.

Tách luật không phải là chia vấn đề chia quyền mà bảo đảm tốt hơn cho sự an toàn của con người

Cập nhật: 21:36, 16/11/2020 (GMT+7)

Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, trên thực tế việc tách các dự án Luật không có gì mới, việc tách luật là việc bình thường nếu cần thiết, và tách luật “không phải là chia vấn đề chia quyền mà bảo đảm tốt hơn cho sự an toàn của con người”.

a
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an.

Chiều 16-11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).

Tách luật nhằm bảo đảm tốt hơn an toàn của người dân

Phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai dự án Luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm TTATGTĐB, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an cho biết sự cần thiết tách nội dung bảo đảm TTATGTĐB khỏi Luật Giao thông đường bộ hiện hành xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTANXH) do Bộ Công an chịu trách nhiệm chính.

“Chính phủ xác định TTATGT là một bộ phận của bảo đảm TTATXH nên đã yêu cầu xây dựng Luật Bảo đảm TTATGTĐB, giao trách nhiệm cho Bộ Công an chịu trách nhiệm chính công tác này, phối hợp các bộ, ngành khác để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân”, Bộ trưởng Công an nói.

Về việc tách một luật thành hai dự án luật, Bộ trưởng Công an cho biết việc tách các dự án luật thì trên thực tế không có gì mới, nhiều luật đã được tách, thí dụ như Luật Đầu tư; Luật Khiếu nại, tố cáo... đều được tách thành nhiều dự án luật khác nhau.

“Việc tách luật là việc bình thường nếu cần thiết. Không phải là chia vấn đề chia quyền mà bảo đảm tốt hơn cho sự an toàn của con người”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Dẫn chứng nhiều ý kiến cử tri đều rất quan tâm đến việc bảo đảm an toàn giao thông, Bộ trưởng Công an khẳng định: “Đây là vấn đề phổ cập của toàn xã hội, từ cháu bé bắt đầu đi học đến cụ già đều cần được tuyên truyền. Người tham gia giao thông thì phải học luật, phải thi, sát hạch nên các quy định phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Nếu để chung với các luật khác sẽ quá dài, khó tiếp cận”.
Tách luật không phải là chia vấn đề chia quyền mà bảo đảm tốt hơn cho sự an toàn của con người -0
 Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Theo Bộ trưởng, việc trình Quốc hội xin ý kiến đối với dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các thành viên Chính phủ nhất trí; đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã bàn thảo, nhất trí việc tách thành hai dự án Luật, bảo đảm không vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng văn bản pháp luật, không làm ảnh hưởng lẫn nhau.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định, nếu giao trách nhiệm cho Bộ Công an bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thì lực lượng Công an không tăng biên chế, không tăng thủ tục hành chính.

Chuyển giao cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân

Giải trình nhiều ý kiến đại biểu về vấn đề chuyển giao thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) về Bộ Công an quản lý, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Chính phủ đã có Báo cáo số 585 ngày 5-11 gửi các đại biểu Quốc hội, trong đó đã có đánh giá tác động đối với người dân.

Cụ thể, việc chuyển giao cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an được xây dựng theo định hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Theo đó, người lái xe tiếp tục sử dụng GPLX đã cấp cho đến khi hết thời hạn hoặc khi có nhu cầu đổi, cấp lại. Người dân được lựa chọn hình thức học, lựa chọn cơ sở đào tạo, giáo viên dạy lái, trung tâm sát hạch lái xe có chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của cá nhân.

Việc tích hợp dữ liệu quản lý căn cước công dân giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, người dân sẽ không phải kê khai thông tin cá nhân mà cơ quan quản lý căn cứ vào dữ liệu căn cước công dân để thực hiện thủ tục cấp, đổi theo yêu cầu. Người dân có thể nộp hồ sơ cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe qua Công an xã, tương tự như nộp hồ sơ về căn cước công dân.

a
Quang cảnh phiên làm việc ngày 16-11 của Quốc hội.

Về biên chế, tổ chức bộ máy khi chuyển giao, ngành Giao thông vận tải chỉ phải bố trí sắp xếp lại 650 biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm tiết kiệm nguồn nhân lực.

Đối với Bộ Công an được bố trí ở bốn cấp (Bộ, tỉnh, huyện và xã), trong đó đã bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo ba cấp (Bộ, tỉnh và huyện) gồm 769 đầu mối, nên chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế, đủ điều kiện tiếp nhận công tác chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành Giao thông vận tải. Cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý đều bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, đã có kinh nghiệm thực tế về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đối với hệ thống cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe hiện nay cơ bản được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, là một loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện, cơ sở vật chất được đầu tư từ nguồn vốn của tổ chức, cá nhân, được tự chủ thu chi, nguồn nhân lực, do đó việc thay đổi cơ quan quản lý không ảnh hưởng đến các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe đã được đầu tư xây dựng.

Đối với đội ngũ giáo viên dạy lái đã được cấp giấy chứng nhận sẽ tiếp tục được tham gia công tác đào tạo lái xe nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện thuộc các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cũng sẽ tiếp tục được sử dụng.

Bên cạnh đó, để phục vụ công tác quản lý, Bộ Công an đã đầu tư, triển khai và lắp đặt hệ thống hơn 700 điểm đăng ký quản lý phương tiện tại 63 địa phương, phân cấp quản lý thành ba cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện; xây dựng phần mềm quản lý GPLX và phần mềm in GPLX trên chất liệu nhựa tại 63 Công an các địa phương để cấp và quản lý GPLX trong Công an nhân dân.

Báo cáo cũng nêu rõ, định hướng khi chuyển giao nhiệm vụ, công tác quản lý GPLX sẽ được phân cấp đến Công an cấp huyện. Việc tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại của người dân sẽ được thực hiện từ cấp xã; sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ triển khai cấp, đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công, kết hợp tiếp nhận hồ sơ theo phương pháp thủ công dành cho người dân thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa, địa bàn chưa phát triển về khoa học, công nghệ.

(Theo nhandan.com.vn)

.
.
.