.
ĐẠI BIỂU TẠ MINH TÂM - PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TIỀN GIANG:

Để dự án Luật Phòng, chống ma túy hoàn thiện hơn...

Cập nhật: 09:05, 26/03/2021 (GMT+7)

(ABO) Chiều 24-3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tham gia đóng góp một số ý kiến để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với Điều 1 dự thảo luật quy định về phạm vi điều chỉnh, kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm nội dung “kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy” vì đây là nội dung quan trọng được thể hiện chặt chẽ tại Chương III với 10 Điều để điều chỉnh các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Do đó, kiến nghị Điều luật này thể hiện lại như sau: “Luật này quy định về phòng, chống ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy”.

Thứ hai, tại khoản 2 và khoản 3, Điều 11 dự thảo luật quy định cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan có trách nhiệm: “… thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy …”. Để hoàn thiện nội dung này, kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm cụm từ “tệ nạn” vào khoản 2 và khoản 3, Điều 11 để thể hiện trách nhiệm của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý, cụ thể như sau: “… thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn về ma túy …”.

Thứ ba, tại khoản 7, Điều 3 dự thảo luật quy định: “Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy…” là hành vi bị nghiêm cấm.

Nếu một người thực hiện hành vi trên thì họ có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật; nhưng vẫn không thể thực hiện được việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể. Nhằm tạo hành lang pháp lý để quy định các biện pháp cưỡng chế tương ứng, cũng như khắc phục tình trạng cố ý chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể để trốn tránh việc áp dụng biện pháp xử lý theo quy định pháp luật. Kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một khoản tại Điều 22 về xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, cụ thể “Người có hành vi chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có thể bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật”.

Thứ tư, tại khoản 1, Điều 27 quy định 5 trường hợp xác định tình trạng nghiện ma túy. Kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm 1 điểm vào khoản 1 Điều luật trên, cụ thể như sau: “Xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Việc bổ sung này nhằm bao quát các trường hợp xảy ra trong thực tiễn, góp phần đấu tranh hiệu quả các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần, thậm chí đã bị nghiện nhưng chưa bị phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    MINH NHỰT (tổng hợp)

 

.
.
.