.

"Là lãnh đạo, chúng ta đã nói được thì làm được…" (*)

Cập nhật: 10:12, 08/01/2021 (GMT+7)

Sáng nay, chúng ta đã có hơn 3 giờ để kiểm điểm kết quả việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2021.

Như các đồng chí đều biết, ngay từ đầu năm, tình hình hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt hơn cả năm 2016, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gần đây xảy ra nhiều trường hợp hộ chăn nuôi heo bị bệnh dịch tả châu Phi (đã có trên 95 trường hợp hộ chăn nuôi heo tại 29 xã của 8 huyện, thành phố bị bệnh dịch tả châu Phi), làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến đời sống, việc làm của doanh nghiệp và người dân... Nhưng chúng ta đã có sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn và đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống hạn, mặn, dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ổn định, đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Điều phấn khởi là, phần lớn các nhóm chỉ tiêu quan trọng chúng ta thực hiện đạt và vượt so với Nghị quyết năm như: Thu ngân sách địa phương 10.888 tỷ đồng, đạt 100,7% (Nghị quyết 10.810 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người 57,4 triệu đồng, đạt 103,8% (Nghị quyết là 55,3 triệu đồng), tăng 2,1 triệu đồng so với năm 2019; chi cho đầu tư phát triển 5.530 tỷ đồng, đạt 122,7%, tăng 26,5% so với năm 2019 (Nghị quyết 4.505 tỷ đồng).

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 750 doanh nghiệp, đạt 115,4% kế hoạch (Nghị quyết từ 650 - 700 doanh nghiệp), tăng 12% so với năm 2019. Xây dựng 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 108% (Nghị quyết 25 xã), nâng tổng số toàn tỉnh đến nay có 118/143 xã nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 82,52% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới); 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 112,5% (Nghị quyết 8 xã); có 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy); 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Đông). Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 51%, đạt 100%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,87% (9.429 hộ) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (Nghị quyết 2,25%). Các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, môi trường và các chỉ tiêu khác thực hiện đều đạt so với Nghị quyết.

Về nguyên nhân đạt được, tôi xin nói 3 nguyên nhân nổi bật:

Đó là: Sự đoàn kết, thống nhất trong các cấp ủy, trong chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể luôn được tăng cường, nên đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, của nhân dân; chất lượng bộ máy của các cơ quan, ban, ngành và năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát ngày càng đi vào chiều sâu, đúng trọng tâm, trọng điểm, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm, nâng cao niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành, quản lý của cơ quan chính quyền.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Đó là: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được quan tâm củng cố, nâng chất. Việc triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các quy định về nêu gương, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền thường xuyên được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong tư tưởng, trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp (từ cơ sở đến tỉnh), đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, đạt chất lượng về nội dung, chương trình và phương án nhân sự cấp ủy theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đó là: Tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; trong đó đã đầu tư mới các cầu Ngũ Hiệp, cầu Bình Xuân, cầu Long Hưng, cầu Vàm Trà Lọt, cầu Nguyễn Văn Tiếp mà nhiều năm qua chỉ dừng lại ở ý tưởng, ở mơ ước (với tổng mức đầu tư trên 634 tỷ đồng), góp phần quan trọng trong việc kết nối giao thông thông suốt giữa các địa phương trong vùng và các vùng trong tỉnh... Các chủ trương, chính sách, nguồn lực, giải pháp xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai đồng bộ, cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng của người dân nên đã trở thành phong trào thiết thực, phát triển mạnh mẽ và giờ đây việc xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta đã trở thành điểm sáng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thưa các đồng chí,

Những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại và những nhiệm vụ, giải pháp đã thể hiện khá rõ qua dự thảo báo cáo và qua các ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, của các địa phương, đặc biệt là ý kiến của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thì nhiều vấn đề đã được làm rõ thêm - tôi nhất trí. Tại hội nghị này, tôi chỉ lưu ý thêm mấy việc:

