.

Chiến tranh nhân dân là vậy đó!

Cập nhật: 07:50, 17/04/2021 (GMT+7)

Lâu lắm rồi tôi mới trở lại nhà chú Hai Đào (Đào Văn Hai), nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, nên quên mất lối vào. Biết nhà chú ở xã Nhị Bình (huyện Châu Thành), gần Bệnh viện Tâm thần tỉnh, nhưng phải hỏi thăm vài người tôi mới nhận ra cái lối nhỏ nằm bên trái ngôi nhà. Chú Hai vẫn vậy, lúc nào cũng tươm tất, sơ mi “đóng thùng” gọn gàng. Trông chú trẻ hơn so với cái tuổi ngoài 80 của mình.

Chú sống với vợ chồng người con trai út, nhưng lúc tôi tới thì con dâu chú đi làm ngoài xã, con trai cũng vừa chạy đi đâu đó, hai cháu nhỏ đã đi học. Trên chiếc bàn tròn, một bình trà, một chùm nhãn chín, chú kể cho tôi nghe chuyện những lần đánh đồn bằng tay không, lấy đồn bằng binh vận; những lần chú thoát chết trong đường tơ kẽ tóc…

Ở KHÔNG YÊN VỚI GIẶC

Năm 1959, chú tham gia phá thế kìm kẹp, giải tán thanh niên cộng hòa, đốt tháp canh của giặc... Năm 1960, chú bị địch bắt, ở tù một năm. Năm sau chú về tham gia du kích xã, rồi lên Xã đội trưởng, Bí thư xã Nhị Bình. Từ năm 1968 - 1970, chú là Huyện đội phó, rồi Huyện đội trưởng Châu Thành Bắc. Khi hai huyện Châu Thành Nam và Châu Thành Bắc sáp nhập, chú làm Chính trị viên Huyện đội. Năm 1984 chú chuyển ngành, sang làm Chủ tịch UBND huyện Châu Thành; sau đó làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang.

Chị em phụ nữ tỉnh Mỹ Tho ban bót giặc.
Chị em phụ nữ tỉnh Mỹ Tho ban bót giặc.

Năm 1996, thím bị bệnh qua đời, để lại cho chú 7 người con, chú phải xin nghỉ hưu để chăm sóc gia đình. Bây giờ các con của chú đã trưởng thành, đều có vợ, có chồng và chú có tới 15 đứa cháu nội, cháu ngoại. Chú nói, quê chú ở xã Long Định, chứ không phải ở đây. Vì chú tham gia phá thế kìm kẹp, bị tụi lính bảo an chiếm nhà đóng đồn. Nhà ba má chú ở gần đó, nên vợ con chú có chỗ nương náu. Vậy mà cũng đâu có yên, lúc chú ở trong tù, thì bên ngoài các em chú tổ chức đánh lấy đồn địch. Để tránh đòn thù, cả nhà lại phải bỏ chạy lần nữa.

Đồn Kinh 2, thuộc ấp Kinh 2, xã Long Định là đồn đầu tiên ở huyện Châu Thành do bọn bảo an Mỹ Tho đóng. Chúng thường bắt cha mẹ, vợ con gia đình cách mạng vô đồn làm cỏ. Ban ngày, tụi lính hay tới nhà dân để kiếm ăn và ghẹo gái. Nhà ba má chú cũng vậy, chúng tới đòi ăn cháo gà, cháo vịt, vừa ăn vừa chọc ghẹo cô em gái thứ năm của chú. Hồi đó, em chú (Đào Thị Nới) mới hơn 20 tuổi, cũng xinh xắn, dễ coi.

Trong đám lính có một người hiền lành, chất phác tên Nguyễn Văn Mừng, phong cách khá chững chạc. Anh thường lân la trò chuyện với em gái chú. Một hôm vắng người, anh Mừng cho em gái chú biết mình là nội tuyến của cách mạng cài vào. Anh nhờ em Nới giúp anh bắt liên lạc với cách mạng. Chị Nới đem chuyện này kể lại với chú Đào Văn Non (Tư Non), lúc đó là du kích xã. Chú Tư Non đồng ý hẹn gặp anh Mừng.

Gặp được người của cách mạng, anh Mừng rất vui, kể hết sự tình, nhất là tình hình địch cho chú Tư Non nắm. Anh Mừng cho biết, trong đồn chỉ có 15 tên lính, trang bị súng trường; riêng tên trưởng đồn mang Tamsol. Tối chúng chỉ gác có 4 góc, còn lại chui hết vô hầm “đầu bò” ngủ. Xung quanh đồn rào bằng tre đương mắt cáo, khi tấn công ta có thể xô rào đạp lên mà qua. Hai bên thống nhất: Đánh! Lúc đó, lực lượng phá thế kìm kẹp của ta do ông Tư Lượng (anh em mình thường gọi là Vua Tàu) chỉ huy, gồm có: Đào Văn Non, Đào Văn Mười, Nguyễn Văn Bá (tức Sáu Cù Là), Lê Văn Bảy (Bảy Râu)… Tất cả khoảng 10 người, nhưng chỉ có 2 cây súng trường, còn lại trang bị giáo mác. Để tạo thêm khí thế, các chú vận động thêm 20 thanh niên nòng cốt của các xã Long Định, Nhị Bình, Điềm Hy bơi xuồng, cầm gậy gộc tháp tùng.

