.
ANH HÙNG DÂN TỘC THỦ KHOA NGUYỄN HỮU HUÂN - BÀ LÊ THỊ LỘC

Đồng chồng, đồng vợ vì nghĩa lớn

Cập nhật: 11:06, 26/05/2021 (GMT+7)

Ngày 19-5-1875 (nhằm ngày 15-4 năm Ất Hợi) , tại ngã tư Giáp Nước (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang ngày nay), giặc Pháp đã xử trảm một người con ưu tú của làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) - là Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, một lãnh tụ xuất sắc của phong trào nghĩa quân kháng Pháp ở nước ta nửa sau thế kỷ XIX. Bên cạnh Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân là người vợ bền gan, chặt dạ cùng chồng lo việc nước, là bà Lê Thị Lộc.

SÁNG NGỜI TẤM GƯƠNG CỦA NHÀ GIÁO THỦ KHOA HUÂN

Anh hùng dân tộc (AHDT) Thủ Khoa Huân tên thật Nguyễn Hữu Huân, sinh năm Canh Dần (năm 1830) tại làng Tịnh Hà, tổng Thanh Quơn, huyện Kiến Hưng, tỉnh Ðịnh Tường; nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ông là con của cụ  Nguyễn Hữu Cầm, tục gọi là ông Cả Cầm, một phú nông ở làng Tịnh Hà. Năm Nhâm Tý (1852) đời vua Tự Ðức, ông dự thi Hương tại Gia Ðịnh và đậu Thủ khoa, nên được gọi là Thủ Khoa Huân. Sau khi thi đỗ, ông được triều đình bổ chức Giáo thọ (Ðốc học) huyện Kiến Hưng, tỉnh Ðịnh Tường. Ông có nhiều học trò ở các tỉnh như Long An, Ðịnh Tường…

Lãnh đạo tỉnh đặt tràng hoa, thắp hương tưởng niệm tại Đền thờ AHDT Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân.
Lãnh đạo tỉnh đặt tràng hoa, thắp hương tưởng niệm tại Đền thờ AHDT Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (tháng 2-1859), ông bỏ chức Giáo thọ, từ biệt gia đình tham gia kháng chiến, liên kết với các sĩ phu yêu nước chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống giặc, ngược với chiến lược hòa mà thực chất là đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn. Tháng 4-1861, Pháp chiếm Mỹ Tho, ông cùng Thiên Hộ Dương phát động khởi nghĩa, hoạt động ở Tân An và lan rộng đến Mỹ Tho, rất ảnh hưởng đối với sĩ phu Nam kỳ. Lúc đó, Thiên Hộ Dương làm Chánh Quản Đạo, ông làm Phó.

Đầu năm 1862, giặc đánh úp, ông bị bắt giải về Sài Gòn. Trong năm này, triều đình Huế hèn nhát ký Hòa ước Nhâm Tuất, dâng 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp, khiến nhân dân Nam kỳ hết sức căm phẫn. Bất chấp lệnh “giải giáp các đội nghĩa binh” của triều đình, họ tiếp tục kháng chiến. Tại Gò Công, Trương Định từ chối lệnh điều động của triều đình, ở lại cùng nhân dân đánh giặc. Thủ Khoa Huân từ trong ngục tù, mặc dù giặc ra sức dùng quyền tước, bổng lộc để chiêu dụ, ông vẫn kiên quyết từ chối; không những thế, ông còn dùng lời lẽ khôn khéo để giáo dục bọn Việt gian, rồi tìm cách trở về hoạt động.

Đầu năm 1863, trong cao trào kháng Pháp, Thủ Khoa Huân lại cùng Thiên Hộ Dương chiêu mộ nghĩa binh, phất cờ khởi nghĩa lần thứ hai. Nghĩa quân Thủ Khoa Huân ngày càng hoạt động mạnh, đánh tỉa nhiều đồn Pháp, phục kích các đội quân tuần tiểu, giải tán các tổ chức ngụy quyền, thanh trừ những tên Việt gian theo Pháp. Các đồn bót và các tổ chức ngụy quyền từ Trung Lương tới Cái Bè liên tiếp bị nghĩa quân của ông tập kích và giải tán.

