một phương thức tập hợp hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, năm 1941 Mặt trận Việt Minh ra đời nhằm tập hợp lực lượng tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước ta lại tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, sự ra đời của Mặt trận Liên Việt đã góp phần tập trung lực lượng để đi đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong kháng chiến chống Mỹ, có 3 hình thức Mặt trận với tên gọi khác nhau, nhưng đều hướng tới mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Với phương thức đa dạng, tập hợp các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã đã giành thắng lợi, thống nhất đất nước năm 1975. Năm 1977, tại TP. Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là MTTQ Việt Nam.
Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, MTTQ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đã giành được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
"90 NĂM PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC"
Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học quốc gia: “90 năm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.
Trình bày tại hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “90 năm qua, trải qua nhiều chặng đường lịch sử, dù mang nhiều tên gọi khác nhau nhưng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam luôn thống nhất về tôn chỉ, mục đích: Đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc Việt Nam, vì mục tiêu hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội...
Chặng đường 90 năm qua của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là pho sử quý giá, là niềm tự hào của dân tộc, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, để từ có được những định hướng xây dựng và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Từ các góc độ tiếp cận khác nhau, Hội thảo đã làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất; đồng thời khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc thống nhất trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước.
Chặng đường 90 năm xây dựng và phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất đã để lại những bài học vô cùng quý giá. Bài học xuyên suốt là phải luôn quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong từng thời kỳ lịch sử”.
HỒNG LÊ (tổng hợp)