.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

Báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hơn 300 nhiệm vụ cụ thể

Cập nhật: 16:18, 16/03/2021 (GMT+7)
(ABO) Ngày 16-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Tổ công tác). Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.
 
Từ đòi hỏi thực tiễn, ngày 19-8-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1642/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác. Tổ công tác có 11 thành viên, gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan. 
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đánh giá toàn diện, đầy đủ tiến độ, chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao so với yêu cầu đề ra. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết: 5 năm qua, đã có hơn 300 nhiệm vụ cụ thể được Tổ công tác báo cáo kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giao các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện, Tổ công tác đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tổ công tác còn có 16 buổi làm việc với các cơ quan, hiệp hội trong và ngoài nước….
 
Qua các cuộc kiểm tra, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được quán triệt, đôn đốc thực hiện; đưa các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể, đi vào cuộc sống; nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và nhiều khoảng trống pháp lý; nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, dư luận quan tâm, bức xúc liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan địa phương; nhiều bất cập, yếu kém trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đã được phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời.
 
Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao chuyển biến rõ nét, ngày càng thực chất. Đầu năm 2016, số nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,2%. Đến cuối năm 2020, chỉ có 180/9.721 số nhiệm vụ quá hạn, chiếm 1,8% - giảm 23,4% so với trước thời điểm thành lập Tổ công tác.
 
Chất lượng Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày càng được nâng cao, việc điều chỉnh tiến độ trình, việc xin chuyển, xin rút cơ bản được khắc phục. Cả nhiệm kỳ 2016 - 2021 (tính đến hết tháng 2-2021) có 2.504 đề án giao, đã hoàn thành 2.492/2.504 đề án, đạt 99,5%, chỉ còn 12 đề án (chiếm 0,5%) chưa trình - giảm 47 đề án và chỉ bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước.
 
Đặc biệt, Tổ công tác đã thúc đẩy mạnh mẽ các bộ, cơ quan, địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và trong hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc rà soát, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân, doanh nghiệp khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Kết quả này đã khẳng định sự hoạt động hiệu quả, sự nỗ lực, quyết liệt, quyết tâm, trách nhiệm của Tổ công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, đóng góp của Tổ công tác, góp phần cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổ công tác không bằng lòng với những gì đã đạt được, không được say mê với thành tích. Bởi tình trạng trì trệ trong công việc vẫn còn; sự lạc hậu trên một số thể chế, chính sách vẫn còn nặng nề…, mà cần duy trì hoạt động tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản pháp luật. ….
 P. MAI
 
 
 
 
 
.
.
.