Tháng 6-1863, giặc Pháp dò được căn cứ địa của ông ở Thuộc Nhiêu (Cai Lậy), đã cho đại binh đến bao vây, càn quét và tấn công. Sau mấy giờ giao chiến, nghĩa quân của ông thất trận. Ông và Thiên Hộ Dương thoát vòng vây, chuyển về tỉnh An Giang hoạt động, lấy vùng Bảy Núi làm căn cứ, tập hợp thêm nghĩa binh, liên kết với phong trào kháng Pháp của người Khơ-me, đứng đầu là Thạch Bướm, dựng cờ khởi nghĩa, tiếp tục đánh Pháp.

Vào giữa năm 1864, dựa vào Điều ước Nhâm Tuất, Pháp gửi tối hậu thư cho quan tỉnh An Giang, buộc phải bắt Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Dương nộp cho chúng, nếu không sẽ đánh chiếm An Giang. Biết được tin đó, Thiên Hộ Dương nhanh chóng chạy thoát, về xây dựng căn cứ ở Đồng Tháp Mười; còn Thủ Khoa Huân không tránh kịp, bị tên quan tỉnh bắt giữ và nộp cho Pháp.

Năm 1870, sau 7 năm bị chúng lưu đày, Thủ Khoa Huân được giặc Pháp “ân xá” cho ông về nước trước hạn 3 năm. Nhằm lung lạc ý chí kháng chiến cứu nước của ông, sau khi đưa ông về nước, thực dân Pháp ra lệnh cho Tổng đốc Phương, một tên tay sai của Pháp chiêu dụ, cử ông làm Giáo thọ, dạy bảo “sinh đồ” ở Chợ Lớn. Lợi dụng điều kiện đi lại dạy học, ông tìm cách liên lạc với các sĩ phu yêu nước và quan hệ với Hội Kín Hoa Kiều để mua vũ khí chuẩn bị chiến đấu. Năm 1873, bị do thám địch “đánh hơi”, nếu tiếp tục ở Sài Gòn không có lợi, ông tìm đường về tỉnh An Giang, chuẩn bị khởi nghĩa lần thứ ba.

Lần khởi nghĩa này, dân chúng theo ông rất đông. Lực lượng của ông có tới 3.000 người, địa bàn hoạt động trải dài từ Mỹ Tho đến Sa Đéc, gây tiếng vang rất lớn trong toàn cõi Nam kỳ. Trước thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, giặc Pháp hốt hoảng, tìm mọi cách để đối phó, trước hết tìm cách tiêu diệt lãnh tụ cuộc khởi nghĩa.

Lãnh đạo tỉnh đặt tràng hoa, thắp hương tưởng niệm tại Đền thờ AHDT Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân.
Lãnh đạo tỉnh đặt tràng hoa, thắp hương tưởng niệm tại Đền thờ AHDT Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân.

Cuối năm 1874, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn do Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương chỉ huy, tổ chức nhiều hướng tấn công căn cứ Bình Cách. Nghĩa quân tan vỡ, Nguyễn Hữu Huân thoát được về Chợ Gạo. Sau đó, ông ra Tân An với ý định quyên góp tiền bạc, lương thực gây dựng lại lực lượng; nhưng đến tháng 4-1875 ông bị giặc bắt.

