.

Được gặp Bác là khoảnh khắc đáng nhớ suốt cuộc đời

Cập nhật: 09:50, 19/05/2021 (GMT+7)

Sinh thời, với cương vị là Chủ tịch Nước, nhưng cứ đến dịp kỷ niệm Ngày sinh của mình 19-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn từ chối những lễ nghi phiền phức, đã căn dặn các địa phương, cơ quan không nên tổ chức linh đình, vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, gian khổ. Qua đó cho thấy, sự giản dị, khiêm tốn của Người. Đó là bài học quý giá cho mỗi chúng ta trong bất kỳ giai đoạn lịch sử của đất nước; là dịp để chúng ta soi vào tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác để học tập những đức tính khiêm tốn, giản dị, mẫu mực... của Bác.

Miền Nam chưa có cơ hội được đón Bác vào thăm, nhưng nhiều người con của miền Nam nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng có cơ hội được gặp Bác, được nghe Bác kể chuyện, được nghe Bác căn dặn từng việc nhỏ hay chỉ đơn giản là được ngắm Bác từ xa, xem đó là những khoảnh khắc đáng nhớ suốt cuộc đời.

MÙA XUÂN ĐẸP NHẤT

Theo lời kể của Đại tá Phan Hồng Lạc, khi tập kết ra Bắc, ông được vào học ở Trường Lục quân I: Sáng mùng 1 Tết năm 1960, Trường Lục quân rực rỡ cờ hoa, các học viên quê miền Bắc đã về nhà ăn tết; chỉ còn tôi và một số anh không có người thân trên đất Bắc đã tình nguyện làm lực lượng trực, vui tết với nhà trường.

Sau đó, tôi xin phép nhà trường lên Ba Vì thăm một số anh em của Tiểu đoàn 2, thuộc Sư 338 của miền Nam. Bấy giờ Tiểu đoàn 2 đang chuyển sang làm nhiệm vụ sản xuất ở Nông trường Ba Vì. Ở đó có các đại đội địa phương Cai Lậy, Cái Bè, Vàm Cỏ và có Đại đội 2 là đơn vị tiền thân của Đại đội địa phương huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) mà tôi đã gắn bó suốt mấy năm dài chiến đấu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng  miền Nam ra thăm miền Bắc (ngày 11-11-1965).
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (ngày 11-11-1965).

Sáng mùng 2, những chiếc xe màu sữa dừng nối đuôi nhau, nhường lối cho chiếc đi giữa chạy vào sảnh đại đội. Một đồng chí có dáng người cao, to bước xuống, đến mở cửa xe. Trên xe, một cụ ông mặc áo kaki màu vàng đã bạc, râu tóc trắng như bông bước xuống. Cụ vừa đi vào doanh trại, vừa đưa tay vẫy mọi người. Niềm vui được gặp Bác bất ngờ làm tim tôi muốn ngừng đập: Bác Hồ!... Bác Hồ các đồng chí ơi! Các đồng chí ơi, Bác Hồ!...

Trong tích tắc, chúng tôi đã vây lấy Bác. Người nào cũng cố nhón chân lên để nhìn cho rõ Bác. Hai tiếng “Bác Hồ!” như điệp khúc mà ai cũng lặp đi, lặp lại mãi. Hàng trăm con mắt tôn kính, thân yêu đang hướng về phía Bác. Bác xúc động, ánh mắt sáng lung linh nhìn chúng tôi. Bác hỏi chúng tôi: Các chú ăn tết có nhớ miền Nam không!? Thưa, nhớ nhiều lắm! Có làm món ăn gì của miền Nam không?... Dạ, có đủ các món ăn Nam, Bắc ạ!...

Sau khi hỏi thăm và trò chuyện, khoảng 15 phút sau Bác từ giã ra về. Tôi và anh em theo Bác ra tận cổng. Khi xe đã chạy xa rồi, tay Bác vẫn còn vẫy mãi. Những người lính nông trường và tôi cứ vỗ tay cho đến khi không còn thấy đoàn xe nữa. Trong đời tôi, có lẽ cái tết năm ấy là vui nhất, mùa xuân năm ấy là mùa xuân đẹp nhất, thỏa nguyện nhất trong tôi...

Nhớ lại 2 năm về trước, tôi gặp Bác ở Xuân Mai - Hà Đông. Hồi ấy, tôi còn là lính của e.664. Hôm đó là sáng Chủ nhật, một số anh em còn ngủ. Bác lặng lẽ vào nhà bếp, rồi xuống nhà ăn. Cứ ngỡ chiêm bao, tôi đưa tay dụi mắt, cùng một vài anh chạy vụt theo Bác, xô đổ cả giàn cơm khô của anh nuôi. Bác trách, rồi bảo chúng tôi phải lượm lên, dựng lại giàn như cũ… Mỗi lần gặp Bác, tưởng nhớ đến Bác, tôi cứ ngỡ như mình được soi vào một tấm gương trong để tự chỉnh đốn lại mình.