Vào một đêm tháng 4-1961, trời mưa rất to, lực lượng ta từ phía Tây, theo kinh Bờ Bao Ngạn đi xuống, còn cách đồn chừng 50 mét thì lên bờ đi bộ. Y theo kế hoạch, 22 giờ ta đưa lực lượng đến ém bên ngoài. Khi anh Mừng xẹt hộp quẹt 3 lần thì ta xông vào, hô lớn “Tiến vô!”. Ta chọi một quả lựu đạn vào hầm “đầu bò”, vì quá bất ngờ nên bọn lính chạy tán loạn. Thằng đồn trưởng chạy xuống kinh Xáng trốn. Kết quả trận này, ta diệt được 1 tên, bắt sống 4 tên, thu được 11 súng.

Gỡ được cái gai, bà con tản cư trở về bám lại ruộng vườn, riêng gia đình chú  thì phải tức tốc dỡ nhà chạy về quê nội ở Gò Lũy. Thằng Cai Ngữ đưa lính tới dọn sạch nhà chú không còn thứ gì, kể cả vườn kiểng mấy chục cây mà ba chú nâng niu chăm sóc mấy năm trời.                 

CHIẾN TRANH NHÂN DÂN LÀ NHƯ VẬY ĐÓ!

Uống một ngụm trà, ngắt một trái nhãn, chú Hai nói sang chuyện khác: Người ta nói “Chiến tranh nhân dân”, nhưng ít ai kể những câu chuyện cụ thể về chiến tranh nhân dân, để chú kể cho bây nghe chuyện này nha: Hồi đó, ở xóm Kiệu, xã Nhị Bình có cây cầu tên là cầu Bến Hải, là cây cầu tréo dài cả trăm thước, bắc qua kinh ấp Tây, nối liền vùng giải phóng. Nhờ có cây cầu này mà bộ đội thường về đây đóng quân, nghỉ ngơi, vui lắm. Chiều chiều thanh, thiếu niên trong xóm hay xúm xít đòi các anh bộ đội chỉ cho cách bắn súng, cho nên dù chưa được bắn thiệt lần nào, nhưng mấy thao tác cơ bản như mở khóa, lên đạn, bóp cò… thì hầu như em nào cũng biết.

Về phía địch, sau năm 1968 đồn bót mọc lên như nấm, chỉ trong xã Nhị Bình đã có tới 10 đồn. Ban ngày chúng ra dân điều tra, nắm tình hình gia đình cách mạng, bắt gà vịt, chọc gái…, tới tối mới về đồn. Sáng hôm đó, trước khi đi ra xóm, chúng bắt 4 người dân vô đồn Nhị Bình làm cỏ. Trong 4 người, chỉ có ông Nguyễn Văn Hoài là người lớn; còn Đoàn Văn Chi và Năm Hí, Năm Ù thì mới 15 - 16 tuổi. Họ làm đến trưa, vừa đói vừa mệt, nên vô đồn xin chúng cho về nhà ăn cơm. Tụi nó không cho. Thấy trong đồn chỉ còn hai tên lính, một thằng gác trên “chuồng cu”, còn một thằng đang ngủ. Ba cô vợ lính thì đang chải chuốt, tán chuyện. Anh Chi, người lớn nhất trong 3 thiếu niên tức tối nói với ông Hoài: “Xin không cho thì bắn nó rồi về!”.

Ông Hoài can, vì nhà ông gần đồn, sợ liên lụy tới gia đình. Anh Chi kiên quyết: “Ông không dám làm thì làm thinh nha, để tui!”. Anh Chi lẻn vào đồn lấy súng tên lính đang ngủ bắn chết tên lính gác. Đám vợ lính nhào xuống mương la thất thanh. Tụi lính bên ngoài nghe tiếng súng nổ, “bắn hỏi” bằng 2 phát súng. Cái quy định này thì con nít xóm Kiệu cũng biết. Anh Chi liền bắn “trả lời” lại 2 phát, có nghĩa là “an toàn, không có chuyện gì”. Tụi lính bên ngoài yên tâm, tiếp tục la cà phá làng phá xóm, đến tối mới về. Sau này, cả 3 thiếu niên ấy đều đi bộ đội.

Nắng đã lên cao, chùm nhãn chín đong đưa trước hiên nhà, chú Hai đưa tay vuốt càm. Chú cười khà khà nói, chuyện chiến tranh thì kể tới bao giờ mới hết. Dù năm tháng đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm vui - buồn đã in sâu vào tim óc, đâu dễ gì quên. Chiến tranh nhân dân là vậy đó! Từ lòng yêu nước, chí căm thù, mỗi người dân là một chiến sĩ, có những lúc không cần ai tổ chức, không đợi ai phân công, đánh được giặc cứ đánh, thường đánh là thắng. Nếu không nhờ vậy thì đất nước nhỏ bé này làm sao đuổi được mấy tên cường quốc.

NGỌC THỦY

.
.
.