.
KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA I (6-1-1946 - 6-1-2021)

Họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh: Đại biểu Quốc hội khóa I (1946 -1960) đơn vị tỉnh Mỹ Tho

Cập nhật: 10:09, 04/01/2021 (GMT+7)

Năm 1937, họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh sáng tác bức tranh Đường đi Lương Phú - Mỹ Tho, được giới mỹ thuật đánh giá cao. Nhà sưu tầm tranh Minh Ngọc viết: “Qua bức tranh này, ta thấy có một sự phối hợp rất chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa cái sở học trường lớp với cái thực tại ngoài đời, cùng sự tư duy của tác giả đã tạo ra một tác phẩm rất có giá trị nghệ thuật. Theo tôi, ta có thể xem đây là một tác phẩm kinh điển để tham khảo về bố cục, hình thể, bút pháp, cách dụng màu, sự diễn đạt ánh sáng và cả về ý nữa. Một tác phẩm lớn của nền hội họa Việt Nam trong thời kỳ mới phôi thai, rất xứng đáng để chúng ta trân trọng”.

Tranh Trương Định được nhân dân phong soái của Nguyễn Phi Hoanh.                                                       Ảnh: Internet
Tranh Trương Định được nhân dân phong soái của Nguyễn Phi Hoanh. Ảnh: Internet

Nguyễn Phi Hoanh sinh năm 1905 tại làng An Hội, quận Châu Thành, tỉnh Bến Tre (nay là phường An Hội, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre), trong một gia đình có truyền thống hành nghề Đông y. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở tỉnh Bến Tre; sau lên học trung học ở Trường Lasan Taberd (Sài Gòn). Từ tuổi thiếu niên ông đã say mê nghệ thuật, qua những bức tranh thủy mặc treo nơi bàn thờ tổ tiên. Ý tưởng muốn theo học ngành nghệ thuật ở nước ngoài đã thôi thúc ông tìm đường sang Pháp.

Sau khi thi đậu Tú tài toàn phần, theo lời khuyên của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, ông dự thi vào Trường Mỹ thuật Toulouse và đã đỗ sau kỳ thi sát hạch. Sau 3 năm miệt mài học tập, ông đã lấy bằng họa sĩ ngành sơn dầu với bức tranh có tên Người mẫu xem tranh khi họa sĩ vắng mặt. Tác phẩm này đoạt giải Manry của TP. Toulouse với Huy chương Bạc và 1.000 francs tiền thưởng.

Không dừng lại đó, ông đến Paris, học tiếp ở Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật. Tại đây, ông vừa phải chật vật kiếm sống để tiếp tục học tập, vừa tham gia phong trào sinh viên Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ ở Pháp.

Năm 1934, ông về nước. Thống đốc Nam kỳ Krautheimer tìm cách tranh thủ, đề nghị ông làm Giám đốc Trường Mỹ thuật Gia Định (nay là Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh), nhưng ông từ chối, về tạm trú nơi quê vợ ở Mỹ Tho. Tại đây, nhà sư Minh Đàng trụ trì chùa Vĩnh Tràng đã đặt ông làm tượng mình và vị sư trụ trì tiền nhiệm là hòa thượng Chánh Hậu. Tượng hai vị hòa thượng mặc áo cà sa, chắp tay niệm Phật còn được lưu giữ đến ngày nay.

Một thời gian sau, ông lên Sài Gòn sống bằng nghề vẽ tranh phong cảnh. Một số tranh tĩnh vật vẽ theo phong cách tân cổ điển của ông hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Năm 1935, ông dạy vẽ ở Trường Donnai và Trường Huỳnh Khương Ninh.

Với bức tranh Đường đi Lương Phú - Mỹ Tho do ông vẽ năm 1937, nhà sưu tầm tranh Minh Ngọc viết tiếp: “Sau hết, có thể nói đây là một tác phẩm lớn của nghệ thuật tả thực, cũng như đã đặc tả được cái chất của miền sông nước miền Tây Nam bộ, không dễ tìm và nó cũng cho ta biết vào năm 1937 Quốc lộ 1 lúc đó vẫn còn là con đường đất đỏ.