Bọn chúng đưa ông lên Sài Gòn, rồi giải về Mỹ Tho giam giữ. Sau khi giở trò mua chuộc bị thất bại, thực dân Pháp xử tử Nguyễn Hữu Huân ngày 19-5-1875 (ngày 15 tháng 4 năm Ất Hợi) tại quê nhà ông. Trước khi lên đoạn đầu đài, ông vẫn kịp làm một bài thơ tuyệt mệnh gửi về nhà để tỏ rõ khí tiết của mình. Sau này bài thơ được cụ Phan Bội Châu dịch là:

Ruổi dong vó ngựa trả thù chung
Binh bãi cho nên mạng phải cùng
Tiết nghĩa vẫn lưu cùng vũ trụ
Hơn thua sá kể với anh hùng
Nổi xung mất vía quân hồ lỗ
Quyết thác không hàng rạng núi sông
Tho Thủy ngày rày pha máu đỏ
Đảo rồng hiu hắt ngọn thu phong.

Nhà yêu nước Nguyễn Hữu Huân một lòng yêu nước, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã có tác động rất lớn đến tinh thần chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân tỉnh ta. Ngay từ lúc mới đứng lên khởi nghĩa, nhà yêu nước Nguyễn Hữu Huân đã xác định cuộc chiến đấu chống giặc Pháp là cực kỳ khó khăn, gian khổ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của mình. Thế nhưng, với lòng yêu nước nồng nàn, lòng thương dân sâu đậm, ông sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả mạng sống của mình.

BÀ LÊ THỊ LỘC - TẤM GƯƠNG THỦY CHUNG, TIẾT LIỆT

Bà Lê Thị Lộc cùng quê (huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường) với Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân. Năm 1859, thực dân Pháp xâm chiếm Nam kỳ. Trước cảnh nước mất nhà tan, Thủ Khoa Huân chiêu tập hào kiệt bốn phương, phất cờ khởi nghĩa. Bà đã bán hết tài sản của mình mua vũ khí và lương thực ủng hộ nghĩa quân, giúp chồng tiến hành công cuộc đánh giặc ngoại xâm. Đến khi hai người con gái của ông bà đã lớn khôn, bà đi theo chồng lo việc nuôi quân.

Đầu năm 1864, Thủ Khoa Huân sang tỉnh An Giang xúc tiến việc mở rộng quy mô cuộc khởi nghĩa. Thực dân Pháp biết được, buộc Tổng đốc An Giang là Phan Khắc Thận phải giao nộp Thủ Khoa Huân cho bọn chúng, nếu không sẽ đánh chiếm An Giang, Vĩnh Long và Hà Tiên. Trước sức ép của giặc, Phan Khắc Thận đã hèn nhát bắt Thủ Khoa Huân giao cho bọn chúng.

Nhận được tin chồng sa vào tay giặc, bà lên đường sang An Giang đâm đơn kiện quan đầu tỉnh đã bán đứng Thủ Khoa Huân cho thực dân Pháp và đòi nhà cầm quyền phải trả tự do cho chồng mình, nhưng không có kết quả. Ở trong tù, biết được hành động dũng cảm của vợ, Thủ Khoa Huân rất cảm động và thán phục, nên đã sáng tác 2 bài thơ nhằm căn dặn bà hãy bền lòng son sắt với non sông, đất nước:

Xem qua thư gởi rất kinh hoàng
Nhi nữ chà chà cũng lớn gan
Đơn bẩm cúi lòn loài bạch quỷ
Sân quỳ vất vả phận hồng nhan
Bán mình đâu nệ phiền lòng sắt
Chuộc tội thà xin trọn nghĩa vàng
Tiết khí dưới trần coi ít mặt
Cang thường càng chuộng gánh giang san.

Ngày 19-5-1875, thực dân Pháp xử chém Thủ Khoa Huân ở Tịnh Hà (nay thuộc xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Để khủng bố tinh thần dân chúng, bọn chúng đã dã man bêu đầu ông ở đầu cầu kinh Bảo Định. Bất chấp mọi hiểm nguy, bà đợi đến đêm mang đầu của chồng về quê ông ở Tịnh Giang (nay là xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo) để an táng và lập mộ, làm tròn bổn phận của người vợ đối với vị anh hùng đã chết liệt oanh.

LINH CHI (tổng hợp)

.
.
.