Thứ nhất: Các cấp, các ngành và các địa phương khẩn trương sắp xếp ổn định về mặt nhân sự, về tổ chức bộ máy (nếu chưa thực hiện xong sau Đại hội đảng bộ); có kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết, thông qua Chương trình hành động đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết một cách cụ thể, có tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược, những nhiệm vụ trọng tâm mang tính xuyên suốt nhiệm kỳ 5 năm và hàng năm để tạo động lực cho sự phát triển (Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất và tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào phương hướng, giải pháp, lộ trình cụ thể thực hiện các đột phá chiến lược thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương mình theo dõi, phụ trách để có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, đồng bộ, đạt kết quả cao.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện đã được phân công theo Thông báo số 10-TB/TU ngày 29-12-2020, các đồng chí cần dành thời gian ít nhất có 1 lần trong tháng đến 1 xã để trải nghiệm thực tế, chỉ đạo xử lý khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở). Đồng thời, chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện để tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thứ hai: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng kịch bản, kế hoạch cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh; chú trọng việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã và phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân trong xây dựng phương án ứng phó linh hoạt, phù hợp. Thực hiện quyết liệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với lồng ghép, bố trí cây trồng, vật nuôi theo hướng thích nghi hạn, mặn; gia cố, nâng cấp, sửa chữa kịp thời các công trình ngăn mặn bị hư hỏng, xuống cấp và đầu tư nạo vét hệ thống kinh, rạch; tăng lượng nước ngọt dự trữ, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô, trước mắt là mùa khô năm 2021 (Việc này, cần có sự tính toán, dự báo chính xác để triển khai thực hiện ngay từ bây giờ; bởi nếu tính toán sai, dự báo không chính xác thì sự trả giá sẽ rất lớn và trên hết là sẽ đánh mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của chúng ta).

Thứ ba: Cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực kinh tế bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với điều kiện, tình hình của dịch bệnh và hội nhập sâu rộng; phải có sự phát triển đồng bộ, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp, đặc biệt là Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh (bước đầu chúng ta đã có báo cáo kết quả giai đoạn một của 2 dự án này là rất tốt).

Thứ tư: Các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục đổi mới công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng năm 2020; thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tiêu chuẩn, theo chức danh; rà soát và chuẩn bị xây dựng quy hoạch cấp ủy, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho nhiệm kỳ tiếp theo (nhiệm kỳ 2025 - 2030).

Tăng cường đoàn kết, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm, sự nêu gương trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, của chính quyền theo hướng đề cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách mới phát sinh, kết hợp với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài (là lãnh đạo, chúng ta đã nói được thì làm được, không được nói khó rồi không làm; không được thụ động chỉ trông chờ vào cấp trên mà thiếu đi sự vận dụng, sáng tạo để vượt qua khó khăn).

Thứ năm: Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (đề nghị các đồng chí căn cứ vào nội dung Chỉ thị 48 ngày 9-12-2020 của Ban Bí thư, Công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện), tôi cũng chỉ nhấn mạnh mấy việc:

Một là, các cấp, các ngành và các địa phương cần chủ động có giải pháp ứng phó với tình hình hạn, mặn; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác với các nguy cơ của dịch bệnh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn, mặn và dịch bệnh.

Hai là, giải quyết sớm các khoản chi lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, các gia đình chính sách, người có công trước khi nghỉ Tết. Tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công và lực lượng làm nhiệm vụ thường trực trong những ngày Tết. Thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ... để mọi người, mọi nhà đều được đón Tết cổ truyền trong không khí vui tươi, đầm ấm. Theo dõi chặt chẽ việc giải quyết chế độ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nắm chắc tình hình đời sống, sinh hoạt của công nhân để tổ chức các hoạt động chăm lo cho công nhân vui Tết một cách thiết thực, phù hợp với tình hình chung.

Ba là, lãnh đạo tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội mừng Xuân Tân Sửu và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện nghiêm Quy định 08 ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chấp hành tốt việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Thứ tư là, triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp xảy ra, không để bị động, bất ngờ; tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, kiềm chế thấp nhất tai nạn giao thông và không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép; phân công lực lượng thường trực điều tiết, tránh để ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ (chúng ta có hơn 10 ngày trước và sau Tết sẽ phân luồng xe chạy 1 chiều ở đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nếu Quốc lộ 1 bị ùn tắc giao thông).

Năm là, chú trọng công tác quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, gây tăng giá đột biến... Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường...

Sáu là, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, địa phương có kế hoạch cụ thể, bố trí cán bộ, nhân viên trực để xử lý, giải quyết kịp thời các công việc và thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong những ngày nghỉ Tết. Sau thời gian nghỉ Tết phải ổn định các công việc, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của năm 2021 và ngay sau Tết phải đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu giao quân một cách tuyệt đối, cả về số lượng và chất lượng.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của các đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, giao Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp đầy đủ và có văn bản báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.

* NGUYỄN VĂN DANH
(Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
 Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang)


(*) Trích phát biểu của đồng chí
NGUYỄN VĂN DANH

.
.
.