VINH DỰ LỚN ĐƯỢC GẶP BÁC

Đồng chí Năm Tân là bộ đội miền Nam bộ tập kết ra Bắc, có câu chuyện cảm động về cuộc gặp gỡ với Bác Hồ: Sau buổi tập là chuẩn bị ăn trưa. Loa truyền thanh bỗng vang lên: Tin đặc biệt, tin đặc biệt: Bác đến, Bác Hồ đến, các đồng chí ơi! Bác Hồ đến đơn vị chúng ta!”. Chúng tôi người nằm, người ngồi đều bật dậy chỉnh đốn quân phục và chạy ào ra sân. Tất cả hướng ra cổng chính. Từ hướng nhà bếp, nhà ăn lại vang lên: Hồ Chủ tịch muôn năm! Các đồng chí ơi, Bác đến!... Bác vào cổng sau, đến khu nhà bếp.

Đồng chí Cận, anh nuôi, đang chia thức ăn, giật mình sửng sốt vì người đứng trước mặt mình là Bác Hồ. Bác vỗ nhẹ vào vai anh. Vừa sung sướng vừa cảm động, người anh run hẳn lên, miệng lắp bắp: Dạ, thưa Bác! Rồi anh hô to: Bác Hồ muôn năm! Loa miệng cứ truyền thanh: Bác Hồ muôn năm! Các đồng chí ơi! Bác đến…!

Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay liên tục, Bác vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống, Bác nói: Bác nghe báo cáo các cháu ở Nam bộ tập kết ra mạnh giỏi, tập luyện tốt, Bác rất mừng. Nhìn bộ đội ta bây giờ ăn mặc, trang bị thống nhất, coi oai dũng lắm, xứng đáng quân đội chiến thắng. Các cháu tạm xa đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc, cùng đồng bào miền Bắc xây dựng miền Bắc vững mạnh, để cùng nhân dân cả nước đấu tranh thống nhất nước nhà. Nay mai ta sẽ tiếp quản Hà Nội, Hải Phòng. Hà Nội là thủ đô của nước ta. Các cháu phải thực hiện tốt chính sách vùng đô thị mới giải phóng, thương yêu dân, đoàn kết với dân, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ để dân hiểu, giữ vững kỷ luật Quân đội. Các cháu cố gắng luyện tập tốt. Bác cháu ta hẹn gặp ở thủ đô Hà Nội. Các cháu đồng ý không!?...

Ước mơ duy nhất của chúng tôi là ra miền Bắc được gặp Bác. Bác đến thật bất ngờ, đi với Bác có 5 người, 2 xe, không có đoàn hộ tống. Bác đội nón cối, mặc bộ kaki đã bạc màu, mang đôi dép râu. Một vị lãnh tụ của Đảng, vị Chủ tịch nước đến đơn vị như người cha đến thăm các con.

NIỀM VUI BẤT NGỜ

Đại úy về hưu Võ Hoàng Tiếng, quê xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, có một câu chuyện kể về kỷ niệm vinh dự suốt đời không thể nào quên của ông. Đó là mùa Đông năm 1962, đang là Đại đội phó Pháo cối, thuộc Trung đoàn 2, Sư 330, ông được trưng dụng về Bộ Tư lệnh 351 (Pháo của Bộ Tổng) để được bồi dưỡng thêm về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, chi viện cho Lào.

… “Chiều nào cũng vậy, tan giờ học tập, tôi thường cùng đồng đội chơi bóng đá, bóng chuyền, hoặc tham gia môn chạy vũ trang, chạy dài để rèn luyện thể lực, theo lời dạy bảo ân cần của Bác Hồ kính yêu trong lần Bác đến thăm Trung đoàn Mỹ Tho (Sư 330) vào cuối năm 1959. Bác căn dặn các cán bộ, chiến sĩ miền Nam không những tích cực học tập, còn phải siêng năng rèn luyện thể lực, để khi đồng bào miền Nam cần là có thể vượt Trường Sơn để vào Nam chiến đấu được ngay. Mỗi lần từ cổng Bộ Tư lệnh 351 chạy ngang qua trước Phủ Chủ tịch, tôi thường nhìn thấy Bác Hồ và đồng chí Phạm Văn Đồng ra chăm sóc, tưới cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi ra tặng Bác.

Hình ảnh ấy của Bác Hồ đã làm tôi xúc động, và tôi đã làm một bài thơ có tựa đề “Bác trồng vú sữa” đăng trên báo tường cơ quan Bộ Tư lệnh 351, ca ngợi tấm lòng của Bác đối với miền Nam: Bác trồng vú sữa / Vú sữa Bác trồng / Tưới nước sông Hồng / Tưới hoài không cạn / Tưới lâu không chán / Bác nhớ miền Nam / Miền Nam mong đợi / Ngày Bác vô thăm. Bài thơ ký tên Võ Văn Thành Đô, sau đó được đăng trên Báo Quân đội Nhân dân. Tôi rất phấn khởi, vì đã làm được một việc nhỏ, thay mặt đồng bào và cán bộ, chiến sĩ miền Nam bày tỏ sự cảm kích và lòng biết ơn đối với Bác Hồ.

Đêm nằm mơ, tôi lại thấy Bác đọc bài thơ ấy. Và quả thật như vậy. Một hôm tôi được anh Phùng Kế Tài, Tư lệnh 351 gọi lên báo tin vui “đặc biệt”. Vừa gặp tôi, anh nói ngay: Bác đã đọc bài thơ của tôi và gửi quà tặng cho tôi. Quà gồm 1 khúc vải may áo sơ mi trắng, 1 khúc vải quần kaki và 200 đồng. Đón nhận quà tặng của Bác, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Đây là vinh dự lớn suốt đời tôi và tôi không thể nào quên”.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.