Tri ân sâu sắc với những gia đình có công trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ
Cập nhật: 21:29, 20/11/2020 (GMT+7)
(ABO) Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 - 23-11-2020), trong những ngày qua, Tiền Giang đã tổ chức 15 đoàn lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thăm, tặng quà 75 gia đình chính sách là thân nhân các liệt sĩ tại các xã của huyện Châu Thành, TX. Cai Lậy và TP. Mỹ Tho, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tri ân các gia đình có công trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
80 năm qua, những người tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nay đã ngoài 100 tuổi và đã không còn sống nữa. Đa phần những người chiến sĩ kiên trung này đều bị bắt đày ra Côn Đảo rồi hy sinh. Đến thăm gia đình liệt sĩ Phan Văn Khỏe, người chiến sĩ cộng sản kiên cường của Nam kỳ. Đầu năm 1940, đồng chí Khỏe là Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ tăng cường về Mỹ Tho với chức vụ là Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) để duy trì sự ổn định về tổ chức và xây dựng lực lượng chuẩn bị phong trào cách mạng mang tính chất toàn Xứ.
Đồng chí Khỏe là người được Xứ ủy trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo thiết kế lá cờ Mặt trận (Quốc kỳ nước ta hiện nay). Với vai trò là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí trực tiếp chỉ đạo công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Mỹ Tho. Năm 1941, đồng chí bị giặc bắt, sau đó kết án đày ra Côn Đảo.Đến năm 1946, đồng chí lại bị giặc bắt tra tấn và giết chết.
Đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang ân cần thăm hỏi thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Kỉnh ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành. |
Người thờ cúng đồng chí Phan Văn Khỏe hiện nay là anh Phạm Văn Thịnh, cháu cố của đồng chí Phan Văn Khỏe (ở xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy). Anh Thịnh cho biết: “Bản thân và gia đình rất tự hào về ông của mình. Là thế hệ con cháu, tôi sẽ phát huy truyền thống gia đình, phấn đấu lao động phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương”.
Thăm, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đã ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân tỉnh Tiền Giang trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc và cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Tiền Giang một trong những địa phương chịu nhiều mất mát và hy sinh. Sau ngày giải phóng, đặc biệt là sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng bộ, dân và quân Tiền Giang đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, đồng chí Võ Văn Bình cũng bày tỏ vui mừng khi được biết đa phần các hộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Châu Thành nói chung và xã Long Hưng nói riêng đều có mức sống cao hơn mức trung bình của người dân địa phương.
Đồng chí Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền giang ân cần thăm hỏi thân nhân liệt sĩ Huỳnh Văn Bá, xã Long Hưng, huyện Châu Thành. |
Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Đa, cháu của liệt sĩ Nguyễn Văn Kỉnh (ấp Long Bình A, xã Long Hưng), bà Đa xúc động cho biết: “Thật vinh dự khi được lãnh đạo tỉnh đến thăm và tặng quà. Dù đã trải qua 80 năm cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nhưng Đảng, nhà nước vẫn luôn nhớ đến gia đình chúng tôi. Tôi rất tự hào về truyền thống gia đình và luôn sống tốt, giáo dục con cháu trở thành những người có ích cho xã hội”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tình nghĩa vừa mới xây xong, ông Nguyễn Thanh Hồng, cháu của liệt sĩ Nguyễn Văn Ghè (xã Long Hưng, huyện Châu Thành) không giấu được niềm vui phấn khởi. Ông Hồng cho biết: “Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nên gia đình tôi mới có điều kiện xây dựng được căn nhà kiên cố. Chính nhờ sự tri ân lớn lao của Đảng, Nhà nước, của nhân dân bằng cả tình thương và trách nhiệm đối với các đối tượng chính sách như tôi, thật là ấm lòng!”.
Đồng chí Lê Văn Hưởng ân cần thăm hỏi ông Nguyễn Thanh Hồng thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Ghè. |
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng chúc mừng gia đình ông Hồng có căn nhà mới và mong ông cùng gia đình giữ gìn sức khỏe, tích cực lao động phát triển kinh tế gia đình; giáo dục con cháu giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình. Thấy căn nhà tình nghĩa của ông Hồng chưa thật hoàn chỉnh, đồng chí Lê Văn Hưởng đã căn dặn lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình phát triển; địa phương vận động thêm các nguồn có thể hỗ trợ cho ông Hồng làm thêm hàng rào phía trước nhà...
Địa bàn huyện Châu Thành nói chung và xã Long Hưng nói riêng là cái nôi của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Trên địa bàn huyện Châu Thành có hàng trăm gia đình có công trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa, ngoài các đoàn lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang thì huyện Châu Thành đều tổ chức nhiều đoàn đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
Đồng chí Trần Hữu Phong, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho biết: “Năm nay tròn 80 ngày Nam kỳ khởi nghĩa, ngoài 75 gia đình chính sách của tỉnh đến thăm, tặng quà thì lãnh đạo huyện Châu Thành cũng đã đến thăm và tặng quà cho 10 hộ có công với cách mạng trên địa bàn huyện. Các phần quà tuy giá trị không lớn nhưng đó là sự tri ân của Đảng, Nhà nước đối với những gia đình có công trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ”.
Đồng chí Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ân cần thăm hỏi thân nhân liệt sĩ Hồ Văn Hóa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành. |
Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, cùng với ý chí tự lực, tự cường, các gia đình chính sách, người có công tiếp tục nỗ lực vượt khó vươn lên, cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp.
LÊ PHƯƠNG