Không dám đại ngôn, nhưng trong thời gian qua, tôi cũng có hân hạnh được xem qua rất nhiều tác phẩm hội họa Việt Nam qua các buổi triển lãm, rồi có nhận xét hơi chủ quan là: Tôi chưa thấy có một tác phẩm hội họa nào của người Việt cùng thời vẽ phong cảnh hiện thực mà vượt qua được bức tranh này của ông Nguyễn Phi Hoanh”.

Cũng trong thời gian này, tập tiểu thuyết Vì đâu của ông có nội dung tố cáo chính sách cai trị của thực dân Pháp được đăng tải nhiều kỳ trên Báo Dân quyền. Tháng 8-1945, ông tham gia giành chính quyền Sài Gòn. Tháng 1-1946, ông  được bầu làm đại biểu Quốc hội tỉnh Mỹ Tho khóa I (1946 - 1960).  Sau đó, ông ra Hà Nội dự 2 kỳ họp Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ nhất diễn ra vào tháng 3-1946, ông cùng với các đại biểu bỏ phiếu công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, bầu ra Ban Thường trực Quốc hội và Ban Dự thảo Hiến pháp. Tại Kỳ họp thứ hai diễn ra vào tháng 11-1946, ông và các đại biểu đã thảo luận,  biểu quyết thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta và 1 dự án Luật.

Từ sau Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), ông trở về Nam bộ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp với chức vụ Ủy viên tài chính Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ.

Cuộc đời ông là một tấm gương lao động nghệ thuật tận tụy và trong sáng. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Viện Tiểu sử ABI (Mỹ) tặng ông Huy chương Vàng năm 1997.

Sau Hiệp định Genève (ngày 20-7-1954), ông tập kết ra Bắc. Với tư cách là đại biểu Quốc hội khóa I, ông đã tham dự 9 kỳ họp của Quốc hội, từ Kỳ họp thứ 4 (tháng 3-1955) đến Kỳ họp thứ 12 - Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I (tháng 4-1960).

Tại các kỳ họp, ông đã cùng với các đại biểu thảo luận, biểu quyết thông qua bản Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959, 14 Luật, bầu Ban Thường trực Quốc hội và phê chuẩn Hội đồng Chính phủ do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng.

Bên cạnh đó, ông còn làm công tác giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) và sáng tác tranh. Tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958 được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, bức tranh Hồi tưởng đất Bắc của ông đã đoạt giải Nhì, được Đại sứ Tiệp Khắc tại Hà Nội mua ngay trong ngày khai mạc.

Tranh Đường đi Lương Phú - Mỹ Tho. Ảnh: Nhà sưu tầm tranh Minh Ngọc.
Tranh Đường đi Lương Phú - Mỹ Tho. Ảnh: Nhà sưu tầm tranh Minh Ngọc.

Về đề tài lịch sử chống ngoại xâm, ông có những bức tranh: Hai Bà Trưng xuất trận, Trận Bạch Đằng, Vua Quang Trung tiến vào Ngọc Hồi, Trương Định được nhân dân phong soái… Những bức tranh này đang được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh. Cũng trong thời gian này, ông hoàn thành quyển Lược khảo mỹ thuật Việt Nam, được Nhà Xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1970. Sách được dịch sang tiếng Nga sau đó.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông trở về miền Nam. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Quyển sách thứ hai của ông có tựa đề Một số nền mỹ thuật thế giới được Nhà Xuất bản Văn hóa in năm 1978.

Sau đó, quyển sách này đã được ông bổ sung, hoàn chỉnh và ra mắt bạn đọc với tên mới Mỹ thuật và nghệ sĩ do Nhà Xuất bản TP.  Hồ Chí Minh ấn hành năm 1993. 

Ông đã hoàn thành bản thảo quyển Ký ức lão cuồng họa. Đây là tập hồi ký kể về cuộc đời của ông từ lúc nhỏ nơi quê nhà, sang Pháp học hành, tham gia cách mạng và hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, quyển sách chưa kịp xuất bản thì ông đã vĩnh viễn ra đi năm 2001.

TUỆ MINH

.
.
.